Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị dành sự quan tâm rất đặc biệt đến lĩnh vực công nghiệp văn hóa vì đem lại lợi nhuận rất lớn và tạo điều kiện cho xã hội phát triển.
Tiếp tục chương trình Phiên họp 33, sáng 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực công nghiệp văn hóa
Đồng tình với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị dành sự quan tâm rất đặc biệt đến lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Hiện nay, trên thế giới, công nghiệp văn hóa rất phát triển, trở thành động lực tăng trưởng, động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Văn hóa không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn thúc đẩy giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế.
“Lâu nay chúng ta cứ hiểu văn hóa là ngành đi tiêu tiền, nhưng trên thế giới hiện nay đây là ngành làm ra rất nhiều tiền, là ngành có giá trị gia tăng rất cao. Mấy cô ca sĩ Hàn Quốc sang đây diễn có mấy đêm thôi bằng một doanh nghiệp của chúng ta làm trong nhiều tháng... Ngành công nghiệp văn hóa đem lại lợi nhuận rất lớn, mà Nhà nước không phải đầu tư nhiều, quan trọng là tạo điều kiện cho xã hội phát triển”, Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nước ta có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa giai đoạn 2020 - 2030 cũng nêu rõ quan điểm, các ngành công nghiệp văn hóa là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, văn hóa nhưng cũng là kinh tế. Do vậy, công nghiệp văn hóa là xu thế của thời đại, là lĩnh vực đặc biệt quan trọng.
Thực hiện cả trong và ngoài nước
Trước đó, trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Chương trình được chia làm các giai đoạn: Năm 2025, 2026-2030 và 2031-2035. Mục tiêu của từng giai đoạn cũng được đặt ra cụ thể.
Chương trình tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, bao gồm: Di sản văn hóa, văn hóa cơ sở, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật - nhiếp ảnh và triển lãm, điện ảnh, thư viện, giáo dục văn hóa, đào tạo, văn hóa dân tộc, văn hóa đối ngoại, công nghiệp văn hóa...
Chương trình thực hiện trên cả nước, bao gồm tất cả các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cấp thôn và một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, bổ sung, làm rõ và sâu sắc hơn các tác động đối với hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của chương trình.
Đáng chú ý, theo ông Vinh, Luật Đầu tư công quy định chương trình mục tiêu quốc gia có quy mô, phạm vi ở trong nước. Tuy nhiên, chương trình có nội dung đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.
Theo ông Vinh, đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đồng ý với việc đầu tư này. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị đánh giá kỹ lưỡng sự cần thiết đầu tư tại nước ngoài trong điều kiện hiện nay.
“Trong trường hợp thật cần thiết, đề nghị sử dụng nguồn vốn khác ngoài chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện các dự án này theo các quy định có liên quan của pháp luật về đầu tư công”, ông Vinh nói.
3 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai đều có nội dung đầu tư về phát triển văn hóa. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình liên quan đến phát triển văn hóa có nội dung trùng lặp về mục tiêu, đối tượng thụ hưởng, nguồn vốn thực hiện.
Để xử lý việc trùng lặp này, Chính phủ kiến nghị chuyển Dự án số 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; các chương trình, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng chưa được bố trí kinh phí hoặc chưa có kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2026-2030 sẽ được thực hiện thống nhất trong Chương trình.
Về vấn đề này, có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giữ nguyên các mục tiêu, dự án có liên quan đến lĩnh vực văn hóa thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia đã được phê duyệt và đang thực hiện, không tích hợp vào chương trình này. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ lưỡng về đối tượng, phạm vi, nội dung của Chương trình với các chương trình, đề án liên quan, tránh chồng chéo, trùng lặp, hoặc bỏ sót đối tượng; đề xuất cơ chế để lồng ghép chính sách, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư.
Loại ý kiến thứ hai, nhất trí với kiến nghị của Chính phủ, đồng thời đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá tác động, làm rõ sự cần thiết điều chuyển, cơ chế điều chuyển, nhất là về bố trí nguồn vốn và trình tự, thủ tục đầu tư.