Đái tháo đường đang trở thành căn bệnh của xã hội hiện đại và ngày càng trẻ hoá, bệnh chủ yếu do lối sống như lười vận động, ăn uống không khoa học.
Theo số liệu thống kê, năm 2015, trên thế giới có 415 triệu người mắc đái tháo đường (ĐTĐ), trong đó có 90% là ĐTĐ type 2. ĐTĐ làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong sớm. Từ 2012-2015, mỗi năm có 1,5-5,0 triệu ca tử vong do các biến chứng của ĐTĐ. Chi phí điều trị ĐTĐ trên thế giới năm 2014 lên đến 612 tỷ USD.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh ĐTĐ. Con số này được dự báo sẽ tăng lên thành 6,1 triệu vào năm 2040. Bệnh lý ĐTĐ được coi là đại dịch có nguy cơ gây ra gánh nặng bệnh tật gấp 20- 40 lần so với những bệnh lây nhiễm khác. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra mù lòa, suy thận, gây cụt chi chỉ sau tai nạn giao thông, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bất lực, rối loạn nhận thức, giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống.
3,5 triệu người Việt mắc ĐTĐ
Tuy nhiên, con số người bệnh chưa được chẩn đoán lên tới gần 70%. Bởi vậy, nhiều bệnh nhân được phát hiện bệnh khi đã xuất hiện các biến chứng.
TS.BS Nguyễn Văn Tiến – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung cho biết, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến ĐTĐ gia tăng nhanh chóng là do môi trường, bao gồm lối sống. Trong đó, thói quen ăn uống nhiều chất bột đường, ít chất xơ khiến lượng đường tăng cao, đặc biệt là ăn nhiều cơm trắng và thói quen ít vận động là một trong nhiều nguy cơ gia tăng bệnh nhân mắc ĐTĐ.
Theo BS Tiến, trước kia người Việt ăn nhiều cơm gạo trắng nhưng cũng vận động rất nhiều từ đi xe đạp, đi bộ, lao động chân tay... nhưng hiện nay, đời sống đã được cải thiện, các phương tiện hiện đại phát triển, "tự động hóa" được tăng cường khiến cho vận động của con người giảm xuống đáng kể. Vì vậy, ăn nhiều cơm trắng nhưng không vận động khiến cho nguy cơ mắc đái tháo đường tăng cao.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật - Nguyên Trưởng khoa Hóa sinh, Trường Đại học Y Hà Nội cũng cho rằng, ĐTĐ type 2 là bệnh mạn tính có liên quan chặt chẽ tới chế độ ăn uống nhiều đạm, ít chất xơ, lười vận động,…
Theo PGS Luật, có thể đánh giá nguy cơ tiến triển ĐTĐ type 2 bằng tình trạng tiền ĐTĐ -là trạng thái tăng glucose máu nhẹ hơn ĐTĐ, trong mức độ của “giảm dung nạp glucose khi đói” (IFG) và “giảm dung nạp glucose” (IGT).
Hiện có trên 70% số người bị tiền ĐTĐ có thể tiến triển thành ĐTĐ type 2 và có thể gây các biến chứng vi mạch như các bệnh võng mạc, thận, thần kinh và bệnh cơ tim. Nguy cơ tiến triển từ tiền ĐTĐ thành ĐTĐ type 2 là 5-10%/ năm, trong khi nguy cơ này ở người bình thường chỉ là 0,7%/ năm.
Trước tình trạng trẻ hóa bệnh nhân mắc ĐTĐ, PGS Luật đưa ra lời khuyên mỗi ngày nên ăn đủ nửa kg rau quả, đi bộ đủ 30 phút, ngủ từ 6-8 giờ mỗi ngày và tìm cách giảm stress. Khi có dấu hiệu sút cân, khát nước, mệt mỏi..., người bệnh cần kiểm tra đường huyết để được bác sĩ tư vấn kịp thời.