Bạn đọc

Vụ đất khu bảo tồn quy hoạch thành sân Golf : Mô hình nuôi tôm Ramsar bị “khai tử” bằng một thông báo của xã?

Khoa Lâm 24/08/2023 07:03

Trước việc bị UBND xã Nam Phú (Tiền Hải, Thái Bình) ra Thông báo đơn phương chấm dứt Hợp đồng xây dựng vùng nuôi tôm điểm theo mô hình Ramsar, chủ đầm tôm thắc mắc, nếu cho rằng bên B vi phạm từ năm 2007 thì tại sao tại thời điểm đó, bên A không giải quyết luôn? Đến nay, khi bên B đã đầu tư triển khai mô hình qua cả chục năm thì bên A lại đơn phương chấm dứt hợp đồng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ đầm.

Sân Golf sẽ thay thế đầm tôm sinh thái và rừng ngập mặn?

Như Báo Công lý đã phản ánh, mới đây, UBND xã Nam Phú đã ra Thông báo “đơn phương chấm dứt hợp đồng” đối với một số chủ đầm tôm vì cho rằng, họ đã vi phạm Hợp đồng xây dựng vùng nuôi tôm điểm theo mô hình Ramsar (Công ước về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý và thích đáng các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) tại khu Cồn Vành.

z4629331082537_d20ae170270eac328d8102dbfc761b1e.jpg
Sau khi ký hợp đồng xây dựng mô hình nuôi tôm Ramsar, ông Nam đã đầu tư vốn, nhân lực để trồng cây tại các đầm tôm để phục hồi sinh thái.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Hoài Nam (một trong số người ký hợp đồng để thực hiện mô hình nuôi tôm Ramsar) cho hay, ông là người được UBND tỉnh Thái Bình mời về Cồn Vành để xây dựng mô hình vùng điểm ao tôm sinh thái Ramsar. Ao tôm do các ông bỏ tiền để đầu tư và đã xây dựng thành công mô hình, được các bộ, ngành trung ương đăng ký với các tổ chức quốc tế và đã được đưa vào khuôn khổ đầu tư của GEF/UNDP- Quỹ môi trường toàn cầu của Liên hợp quốc. Sau đó, UNESCO đã trao tặng Bằng công nhân khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước Tiền Hải là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng. Hiện, diện tích nuôi tôm sinh thái trên vẫn có những giá trị nhất định trong việc nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường, góp phần gìn giữ Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước (BTTNĐNN) Tiền Hải, cũng như khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng. Vì vậy, không thể nói các ông đã vi phạm nghiêm trọng hợp đồng và phủ nhận công sức, tiền của của các ông- những người tiên phong áp dụng mô hình nuôi tôm Ramsar ở Tiền Hải.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, diện tích đầm nuôi tôm sinh thái nêu trên cùng cả ngàn ha rừng ngập mặn, bãi bồi, đất ngập nước tại xã Nam Phú, Nam Thịnh, Nam Hưng (huyện Tiền Hải) đã bị UBND tỉnh Thái Bình đưa ra khỏi Khu BTTNĐNN Tiền Hải thông qua việc “xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới giới rừng đặc dụng” theo Quyết định số 731/QĐ-UBND (ngày 17/4/2023). Đồng thời, năm 2020, diện tích trên đã được UBND tỉnh đưa vào quy hoạch làm khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng và sân golf Cồn Vành- Cồn Thủ (trong Khu kinh tế tỉnh Thái Bình).

Trước thông tin trên, nhiều chuyên gia, nhà khoa học về môi trường đã lên tiếng cho rằng việc đưa phần lớn diện tích rừng, đất ngập nước ra khỏi Khu BTTNĐNN là không hợp lý, không đúng quy định và gây ra nhiều hệ lụy.Việc tác động đến vùng lõi của khu sinh quyển thế giới như trên cần được đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng sau khi có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường...

Đồng tình với ý kiến trên, ông Phạm Hoài Nam cho biết, mô hình nuôi tôm Ramsar đã được nhiều cơ quan của Việt Nam và tổ chức quốc tế coi là mô hình phát triển bền vững khi vừa giải quyết phát triển kinh tế cho người dân, vừa giải quyết vấn đề phục hồi sinh thái, bảo vệ môi trường vùng đất ngập nước. Chính vì vậy, khi thực hiện theo các điều khoản của Hợp đồng xây dựng mô hình, chúng tôi đã huy động, thuê mướn nhiều lao động hoặc cho người dân địa phương thuê lại một phần đầm tôm để thực hiện mô hình nhằm tạo sinh kế cho họ.

Đặc biệt, mô hình này được ra đời, triển khai bởi một loạt các văn bản, chủ trương từ Chính phủ, các Bộ, ngành đến tỉnh, huyện, xã. Vì vậy, việc “khai tử” mô hình này không thể chỉ bằng một Thông báo “đơn phương chấm dứt hợp đồng” của UBND được.

Chủ đầm tôm Ramsar cần được đối xử theo luật

Cũng theo ông Nam, theo Điều 4 của Hợp đồng ngày 15/06/2002 thì “trường hợp khi nhà nước thu hồi đất thì bên B được thanh lý 100% giá trị tài sản đã đầu tư theo dự toán thiết kế và chi phí đầu tư bổ sung hằng năm cho ao tôm khi vận hành dự án”. Trường hợp này, địa phương lấy lại đầm tôm để thực hiện quy hoạch sân golf thì bên A phải thực hiện việc đền bù giá trị tài sản cho bên B theo Hợp đồng trên.

anh-bai-thai-binh.jpg
Lễ khởi công ao tôm sinh thái vùng điểm Ramsar Cồn Vành năm 2001 với sự tham dự của đại diện một số bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Đáng nói, theo phản ánh của ông Phạm Hoài Nam, sau khi có thông báo chấm dứt hợp đồng, cán bộ xã Nam Phú cùng lực lượng công an đã nhiều lần ra hiện trường để thông báo cho những người đang nuôi tôm ở đây rằng, ngày 30/8/2023 sẽ tiến hành thu hồi đầm tôm, khiến những người này luôn trong tâm trạng hoang mang, lo sợ.

Ông Phạm Hoài Nam cho rằng, chính quyền địa phương cần xem xét lại quy hoạch sân golf tại khu vực này theo khuyến cáo của các chuyên gia và ý kiến của cơ quan chức năng. Trường hợp tiếp tục triển khai nuôi tôm sinh thái Ramsar thì những người đang thực hiện mô hình tại đây phải được ưu tiên và được đầu tư thích đáng để bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn. Nếu buộc phải chấm dứt hợp đồng vì lý do khách quan, thì hai bên cần tiến hành thanh lý hợp đồng trên cơ sở đánh giá của cơ quan chức năng về hiệu quả, mức độ thực hiện mô hình nuôi tôm Ramsar trong bảo vệ môi trường vùng đất ngập nước. Từ đó, bên A (UBND xã Nam Phú) cần thực hiện thanh toán cho bên B giá trị tài sản đã đầu tư theo dự toán, thiết kế ao tôm Ramsar và các chi phí đầu tư bổ sung theo đùng điều khoản Hợp đồng năm 2002.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ đất khu bảo tồn quy hoạch thành sân Golf : Mô hình nuôi tôm Ramsar bị “khai tử” bằng một thông báo của xã?