Bắt buộc phải giám định hàm lượng của các chất ma túy để làm căn cứ kết tội bị cáo

Trần Minh Giang| 12/06/2015 14:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chỉ có xác định được hàm lượng chất ma túy trong số ma túy thu giữ được thì Tòa án mới có thể tuyên một bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Ở bài trước, chúng tôi đã đề cập đến việc yêu cầu về giám định chất ma túy theo Thông tư liên tịch số 17 của liên ngành và hướng dẫn tại Công văn số 234/TANDTC-HS của TANDTC là thực sự cần thiết, hoàn toàn phù hợp với quy định, là cơ sở vững chắc để HĐXX Tòa án các cấp tuyên một bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh oan sai. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do phương tiện kỹ thuật còn thiếu nên các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc giám định hàm lượng chất ma túy.

Công văn số 234/TANDTC-HS của TANDTC là cần thiết và phù hợp

Sau khi Công văn số 234/TANDTC-HS, ngày 17/9/2014 (Công văn 234) của TANDTC ban hành yêu cầu Tòa án các cấp cần thực hiện đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17 về việc bắt buộc phải giám định hàm lượng của các chất ma túy trong các chất thu giữ nghi là chất ma túy, để lấy đó làm căn cứ kết tội các bị cáo theo quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999 thì các Tòa án địa phương đã triển khai nghiêm túc quy định trên. Trước đó, khi chưa có Công văn 234, phần lớn các vụ án về ma túy, các cơ quan chức năng chỉ căn cứ vào trọng lượng, số lượng ma túy thu giữ để điều tra, truy tố, xét xử mà không căn cứ vào hàm lượng chất ma túy. Khi thực hiện Công văn 234 nhiều TAND địa phương (chủ yếu ở cấp huyện) đã trả hồ sơ các vụ án ma túy chưa giám định hàm lượng để yêu cầu cơ quan điều tra trưng cầu giám định hàm lượng ma túy trong các chất thu giữ được nghi là ma túy. Có vụ án phải trả hồ sơ nhiều lần để yêu cầu giám định; nhiều vụ án khi bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung giám định hàm lượng ma túy thì sau khi giám định xác định hàm lượng ma túy đã không còn đủ định lượng để khởi tố, truy tố theo quy định.

Bắt buộc phải giám định hàm lượng của các chất ma túy để làm căn cứ kết tội bị cáo

Phiên tòa xét xử “đại án” ma túy tại Quảng Ninh 

Công ước quốc tế năm 1961 quy định hàm lượng hoạt chất chất gây nghiện trong một chất/hỗn hợp các chất được tính theo dạng tinh khiết. Ví dụ, hoạt chất codein phosphat hemihydrate thì hàm lượng codein dạng tinh khiết là 74%, codein base thì hàm lượng codein dạng base tinh khiết là 94%, hoạt chất codein camphosulfonate thì hàm lượng codein dạng tinh khiết là 56%... Do đó, hàm lượng của chất gây nghiện có trong thuốc khác với trọng lượng của viên thuốc. Như vậy, Tòa án không thể xét xử người phạm tội buôn bán tàng trữ gói 1 kg (1000 gam) chất ma túy có chứa 2% chất gây nghiện (tương đương 20 gam chất gây nghiện) giống như gói 1 kg (1000 gam) chất gây nghiện hàm lượng 100% chất gây nghiện, vì Điều 194 BLHS quy định tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy có các khung hình phạt khác nhau cho người tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy ở thể rắn có trọng lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam, từ 100 gam đến dưới 300 gam, từ 300 gam trở lên. Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khẳng định: Việc bắt buộc giám định hàm lượng của các chất ma túy trong các chất thu giữ nghi là chất ma túy là thực sự cần thiết, khoa học và đảm bảo tính chính xác. Quy định này nhằm đảm bảo việc xét xử không chỉ thực hiện các quy định pháp luật mà còn đảm bảo sự khách quan, công bằng, bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo, tránh xét xử oan, sai.

Theo quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) thì những nội dung Công văn 234 là phù hợp trong tố tụng hình sự. Bởi lẽ, về mặt lý luận, người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mà pháp luật đã cấm. Theo đó, nếu người phạm tội mua bán ma túy thì họ chỉ phải chịu trách nhiệm đối với số lượng ma túy họ đã mua bán, tàng trữ… Các chất khác không phải là ma túy mà lẫn trong trọng lượng ma túy đã được mua bán, tàng trữ… thì cần phải được bóc tách ra và người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các chất không phải là ma túy. Thực tế, mỗi loại chất ma túy khác nhau, được sản xuất ở các địa bàn khác nhau thì có hàm lượng ma túy khác nhau. Vì vậy, dù các chất ma túy hỗn hợp có cùng trọng lượng hoặc khối lượng nhưng hàm lượng khác nhau và mức độ nguy hiểm cũng sẽ khác nhau. Nếu căn cứ vào trọng lượng hoặc khối lượng của chất ma túy bị thu giữ mà không căn cứ vào hàm lượng chất ma túy sau khi giám định để xử lý người vi phạm thì không đảm bảo nguyên tắc công bằng.

Còn Luật sư Trần Ngọc Quý nêu quan điểm: Thực chất nội dung Công văn 234 không phải là mới, bởi yêu cầu giám định hàm lượng chất ma túy đã được quy định tại Thông tư liên tịch số 17, có làm đúng thì việc xét xử mới đảm bảo sự khách quan, công bằng. Chẳng hạn 2 bị cáo trong 2 vụ án khác nhau cùng mua bán 1 kg ma túy dạng chế phẩm, nếu hàm lượng ma túy trong đó khác nhau thì trách nhiệm của các bị cáo phải khác nhau, sao có thể chỉ dựa vào khối lượng bằng nhau mà đánh đồng hình phạt. Việc giám định hàm lượng biết là khó khăn, có thể kéo dài thời gian giải quyết các vụ án nhưng quyền lợi của các bị cáo sẽ được đảm bảo hơn, việc xét xử sẽ chính xác. Do vậy, quy định tại Công văn 234 của TANDTC là cần thiết và nhìn ở một khía cạnh nào đó nó có tính nhân văn, bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo.

Nhiều vụ án ma túy chờ kết quả giám định hàm lượng

Theo báo cáo của Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án ma túy (VKSNDTC) thì hiện nay các Tòa án địa phương trả hồ sơ để điều tra bổ sung giám định hàm lượng ma túy còn tương đối nhiều. Nếu được giám định hàm lượng sẽ có không ít vụ án tàng trữ trái phép chất ma túy đã, đang khởi tố, điều tra, truy tố, chuẩn bị xét xử thì bị can, bị cáo sẽ không phạm tội.

Bên cạnh đó, Vụ này cũng nêu lên vấn đề: Đối với các bản án về ma túy đã có hiệu lực pháp luật nếu áp dụng xác định hàm lượng có thể thay đổi khung, khoản xét xử, mức hình phạt... thì có phải xem xét lại không? Tương tự đối với án ma túy đã xét xử sơ thẩm nay có kháng cáo, kháng nghị thì kết quả giám định hàm lượng cũng có thể làm thay đổi mức hình phạt đối với các bị cáo thì có xử lý theo hướng giảm hình phạt không? Đối với những bản án đã có hiệu lực pháp luật thi hành thì có được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm hay không? Nếu áp dụng pháp luật hồi tố thì những bản án đã được xét xử có hiệu lực pháp luật ở tất cả các cấp (kể từ khi Thông tư 17 có hiệu lực đến nay) phải được xem xét sẽ có khả năng có rất nhiều bị cáo được tuyên không phạm tội.

Bắt buộc phải giám định hàm lượng của các chất ma túy để làm căn cứ kết tội bị cáo

Giám định ma túy tại Công an tỉnh Quảng Ninh

Theo quan điểm của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) thì việc giám định hàm lượng của các chất ma túy có thể gặp khó khăn, có thể kéo dài thời gian giải quyết các vụ án, nhưng không vì thế mà không làm; cần phải thực hiện nghiêm túc vấn đề nay thì việc xét xử mới đúng người, đúng tội.

Cần sớm đầu tư phương tiện, kỹ thuật để giám định hàm lượng ma túy

Thực tế, khi các cơ quan tố tụng thực hiện đúng quy định của Thông tư liên tịch số 17 và Công văn 234 của TANDTC thì nhiều vụ án sẽ tránh được oan sai. Vừa qua, TAND tỉnh Bắc Ninh mở phiên tòa sơ thẩm lần thứ hai đối với bị cáo Nguyễn Văn Hoàn. Trước đó, theo kết quả điều tra ban đầu, Hoàn phạm tội tàng trữ 800 gam ma túy. Căn cứ vào điểm e khoản 4 điều 194 BLHS, bị cáo Hoàn bị kết án tử hình. Tuy nhiên, khi thực hiện Thông tư liên tịch số 17 và Công văn 234 thì kết quả giám định cho thấy hàm lượng ma túy mà bị cáo tàng trữ là 158,1 gam, chứ không phải là 800 gam như trước đó. Vì vậy, HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Văn Hoàn mức án tù chung thân. Hoặc thời gian qua, hàng loạt vụ án liên quan đến ma túy khi được đưa ra xét xử phúc thẩm tại Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh thì nhiều bị cáo đã được giảm hình phạt hoặc tạm thoát án tử hình vì kết quả giám định hàm lượng chất ma túy thấp hơn nhiều so với trọng lượng ma túy bị bắt giữ. Người dân, mong muốn tất cả các loại tội phạm trong đó có tội phạm ma túy cần phải bị nghiêm trị, nhưng cũng đòi hỏi luật pháp phải được thực thi nghiêm minh, đúng người, đúng tội.

Hiện nay, các tội phạm về ma túy vẫn diễn biễn ngày càng phức tạp, gia tăng ở nhiều địa phương, nhưng lực lượng phòng chống còn mỏng chưa đáp ứng được yêu cầu. Phương tiện đấu tranh phòng, chống ma túy còn hạn chế đã ảnh hưởng đến kết quả đấu tranh đối với loại tội phạm này như: thiếu máy soi, chiếu tại cửa khẩu, sân bay; thiếu máy móc giám định hàm lượng ma túy, thiếu mẫu ma túy chuẩn để so sánh, giám định nên đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc trong việc giám định. Tại hầu hết các địa phương, Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh chỉ đảm nhiệm việc giám định các chất ma túy, nhưng chỉ giám định được một số chất ma túy như thuốc phiện, heroin, methaphetamin còn việc giám định hàm lượng các chất ma túy và giám định các loại ma túy khác thì không đủ điều kiện về phương tiện, mẫu vật so sánh mà phải trưng cầu Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) giám định, nên đã ảnh hưởng đến thời gian giải quyết vụ án. Toàn quốc chỉ có một cơ sở giám định hàm lượng ma túy đó là Viện Khoa học kỹ thuật hình sự, nếu tất cả các tỉnh đều đổ dồn về Bộ Công an để giám định hàm lượng chất ma túy sẽ dẫn đến quá tải, việc trả lời kết quả giám định không kịp thời, tốn nhiều thời gian, kinh phí; vì vậy ảnh hưởng đến yêu cầu đấu tranh với các loại tội phạm về ma túy đang có diễn biến rất phức tạp.

Theo Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình thì: Không thể lấy những khó khăn về máy móc, phương tiện kỹ thuật và con người làm lý do để không thực hiện quy định tại Thông tư liên tịch số 17. Bởi lẽ với sự phối hợp của các ngành liên quan, sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước để thực hiện cải cách tư pháp thì khó khăn trên sẽ từng bước được giải quyết. Chỉ có xác định được hàm lượng chất ma túy trong số ma túy thu giữ được thì Tòa án mới có thể tuyên một bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Việt Nam hiện đã tham gia các Công ước quốc tế về quyền con người. Bởi vậy trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử luôn phải đảm bảo sự công bằng, công lý và vì quyền con người. Những khó khăn, bất cập trong công tác giám định hàm lượng chất ma túy cần phải được giải quyết theo hướng tăng cường năng lực cho các cơ quan có chức năng giám định trong tố tụng hình sự. Pháp luật là phải công bằng, nghiêm minh nên đường lối xử lý đối với tội phạm ma túy cũng phải đúng với hàm lượng và định lượng; nếu không giám định hàm lượng ma túy mà cứ xử theo trọng lượng tang vật thì có thể dẫn đến oan, sai. 

*Thạc sỹ Đinh Công Tuấn, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp): Trên thực tế, nội dung Công văn số 234 TANDTC-HS ngày 17/9/2014 của TANDTC không phải là quy định mới mà chỉ là để triển khai thực hiện quy định của Thông tư liên tịch số 17, trong đó có quy định "Trong mọi trường hợp khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định hàm lượng". Như vậy TANDTC cũng chỉ một lần nữa nhắc lại và yêu cầu TAND và Tòa án quân sự các cấp quán triệt và triển khai thực hiện đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch mà các cơ quan Bộ Công an-VKSNDTC-TANDTC và Bộ Tư pháp đã ký.

*Đạitá Phạm Văn Chình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an): Để đảm bảo dân chủ, nhân quyền, công bằng trong xét xử, thì cần giám định hàm lượng các chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch hoặc chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng để tiện cho việc sử dụng, xái thuốc phiện và chất ma túy trong thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần; đồng thời bổ sung giám định hàm lượng chất gây nghiện, thuốc hướng thần (vì các loại thuốc này có hàm lượng ma túy rất nhỏ, chỉ 1-3%, ít độc hại) và giám định đối với các vụ án thu được các chất ma túy có mức hình phạt nặng (20 năm, chung thân hoặc tử hình).

*Tiến sĩ Nguyễn Duy Hưng, Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương: Có thể trước đây, do điều kiện khó khăn mà chúng ta chấp nhận việc xử lý tội phạm ma túy theo kiểu “cân bao nhiêu xử bấy nhiêu”. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đã, đang và sẽ tham gia nhiều điều ước quốc tế liên quan đến quyền con người. Do vậy việc xử lý tội phạm ngày càng đòi hỏi phải chính xác và công bằng. Tôi cho rằng quy định trong Công văn 234 là tiến bộ trong tố tụng hình sự. Mặc dù trước mắt hoạt động điều tra, truy tố của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát sẽ gặp khó khăn nhưng các khó khăn này chủ yếu là do thiếu trang bị khoa học kỹ thuật, hoàn toàn có thể khắc phục được bằng cách đầu tư máy móc, mẫu chuẩn.

*Luật sư Đoàn Công Thiện, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang: Quyền được xét xử đúng người, đúng tội là quyền tối thượng của bị can, bị cáo và được pháp luật bảo vệ. Vi phạm của bị can, bị cáo tới đâu thì xử lý đến đó, không thể vi phạm một mà chúng ta bắt họ phải chịu sự trừng phạt mười. Chưa có máy, chưa có mẫu chuẩn thì phải đầu tư mua sắm. Đúng ra chúng ta phải làm việc này từ lâu rồi chứ không phải đến bây giờ mới thực hiện, lại còn kêu ca khó khăn. Không thể chỉ vì vậy mà xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, đi ngược lại xu hướng tiến bộ.

(Còn tiếp...) 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắt buộc phải giám định hàm lượng của các chất ma túy để làm căn cứ kết tội bị cáo