Liên quan đến vụ việc Phó chánh án TAND huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) bị một đối tượng xông vào phòng làm việc đâm trọng thương phải đưa đi cấp cứu, chiều (8/5), Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Văn Tuân (SN 1973, tại Thừa Thiên Huế) về tội “Giết người”, theo quy định tại Khoản 1, Điều 123 BLHS.
Theo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị, bị can Tuân đã có 1 tiền án. Ngày 19/12/2023, Trần Văn Tuân bị HĐXX sơ thẩm TAND huyện Cam Lộ tuyên phạt 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Ngày 2/5/2024, Tuân cho rằng mức hình phạt trên do Thẩm phán Nguyễn Văn Quý – Chủ tọa phiên tòa xét xử đổi với mình là nặng nên nảy sinh ý định trả thù ông Quý.
Chiều 2/5/2024, sau khi mua hung khí là 1 cái kéo có đầu nhọn, Tuân đã đến phòng làm việc của ông Quý tại TAND huyện Cam Lộ, sử dụng kéo tấn công, đâm liên tục nhiều lần với cường độ mạnh vào vùng đầu, cổ, lưng, tay của ông Quý khiến vị Phó chánh án bị thương, chảy máu nhiều và lâm vào tình trạng không thể phòng vệ.
Do được mọi người phát hiện, khống chế, ngăn chặn kịp thời hành vi tấn công của Tuân nên ông Quý mới không nguy hiểm đến tính mạng và bị nhiều thương tích trên cơ thể, với tỷ lệ thương tổn là 19%.
Quyết định khởi tố bị can đã được VKSND tỉnh Quảng Trị phê chuẩn. Phía VKS yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.
Trước đó, TAND tỉnh Quảng Trị cho biết vào khoảng 14 giờ 45 phút ngày 2/5/2024, Phó chánh án TAND huyện Cam Lộ Nguyễn Văn Quý đang nghiên cứu hồ sơ tại phòng làm việc thì bất ngờ có đối tượng Trần Văn Tuân xông vào phòng, dùng kéo sắc nhọn đâm nhiều nhát vào vùng cổ, lưng, đầu, bụng của ông Quý.
Trần Văn Tuân đã bị cán bộ Tòa án cùng công an huyện bắt giữ ngay sau đó. Phó chánh án Nguyễn Văn Quý đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị.
Thẩm phán cao cấp Lê Hồng Quang, Chánh án TAND tỉnh Quảng Trị cho biết vụ việc bị án trước khi đi thi hành án, đã chuẩn bị kéo cỡ lớn, sắc nhọn, vào phòng Thẩm phán đâm liên tục 8 nhát vào các vùng trọng yếu của cơ thể, một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về sự an toàn về toàn tính mạng và sức khoẻ của các Thẩm phán.
“Vụ việc không đơn thuần là chống lại Thẩm phán, chống lại Toà án mà là sự cố tình bất chấp pháp luật, coi thường Nhà nước, chống người thi hành công vụ”, ông Quang nhấn mạnh.
Theo ông Quang, đây là vụ việc nghiêm trọng, nếu không có sự can thiệp, ngăn chặn kịp thời của các đồng nghiệp thì có thể tính mạng của thẩm phán đã bị tước đoạt. Nếu để hiện tượng này tái diễn, phổ biến thì tính quyền uy, quyền lực cũng như hiệu quả của quản lý nhà nước bị xâm hại.
Luật sư Đỗ Văn Thăng, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết bị cáo Trần Văn Tuân đã bị TAND tỉnh Quảng Trị xử phạt 3 năm tù tại bản án hình sự phúc thẩm số 06/2025/HS-PT ngày 26/3/2024. Do đó, theo quy định tại Khoản 2 Điều 355 BLTTHS 2015 thì sau khi Tòa cấp phúc thẩm tuyên án thì bản án có hiệu lực từ ngày tuyên án.
Căn cứ theo khoản 3 Điều 364 - BLTTHS 2015 và khoản 4 Điều 23 Luật THAHS 2019 thì đối với trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, người chấp hành án phải có mặt tại trụ sở cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để thi hành án.
Quá thời hạn 7 ngày mà người đang tại ngoại khi bị tòa kết án không có mặt để chấp hành thi hành án thì cảnh sát thi hành án hình sự và cơ quan hỗ trợ tư pháp sẽ tiến hành thực hiện áp giải thi hành án.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 329 BLTTHS 2015 về trường hợp bị cáo không bị tạm giam nhưng bị xử phạt tù thì HĐXX “có thể” ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay tại phiên tòa nếu có căn cứ cho thấy bị cáo có thể bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội. Khoản 3 Điều 347 BLTTHS có quy định đối với bị cáo không bị tạm giam nhưng bị xử phạt tù thì HĐXX “có thể” ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay sau khi tuyên án”.
Cũng theo vị luật sư này, điều luật quy định “có thể” được hiểu là không phải mọi trường hợp đều phải bắt tạm giam ngay sau khi tuyên án mà vẫn có một số trường hợp ngoại lệ nhằm thể hiện tính nhân đạo, nhân văn trong việc áp dụng pháp luật, hướng đến bảo vệ quyền con người cho người bị kết án và cả người thân của họ.