Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp cũng như các quy định của Hiến pháp năm 2013 đối với TAND; đổi mới một cách toàn diện về tổ chức và hoạt động của TAND theo hướng hợp lý, khoa học.
Luật Tổ chức TAND năm 2014, bảo đảm cho Tòa án thực hiện tốt chức năng xét xử, nâng cao vị trí, vai trò của Tòa án trong Nhà nước pháp quyền và tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của TAND xứng tầm là cơ quan được giao thực hiện quyền tư pháp; phục vụ có hiệu quả công cuộc đổi mới của đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.
Những quy định mới của Hiến pháp năm 2013 về TAND
Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 28/11/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014, là sản phẩm trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, thể hiện được đầy đủ ý chí, nguyên vọng của nhân dân; nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung vô cùng quan trọng, lần đầu tiên quy định trong Hiến pháp. Về chế độ chính trị, khẳng định Nhà nước CHXHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; quyền lực Nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp, kiểm soát của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Hiến pháp 2013 cũng khẳng định nguyên tắc, suy đoán vô tội “người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Về chức năng, nhiệm vụ của TAND, khoản 1 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định “TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. So với Hiến pháp năm 1992 quy định: “TANDTC, các TAND địa phương, các TAQS và các Tòa án khác do luật định là những cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam”, thì trong Hiến pháp năm 2013 có bổ sung thêm nội dung “TAND hiện quyền tư pháp”. Đây là điểm rất mới, là sự thể chế hóa chủ trương đổi mới của Đảng trong quá trình cải cách tư pháp, chủ trương này được xác định trong các Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2/1/2002 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị, với vị trí, vai trò Tòa án là trung tâm của hoạt động tư pháp và xét xử là trọng tâm, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn tại buổi họp báo công bố Luật Tổ chức TAND năm 2014
Về mô hình tổ chức hệ thống TAND và các nguyên tắc hoạt động của TAND, Hiến pháp năm 2013 cũng có một số nội dung quy định mới, nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử của các Tòa án. Hiến pháp quy định nguyên tắc “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”. Nguyên tắc xét xử tập thể, Hiến pháp quy định: “TAND xét xử tập thê và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử thủ tục rút gọn”. Nguyên tắc xét xử công khai, quy định “TAND xét xử công khai; trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, TAND có thể xét xử kín”. Về chế định Thẩm phán, khoản 3 Điều 88 Hiến pháp năm 2013 quy định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán Tòa án khác thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước. Chế định này cũng có những điểm mới, nhằm xác định đúng địa vị pháp lý của Thẩm phán với tư cách là người nhân danh Nhà nước thực hiện quyền tư pháp khi đưa ra phán quyết bảo vệ công lý, là cơ sở cho việc đổi mới tổ chưc, hoạt động của TAND…
Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp trong Luật Tổ chức TAND năm 2014
Triển khai thi hành Hiến pháp mới, TANDTC đã khẩn trương xây dựng Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Thực chất việc Tòa án thực hiện quyền tư pháp trong hiến định là nhằm mục tiêu bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, bảo vệ pháp chế XHCN. Hiến pháp mới quy định Tòa án là cơ quan xét xử, cơ quan thực hiện quyền tư pháp là một điểm mới trong lịch sử lập hiến của nước ta, nhằm đảm bảo tính độc lập của Tòa án trong hoạt động xét xử, thực sự là cơ quan bảo vệ công lý. Đây là Dự án Luật có tầm quan trọng đặc biệt đối với hệ thống TAND trong việc thực hiện quyền tư pháp. Vì vậy, việc xây dựng Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã được TANDTC tiến hành cẩn trọng, thể hiện toàn diện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của TAND; về Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác trong TAND; về bảo đảm hoạt động của TAND; xác định rõ thẩm quyền và vai trò của Tòa án trong hệ thống cơ quan tư pháp.
Nhằm thể chế hóa những chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về tổ chức, hoạt động của Tòa án nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, ngay sau khi Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua, TANDTC đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng nội dung Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và bám sát vào các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp; đáp ứng yêu cầu xây dựng nền tư¬ pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN. Luật được xây dựng trên cơ sở nhất thể hóa phạm vi điều chỉnh của Luật Tổ chức TAND năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND năm 2002, Pháp lệnh Tổ chức TAQS năm 2002. Nội dung của Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) bám sát quy định của Hiến pháp năm 2013; Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị “về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện Kiểm sát và Cơ quan điều tra; Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW.
Ban soạn thảo đã cụ thể hóa nội hàm quyền tư pháp của Tòa án; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Tòa án; xây dựng cơ chế để TAND thực hiện có hiệu quả quyền tư pháp; bảo đảm nguyên tắc độc lập trong hoạt động của Tòa án; tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án; xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của Tòa án từng bước hiện đại, khoa học; tính độc lập cũng như mối quan hệ của Tòa án với các cơ quan tư pháp khác…
Sau nhiều lần tổ chức hội thảo, lấy ý kiến và chỉnh lý, bổ sung, ngày 24/11/2014, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) có 11 Chương với 98 Điều đã nâng cao vị trí, vai trò của Tòa án trong Nhà nước pháp quyền và tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của TAND xứng tầm là cơ quan được giao thực hiện quyền tư pháp. Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp cũng như các quy định của Hiến pháp năm 2013 về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của TAND; đổi mới một cách toàn diện về tổ chức và hoạt động của TAND theo hướng hợp lý, khoa học; bảo đảm cho Tòa án thực hiện tốt chức năng xét xử, thực hiện quyền tư pháp; phục vụ có hiệu quả công cuộc đổi mới của đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.