Ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, điểm đến Bình Dương hóa ra dễ dàng thuận tiện và chắc ăn hơn đến TP HCM trên chặng đường dài tha hương của nhiều người.
Câu cửa miệng "đi Bình Dương" trở nên thông dụng với người ly nông, ly hương kiếm sống. Đi Bình Dương bởi ở đây có nhiều điều kiện hơn nơi khác để lập thân lập nghiệp.
Tiếng lành đồn xa, người ta bảo nhau đi Bình Dương, khóa cửa lại và đi cả nhà. Ở đây tạm đủ sống và còn dành dụm được chút chút hơn hẳn ở nhà. Các chuyên gia phân tích, làm nông ở ĐBSCL bây giờ tiền công khá hơn.
Có lúc có nơi được 200 ngàn, 300 ngàn một ngày công. Thế nhưng làm gì có công việc quanh năm. Việc thời vụ mà. Cứ cho là được nửa năm thì những ngày hết việc trông vào đâu?
Một kết quả thống kê cho thấy, nguồn nhân lực ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ở mức thấp về trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật so với mặt bằng chung của đất nước. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở đây chỉ đạt khoảng 10% trong khi trung bình cả nước lên đến gần 20%. Điều này giải thích vì sao kinh tế-xã hội ĐBSCL chậm tăng trưởng, cản trở quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế của ĐBSCL.
Không còn nghi ngờ gì nữa, ĐBSCL là vùng đất giàu tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế-xã hội. Vùng đất này đã và đang có những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước. Ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ĐBSCL cung cấp 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng thủy sản và trái cây xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, thách thức mang tính cấp thiết, được quan tâm nhất vẫn là vấn đề hạn chế về nguồn nhân lực. Ở ĐBSCL, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều gặp phải tình trạng thiếu hụt nhân lực đã qua đào tạo. Chẳng hạn trong ngành du lịch, dự báo đến năm 2020, nghĩa là hơn 2 năm nữa, nguồn nhân lực cho phát triển du lịch ĐBSCL lên tới 236.000 lao động, nhưng hiện nay, lực lượng lao động trực tiếp và gián tiếp chỉ đạt khoảng 100.000 người.
Sau gần 30 năm đổi mới, hệ thống cơ sở giáo dục, đào tạo ở ĐBSCL vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Mạng lưới đào tạo nghề cho lao động nông thôn chỉ được phát triển theo bề nổi không có hiệu quả. So với các vùng trong cả nước, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ hoặc có vốn đầu tư nước ngoài ở ĐBSCL còn thấp; phần lớn doanh nghiệp sử dụng lao động phổ thông, không qua đào tạo, ít có nhu cầu lao động chất lượng cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng nguồn nhân lực chậm được cải thiện.
Trong khi đó, gần 10 năm nay, điểm sáng Đồng Tháp về phát triển khá toàn diện và bền vững, trong đó có vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực được đánh giá là thành công. Ở Đồng Tháp hầu như không mấy ai rủ nhau đi Bình Dương làm ăn nữa. Ngay trong tỉnh đã có việc làm. Các chuyên gia cho biết, Đồng Tháp là tỉnh có các khu công nghiệp thu hút nhà đầu tư nhưng cũng có số lao động kỹ thuật xuất khẩu vào thị trường có giá cao như Nhật Bản, Hàn Quốc... đứng đầu cả khu vực ĐBSCL.
Hai mươi năm cùng cả nước thực hiện sự nghiệp đổi mới, Đồng Tháp tự hào về thành tựu trong cuộc chinh phục khai phá Đồng Tháp Mười để phát triển mạnh mẽ cây lúa. Phát huy tinh thần cần cù, sáng tạo đó, Đảng bộ và nhân dân Đồng Tháp quyết tâm giành được những thành tựu to lớn hơn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Điều này lý giải việc người Đồng Tháp không rủ nhau đi tới miền đất hứa Bình Dương nghĩa là không cần ly hương, ly nông vẫn sống khỏe.