Sầm Sơn, Thanh Hóa: “Cát tặc” lộng hành, bất chấp pháp luật

Thanh Phương| 20/03/2015 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian gần đây, tại địa bàn thị xã Sầm Sơn, tình hình khai thác, nạo vét cát trái phép diễn ra ngày một phức tạp. Các đối tượng ngang nhiên khai thác bất kể ngày hay đêm, thậm chí còn chống trả quyết liệt các lực lượng chức năng.

“Cát tặc” ngang nhiên hoạt động

Ông Vũ Thanh Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Cư (thị xã Sầm Sơn) cho biết: Ngày 13/3, sau khi nhận được tin báo của nhân dân, UBND xã Quảng Cư đã chủ động tổ chức lực lượng của xã và phối hợp với Công an thị xã Sầm Sơn bắt giữ 5 thuyền có hiện tượng khai thác cát trái phép. Kiểm tra tại chỗ, các thuyền này không đăng ký số hiệu, có biểu hiện hút cát để bán cho một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phục vụ việc xây dựng. Hỏi đến các giấy tờ như giấy phép nạo hút cát, bản đăng ký thuyền viên... thì những người có mặt trên thuyền nói là để ở Công ty nên không thể xuất trình được? Khi bị các lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ, các đối tượng trên thuyền chống đối, không chịu lái thuyền vào bờ theo yêu cầu mà rẽ theo hướng khác rồi bất ngờ nhảy xuống biển bơi vào bờ nhằm thoát thân. Cho đến chiều 13/3/2015, các lực lượng chức năng đang đợi thủy triều lên để lai dắt 5 thuyền về Trạm kiểm soát Biên phòng Quảng Cư xử lý.  

Sầm Sơn, Thanh Hóa:  “Cát tặc” lộng hành, bất chấp pháp luật

Đất của gia đình bà Liệu bị sạt lở hàng nghìn m3 do khai thác cát trái phép

Theo tìm hiểu của PV, việc các tàu hút cát bừa bãi có nguy cơ làm biến dạng luồng, tuyến hàng hải quốc gia, ảnh hưởng an ninh, an toàn hàng hải, trong đó có hoạt động cứu hộ, cứu nạn và an ninh - quốc phòng. Nơi đây còn liền kề với khu vực rừng phòng hộ cửa sông Mã thuộc xã Quảng Cư, có nhiều ao nuôi trồng thủy hải sản của dân và đã được quy hoạch hai dự án quan trọng của Bộ NN&PTNT: Trồng rừng ngập mặn và xây dựng công trình đê kè chống sạt lở bờ biển. Theo lãnh đạo UBND xã Quảng Cư, từ năm 2010 đến nay, khu vực biển thuộc địa bàn xã Quảng Cư bị xâm thực mạnh, có năm biển xâm thực vào đất liền đến 200m. Đã có gần 10ha nuôi tôm, hàng trăm ha đất canh tác của người dân bị nhiễm mặn, gần 1ha rừng phi lao ven biển và 15ha đất rừng phòng hộ bị nước biển xâm thực, tàn phá.

Hủy hoại đất nhưng không buộc khôi phục nguyên trạng?

Chiều 13/3/2015, có mặt tại hiện trường (thôn Hồng Thắng, xã Quảng Cư), PV ghi nhận thực trạng đáng báo động. Vị trí 5 tàu hút cát trái phép vừa bị phát hiện ở gần khu ao nuôi trồng thủy sản của người dân. Người dân cho biết, từ khoảng giữa năm 2014 đã có các phương tiện nạo hút cát ở khu vực nhạy cảm này. Trước mắt chúng tôi, ao của xã cho ông Vũ Như Tươi thầu ước rộng hơn 10.000m2 hiện không còn bờ mà thông luôn ra sông Mã và còn làm sạt lở lây sang đất khai hoang của gia đình bà Trương Thị Liệu tiếp giáp với ao này.

Khi bà Liệu có đơn yêu cầu ông Tươi bồi lấp lại khoảng 3.000m3 sạt lở, UBND thị xã Sầm Sơn đã nhanh chóng kiểm tra và kết luận tại Văn bản số 1642/UBND-TNMT ngày 10/10/2014. Nội dung yêu cầu ông Tươi khôi phục khối lượng đất sạt lở của bà Liệu trong vòng 5 ngày, đến 15/10/2014 phải xong. Tuy nhiên, văn bản trên cho rằng, nguyên nhân sạt lở đất là do "ông Tươi tự ý cải tạo ao để nuôi trồng thủy sản khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép" là chưa đúng mức. Vì ông Tươi nạo vét ao đã sạt lở hết cả 3 phía bờ, diện tích ao đã nhập với lòng sông Mã; bờ ao còn lại là đất của bà Liệu cũng bị sạt thì không thể nói đó là "cải tạo ao".

Theo phản ánh của người dân và đơn của bà Liệu, chủ ao cho tàu vào hút cát bán là phù hợp với thực tế. Vậy tại sao chính quyền không xem xét hành vi tự ý nạo hút cát của ông Tươi cũng như không áp dụng biện pháp khôi phục tình trạng ban đầu đối với ao của ông Tươi như pháp luật đất đai quy định?

Ngày 6/3/2015, Bộ GTVT đã có Văn bản số 2711/BGTVT-KCHT, tại điểm 2 đề nghị "UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý hoạt động nạo vét, khai thác cát trái phép của tổ chức, cá nhân liên quan tại khu vực cửa biển Lệ Môn theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Văn bản số 9754/VPCP-KTN ngày 5/12/2014 của Văn phòng Chính phủ và quy định của pháp luật có liên quan".

Đề nghị Cảng vụ hàng hải, UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND thị xã Sầm Sơn cần sớm xem xét, chấn chỉnh việc quản lý, khai thác cát gắn với việc quản lý các loại đất nuôi trồng thủy sản, đất rừng phòng hộ, đất quy hoạch các Dự án chống sạt lở bờ biển tại xã Quảng Cư.     

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sầm Sơn, Thanh Hóa: “Cát tặc” lộng hành, bất chấp pháp luật