Người đàn ông tử vong do chủ quan khi bị chó nhà cắn

Huy Hoàng| 02/08/2018 16:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bị chó nhà cắn, người đàn ông ở Phú Thọ chủ quan không đi tiêm phòng. 1 tháng sau đó người này đã tử vong vì phát bệnh dại.

Ngày 2/8, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, vừa tiếp nhận bệnh nhân nam 35 tuổi (ở Phú Thọ) được gia đình đưa đến với biểu hiện sợ gió, sợ nước và chỉ sau 1 ngày bệnh nhân xuất hiện những cơn co thắt hầu họng, thở rít từng hồi. Bệnh nhân sau đó vật vã, tiên lượng khó qua khỏi nên gia đình đã xin đưa bệnh nhân về nhà.

Theo thông tin gia đình bệnh nhân cung cấp, trước đó 1 tháng, anh này bị chó nhà nuôi cắn vào tay, nhưng chủ quan không tiêm phòng. Sau khi bị chó cắn, anh này có đánh nó và con chó bỏ đi mất nên không theo dõi được tình trạng con vật.

4 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu mất ngủ, bồn chồn, sợ nước sợ gió tăng dần, kích động hoảng loạn.

Người đàn ông tử vong do chủ quan khi bị chó nhà cắn

Vết thương chó cắn bàn tay phải cũng khiến 1 người phụ nữ tử vong trước đó

Theo bác sĩ Cấp, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận hàng chục ca bị bệnh dại. Đáng lo ngại, tỷ lệ tử vong của căn bệnh này là 100%. Các đối tượng mắc bệnh dại thường do bị chó lạ cắn, chó nhà nuôi bị ốm. Những loại này đều có nguy cơ cao mắc bệnh dại nên truyền trực tiếp virus sang người. Do không kịp thời tiêm phòng, khi căn bệnh phát tác, người bệnh không còn cơ hội sống sót.

“Bệnh dại có một đặc thù là ủ bệnh, phát hiện rất muộn. Thời gian ủ bệnh sau khi bị cắn thường vài tuần, có thể lâu hơn vài tháng thậm chí hàng năm tùy thuộc vào số lượng và mức độ tổn thương và vị trí của vết cắn có gần thần kinh trung ương hay không. Vì thế, có người bệnh khởi phát dại khi vết thương đã liền da, không còn dấu vết gì của chó cắn, thậm chí người ta đã quên mất việc bị chó cắn.

Chứng kiến cảnh bệnh nhân lên cơn dại, thấy chết mà không thể cứu, bất cứ ai cũng thấy vô cùng ám ảnh. Trong khi đó, nếu bị chó nguy cơ dại cắn, người bệnh đi tiêm phòng vắc xin ngay, đủ mũi thì tỉ lệ bảo vệ gần như 100%”, bác sĩ Cấp nói.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, khi bị chó cắn cần rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Sau đó vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn iod và đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng vắc xin và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người đàn ông tử vong do chủ quan khi bị chó nhà cắn