Nhiều cán bộ tư pháp hoạt động trong vùng địch hậu đã chịu đựng gian khổ, gắn bó sát cánh với nhân dân đấu tranh diệt tề trừ gian, được nhân dân thương yêu, tin tưởng, chở che và đùm bọc.
Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), thực dân Pháp và tay sai âm mưu “Dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, tăng cường chiến tranh gián điệp, tăng cường nội gián, biệt kích, xúc tiến việc đưa những tên phản động nhất khoác áo tôn giáo, trong tổ chức phản động như Quốc dân Đảng, Đại Việt, đưa địa chủ vào nắm bộ máy ngụy quân, ngụy quyền, hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến, phục hồi lại chính quyền thực dân, phong kiến.
Đồng thời, nhiều phiên tòa cũng đã được tổ chức ngay tại xã, thôn, xóm, ấp có hàng ngàn người tham dự; đã đưa ra xét xử và nghiêm trị bọn Việt gian phản động, bọn gián điệp lợi dụng tôn giáo hoạt động phá hoại như các vụ án gián điệp ở Hưng Nguyên (Nghệ An), Phát Diệm, Châu Sơn (Ninh Bình), Tang Điện, Hạ Trại (Nam Định), Sơn Hà (Tây Nguyên)…
Các Tòa án nhân dân vùng địch tạm chiếm đã góp phần bảo vệ chính quyền kháng chiến trong các khu căn cứ du kích, góp phần chống càn quét, chống bắt lính bắt phu, bảo vệ nhân dân, bảo vệ cơ sở ở vùng sau lưng địch. Nhiều cán bộ tư pháp hoạt động trong vùng địch hậu đã chịu đựng gian khổ, gắn bó sát cánh với nhân dân đấu tranh diệt tề trừ gian, được nhân dân thương yêu, tin tưởng, chở che và đùm bọc.
Tháng 02/1948, Hội nghị tư pháp toàn quốc lần thứ tư được tổ chức. Do hoàn cảnh đất nước đang kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy không thể đến dự nhưng Người vẫn hết sức quan tâm, gửi Thư động viên, nhắc nhở toàn ngành Tư pháp tiếp tục phải có những đóng góp to lớn trước yêu cầu mới của cuộc kháng chiến. Người cũng nhấn mạnh niềm tự hào nghề nghiệp, đồng thời yêu cầu đội ngũ cán bộ tư pháp tiếp tục rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống để đóng góp nhiều hơn cho cuộc kháng chiến. Trong thư, Người đã viết:
“Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền, cho nên càng phải tinh thành đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khác, để tránh những mối xích mích lẫn nhau, nó có thể vì quyền lợi nhỏ và riêng mà hại đến quyền lợi to và chung, cho cả tư pháp và hành chính”; "Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương "Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư" cho nhân dân noi theo".
Trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, chính quyền cách mạng, các cơ quan đầu não cùng quân đội đã tạm rời Thủ đô Hà Nội lên Chiến khu Việt Bắc để lãnh đạo kháng chiến. Từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1950, quân đội ta thiếu lương thực, thuốc men, đạn dược, tình thế buộc chúng ta phải cầm cự và phòng ngự, chờ thời cơ tiến công. Toàn dân, toàn quân ta ra sức thực hiện tiết kiệm để kháng chiến kiến quốc, thực hiện lời dạy của Bác “cần, kiệm, liêm chính”.
Trong khi bộ đội ngoài mặt trận phải ăn đói, mặc rét; những chiến sĩ bị thương thiếu thuốc men chữa trị, thì xuất hiện sĩ quan quân đội tham ô, sống xa hoa trên xương máu của đồng đội. Với quan điểm "Một cái ung nhọt dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan nguy hiểm", Chính phủ và Bác Hồ đã kiên quyết xử lý và đưa ra trước vành móng ngựa một số sĩ quan có chức, có quyền. Điển hình là vụ án Trần Dụ Châu, nguyên Đại tá Cục trưởng Cục quân nhu (Bộ Quốc phòng).
Với quan điểm "Một cái ung nhọt dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan nguy hiểm", Chính phủ và Bác Hồ đã kiên quyết xử lý và đưa ra trước vành móng ngựa một số sĩ quan có chức có quyền.
Ngày 5/9/1950, tại thị xã Thái Nguyên, Tòa án Binh tối cao mở phiên tòa đặc biệt xét xử Trần Dụ Châu. Thiếu tướng Chu Văn Tấn làm chủ tọa; Thiếu tướng Trần Tử Bình đại diện Chính phủ làm Công tố viên. Phòng xử án treo khẩu hiệu “Nêu cao ánh sáng công lý trong quân đội”, “Trừng trị để giáo huấn”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thức trắng đêm suy nghĩ, sau đó Người đã bác đơn xin khoan hồng của Trần Dụ Châu, với quan điểm “Trừng trị một người để cứu muôn người”.
Bản án gây chấn động trong quân đội và nhân dân, đã củng cố niềm tin vào Đảng và Bác Hồ trong lãnh đạo kháng chiến và đấu tranh chống tham nhũng. Nhờ vậy, thế của quân đội ta từ cầm cự, phòng ngự đã chuyển sang tổng phản công, đánh thắng địch ở Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950, làm bàn đạp cho chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến.
Bản án tử hình Đại tá Trần Dụ Châu như một tiếng chuông cảnh tỉnh những kẻ tham ô, tham nhũng dù có chức có quyền, ở bất kỳ cương vị nào. Tinh thần xét xử nghiêm minh, trừng trị tội phạm tham nhũng “không có vùng cấm” của vụ án vẫn còn nguyên giá trị thời sự cho đến tận ngày nay.
Trình bày: Lâm Thanh - Nhật Minh - Thanh Trà