Chính trị

“Tòa án thực hiện quyền tư pháp” nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN

Nam Phương 23/11/2023 - 16:40

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Phó trưởng đoàn chuyên trách Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đánh giá cao TANDTC đã chuẩn bị công phu hồ sơ dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), đồng thời cho rằng quy định “Tòa án thực hiện quyền tư pháp” nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.

Về nội dung TAND thực hiện quyền tư pháp (quy định tại khoản 2 Điều 2 và khoản 1 Điều 3), theo đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, vấn đề này hiện nay vẫn còn có ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, từ thực tiễn Hội nghị góp ý đối với dự thảo Luật này do Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tổ chức và qua nghiên cứu nội dung trình của TANDTC và kết quả thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, đại biểu bày tỏ thống nhất cao việc phải quy định “Tòa án thực hiện quyền tư pháp” trong dự thảo Luật này.

Bởi, khoản 1 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”, nhưng từ đó đến nay nội dung “Tòa án thực hiện quyền tư pháp” chưa được cụ thể hóa nên chưa có cách hiểu thống nhất về nội dung này.

Mặt khác, việc quy định “Tòa án thực hiện quyền tư pháp” trong dự thảo Luật để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết 27 (xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp) và cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tình hình mới.

le-thi-thanh-xuan.jpg
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân - Phó trưởng đoàn chuyên trách Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk.

Về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia (Chương III), đại biểu đồng tình với nội dung dự thảo Luật và nhận định, đánh giá của Ủy ban Tư pháp; tức là dự thảo Luật giữ quy định về “Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia” như Luật hiện hành, chưa đặt vấn đề thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia; đồng thời, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của “Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia” nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.

Tuy nhiên, việc quy định: “Cơ quan giúp việc của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia là đơn vị chức năng của TANDTC” (khoản 3 Điều 39) cần bảo đảm nguyên tắc không làm tăng thêm đầu mối và biên chế.

Ngoài ra, dự thảo Luật TAND (sửa đổi) cũng quy định bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn “Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử” (điểm đ khoản 2 Điều 3 và Điều 30).

Về nội dung này, đại biểu hoàn toàn thống nhất với quy định trong dự thảo Luật là bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn “Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử” cho Tòa án, bởi lẽ hiện nay duy nhất TAND mới có quyền nhân danh Nước CHXH chủ nghĩa Việt Nam để phán quyết một người là có tội hay không có tội, phán quyết các tranh chấp.

Phán quyết của Tòa án liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do đó, Tòa án phải có trách nhiệm “giải thích rõ ràng trong bản án, quyết định lý do lựa chọn quy định cụ thể của pháp luật để giải quyết vụ việc”.

Bị cáo, đương sự có quyền được biết tại sao họ bị xét xử hình sự, bị áp dụng hình phạt hoặc phải chấp hành nghĩa vụ dân sự… và đây là hoạt động giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, đã được các Tòa án thực hiện từ trước đến nay.

Mặt khác, việc Tòa án giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử không trùng lẫn, xung đột với thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Gần đây, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại hội trường, Chủ tịch Quốc hội cũng đã khẳng đinh: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội không giải thích những điều khoản đã rõ hoặc không có yêu cầu”. Việc giải thích pháp luật để thống nhất áp dụng thuộc về cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực nhưng không trái với Hiến pháp, luật hiện hành.

Ngoài các nội dung trên, qua nghiên cứu dự thảo luật, đại biểu cũng đóng góp ý kiến hoàn thiện các quy định của dự thảo luật liên quan đến: Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của TAND; Bình đẳng trước pháp luật và Tòa án; Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án; Bảo đảm quyền uy tư pháp; Trách nhiệm phối hợp giữa Tòa án với các cơ quan, tổ chức; Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án cấp sơ thẩm; Xem xét, kiến nghị về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử; Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án về thi hành án; Nhiệm vụ, quyền hạn của TANDTC; Bảo vệ Thẩm phán; Bãi nhiệm Thẩm phán; Chế độ, chính sách đối với Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Hội thẩm…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Tòa án thực hiện quyền tư pháp” nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN