Chiều 21/7, tại thành phố Cần Thơ, UBND TPHCM phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tổ chức Hội nghị công bố Kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2023 và giai đoạn 2024 – 2025.
Thời gian qua, các Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhằm chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của các bên thành giá trị cụ thể, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương vùng ĐBSCL và TPHCM.
Tại buổi hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL là cầu nối để doanh nghiệp các bên liên kết, hợp tác với nhau; thúc đẩy hợp tác công - tư trên nguyên tắc cùng có lợi, đóng góp vào sự phát triển chung của các bên; trao đổi kinh nghiệm về cải cách hành chính, quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao đời sống của người dân.
Trong năm 2023, TPHCM sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tổ chức nhiều sự kiện cấp vùng, kết nối doanh nghiệp TPHCM có nhu cầu sản xuất, đầu tư kinh doanh tại các địa phương; chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư - thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL..
Trong năm 2024 – 2025, sẽ tập trung thực hiện 5 lĩnh vực: Phát triển hạ tầng giao thông; phát triển du lịch; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số; giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, lao động.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Việt Trường - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ khẳng định, qua hội nghị này, hợp tác phát triển là một xu thế tất yếu trong phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, TP Cần Thơ rất quan tâm, chủ động liên hệ với các địa phương để thúc đẩy các hoạt động này. Cơ hội phát triển TP Cần Thơ thông qua chủ trương, định hướng, các dự án trọng điểm.
Bên cạnh đó, TP Cần Thơ xác định việc hợp tác phát triển với TPHCM là hướng đi cơ bản, đúng đắn, tạo điều kiện để tiếp cận được sự hỗ trợ từ phía TPHCM để tạo động lực thúc đẩy phát triển, cũng như mở ra cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư giữa hai địa phương.
TP Cần Thơ rất trân trọng sự ưu ái của của TPHCM dành cho các tỉnh vùng ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Qua đó, hy vọng người dân vùng ĐBSCL sẽ tiếp cận được các kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại của ngành y học hàng đầu mà TPHCM đang có cũng như phát triển các chuỗi thương mại dịch vụ, logictis hiện đại; kết nối phát triển công nghiệp giữa các doanh nghiệp tại vùng ĐBSCL và TPHCM.
Hỗ trợ tạo điều kiện các sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL vào các kênh phân phối tại TPHCM; đồng thời phối hợp nghiên cứu đề xuất dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ, sớm đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt này trong thời gian sớm nhất…
Hội nghị công bố Kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL năm 2023 và giai đoạn 2024 – 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để thu hút những dự án từ các nhà đầu tư TPHCM cho các địa phương trong vùng.
Hội nghị còn là điều kiện, cơ hội trong việc liên kết triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững; phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.