Khai tử tin nhắn rác: Quyết tâm của Bộ Thông tin và Truyền thông

Tuấn Anh| 03/11/2016 20:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hiện nay, mỗi ngày ở Việt Nam có hàng triệu tin nhắn rác được phát tán. Các tin nhắn rác chủ yếu xuất phát từ các sim đã được kích hoạt sẵn.

Để khắc phục tình trạng này, năm doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động Viettel, Vinaphone, Mobifone, Vietnamobile và Gtel đã ký cam kết với Bộ Thông tin và Truyền thông nhất trí thực hiện triệt để và hiệu quả việc quản lý thuê bao di động trả trước.

Khốn khổ vì bị quấy rầy bởi tin nhắn rác

Ở nước ta, theo thống kê đến hết năm 2015, có khoảng 126 triệu thuê bao, trong đó có 121 triệu thuê bao di động, 6 triệu thuê bao cố định. Trong 121 triệu thuê bao di động, có 111 triệu thuê bao trả trước, còn lại là trả sau... Việc quản lý thuê bao trả trước đến nay vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến tăng số lượng sim rác, sim ảo. Hầu hết tin nhắn rác đều xuất phát từ sim rác thuê bao trả trước. Đối với các sim loại này, khi dùng hết tài khoản, khách hàng sẽ bỏ sim, rất khó quản lý.

Theo thống kê của Công ty an ninh mạng BKAV cho thấy Việt Nam có đến 14 triệu tin nhắn rác được phát tán mỗi ngày, chủ yếu từ các sim rác. Nạn nhân có lẽ không từ một ai, cứ sử dụng điện thoại di động là bị tin nhắn quấy rầy với những thông tin “rác rưởi”.

Dễ hiểu là chỉ cần bỏ ra vài chục nghìn đồng, người dùng có thể mua sim trả trước với tài khoản thường lớn hơn số tiền bỏ ra, do đó rất nhiều người sử dụng sim rác. Nhiều đối tượng đã sử dụng sim này để gửi tin nhắn nặc danh, tin nhắn lừa đảo, gây rối trật tự trị an, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống bình thường của người dân cũng như an ninh thông tin, an ninh quốc phòng. Sim rác không chỉ dẫn tới tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo mà còn là công cụ của tội phạm…

Cũng theo BKAV, hiện 90% người dùng điện thoại thường xuyên bị tin nhắn rác làm phiền, trong đó 43% là nạn nhân của tin rác hằng ngày. Hiện có không ít cá nhân và tổ chức đang “vô tư” phát tán tin nhắn rác thông qua những phần mềm miễn phí trên Internet núp bóng dưới những cái tên khá “sang chảnh” như SMS marketing, tin nhắn marketing, tin nhắn quảng cáo, quảng cáo SMS… Cách thức phát tán rất đơn giản, chỉ cần 1 máy tính có cổng USB, 1 chiếc USB 3G, một chiếc sim rác lắp bên trong và phần mềm nói trên, hàng chục ngàn tin nhắn rác dễ dàng được phát tán chỉ qua… một cú click chuột.

Thực tế, theo Thông tư 04/2012/TT-BTTTT, từ 1/6/2012 việc mua bán, lưu thông trên thị trường sim đã được kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước khi chưa đăng ký thông tin thuê bao theo quy định; kích hoạt dịch vụ di động trả trước cho thuê bao khi chính chủ thuê bao vẫn chưa thực hiện việc đăng ký thông tin thuê bao theo quy định, là vi phạm pháp luật. Thế nhưng, đến tận thời điểm này, từ nông thôn đến thành thị, khắp hang cùng ngõ hẻm, kể cả trên mạng internet... đâu đâu cũng có thể mua được một chiếc sim đã kích hoạt sẵn mà không cần CMND, thông tin hay địa chỉ. Điều đáng nói, tình trạng này diễn ra rất công khai, ai cũng biết là vi phạm pháp luật nhưng số doanh nghiệp, đại lý, kể cả chủ thuê bao bị xử lý rất hạn hữu. Còn truy cứu trách nhiệm hình sự thì không có trường hợp nào.

Khai tử tin nhắn rác: Quyết tâm của Bộ Thông tin và Truyền thông

Sim điện thoại giá rẻ được bày bán tràn lan

Mặt khác, theo thống kê cả nước hiện có hơn 200 công ty cung cấp dịch vụ nội dung (CP) trên điện thoại di động, đây là các đối tác của hầu hết nhà mạng. Nếu trung bình mỗi ngày, một CP phát tán khoảng 1.000 tin nhắn rác thì số lượng tin nhắn mà cả 200 CP tung ra là vô cùng lớn. Việc gửi tin nhắn không chỉ mang lại lợi nhuận cho các công ty trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ nội dung mà còn mang về doanh thu lớn cho các nhà mạng. Đây là một trong những nguyên nhân sim rác, tin nhắn rác hoành hành lâu nay.

Khai tử tin nhắn rác: Không khó!

Thực hiện việc xóa sổ sim rác, tin nhắn rác, thực tế theo các chuyên gia không khó. Tại nhiều quốc gia phát triển, tin nhắn rác không có đất sống. Ví dụ như ở Mỹ, khi thuê bao ký hợp đồng với nhà khai thác đều phải cung cấp mã an sinh xã hội; Hàn Quốc sử dụng chế độ đăng ký số thuê bao để truy cập mạng; Nhật Bản năm 2000 quy định các thuê bao trả trước mới tham gia mạng phải cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân cho nhà khai thác.

Từ năm 2005, Singapore bắt đầu áp dụng phổ cập hệ thống quét xác nhận thẻ chứng minh thư cá nhân ở các điểm công cộng và trên các phương tiện giao thông, qua đó bắt buộc những người sử dụng thẻ di động trả trước phải đăng ký các thông tin cá nhân… Hay tại Ấn Độ, khách du lịch được tặng những chiếc sim miễn phí, với điều kiện khách hàng có hộ chiếu, visa sẽ được sử dụng trong thời hạn được phép lưu trú. Khi xuất cảnh, ngay lập tức chiếc sim đó bị tiêu hủy. Điều đó cho thấy việc thu hồi sim rác rất dễ thực hiện, điều quan trọng là các nhà mạng phải nhiêm túc thực hiện.

Trước thực trạng công tác quản lý thuê bao trả trước ở nước ta trong thời gian qua không đạt như mong muốn, có nhiều sim di động được kích hoạt dù pháp luật đã nghiêm cấm, bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) chỉ ra 2 nguyên nhân. Theo bà Mơ, trước hết là sự chưa nghiêm túc của các doanh nghiệp viễn thông. Bởi lẽ, thời gian qua là thị trường viễn thông phát triển bùng nổ, doanh nghiệp chỉ chú trọng, tập trung về vấn đề phát triển kinh doanh, buông lỏng quản lý. Doanh nghiệp cũng chiều theo thị hiếu của người sử dụng muốn mua sản phẩm sẵn để dùng nhanh, tránh thủ tục phiền hà. Thứ hai, hạ tầng pháp lý, cơ chế tổ chức kinh doanh còn tạo điều kiện cho sim kích hoạt sẵn khi mà sim di động được bán ở mọi nơi, từ đại lý, siêu thị tới…hàng nước.

Trong thời gian tới, theo cam kết của các nhà mạng, tất cả sim thuê bao (KIT) kích hoạt hòa mạng mới từ ngày 1/11, đang lưu thông trên thị trường đều không có tiền cũng như lưu lượng trong bất kỳ tài khoản nào trước khi nạp thẻ lần đầu. Các nhà mạng không áp dụng khuyến mại nạp thẻ lớn hơn 50%, không áp dụng chính sách khuyến khích nạp thẻ, không chiết khấu bán bộ KIT thấp hơn giá thành toàn bộ. Các doanh nghiệp cũng sẽ thực hiện thu hồi sim kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối bắt đầu từ ngày 1/11/2016. Đối với sim có dấu hiệu kích hoạt sẵn trước ngày 1/11/2016 sẽ được kiểm tra và thu hồi nếu vi phạm.

Đặc biệt, định kỳ hàng tuần trước 16 giờ ngày thứ Sáu, các doanh nghiệp phải gửi báo cáo kết quả thu hồi sim kích hoạt sẵn (bằng văn bản và thư điện tử) về Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông). Thông tin gồm tổng số sim được thu hồi; địa bàn thu hồi; khó khăn vướng mắc; kết quả kiểm tra chéo và sai phạm của các doanh nghiệp (nếu có)…

Các nhà mạng cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập đoàn kiểm tra và chỉ đạo các Sở địa phương tiến hành thanh kiểm tra kịp thời, đồng bộ với kế hoạch kiểm tra chéo của các doanh nghiệp.

Theo bà Lê Thị Ngọc Mơ, ngoài việc tổ chức để các doanh nghiệp ký cam kết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Dự thảo Nghị định mới để giải quyết vấn đề quản lý thông tin thuê bao và thu hồi sim kích hoạt sẵn. Dự thảo đang được lấy ý kiến và dự kiến sẽ được ký vào cuối năm 2016, đầu 2017.

Như vậy, đây là một tín hiệu rất đáng mừng bởi các doanh nghiệp viễn thông đã dám hy sinh doanh thu vì xã hội và dư luận đang chờ đợi sự chỉ đạo quyết liệt của cơ quan quản lý cũng như sự tự giác thực hiện cam kết của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động với Bộ Thông tin và Truyền thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai tử tin nhắn rác: Quyết tâm của Bộ Thông tin và Truyền thông