Đang rất có vấn đề

Tạ Duy Anh (Công lý và xã hội)| 03/10/2013 10:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Xã hội không thể tồn tại bình yên nếu một ngày vắng bóng cảnh sát.

Nhưng xã hội sẽ loạn lạc gấp bội nếu những đại diện này của pháp luật, thay vì thực thi công vụ một cách trong sáng, vô điều kiện, lại trở thành những người thị phạm cho công dân về việc bỏ qua luật pháp  một cách đơn giản như thế nào.

Trước khi đi Nga vào năm ngoái, tôi được nghe qua bạn bè, cả những người đang làm ăn sinh sống tại  “Thiên đường” một thuở, lẫn những người có việc phải đi đi về về, rằng cảnh sát Nga ngày nay thuộc thành phần hư hỏng nhất xã hội. Bệnh nặng nhất của họ là ăn hối lộ. Bất cứ người thấp cổ bé họng nào, nhất là dân ngoại quốc ú ớ, cứ vào tay họ là phải “nôn” tiền ra, đúng cũng như sai.

Sự thực thì cũng có chuyện đó, ở mức độ tàn bạo, như xác nhận của một số người Việt làm ăn buôn bán tại Nga. Điều đó cho thấy vấn đề cảnh sát ăn hối lộ là vấn đề của thế giới rồi.

Nhưng suốt 10 ngày ở Nga, đi qua vài thành phố lớn, điều tôi mong chờ nhất là…được gặp mặt một ông cảnh sát Nga như người ta mô tả. Cứ như họ thấy chúng tôi thì biến đâu sạch. Cuối cùng thì tôi cũng toại nguyện khi xuống tầu điện ngầm. Nhận xét ban đầu là chưa biết phẩm chất họ thế nào, nhưng- giống như cảnh sát Hoa Kỳ mà tôi từng có dịp chụp ảnh chung- ai cũng cao to, đẹp đẽ, uy nghi khác người thường.

Tự dưng lại nhớ chuyện này không phải là vô cớ. Vì vừa mới xảy ra một loạt vụ việc liên quan đến lực lượng cảnh sát giao thông Việt Nam khiến không chỉ tôi mà bất cứ ai cũng rất đau buồn. Một thời tôi nhớ để được làm việc trong ngành công an, phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí, trong đó có cả tiêu chí ngoại hình, thậm chí khá nghiêm ngặt. Phải đủ chiều cao, cân nặng, hình thể cân đối, mặt dễ coi, thân thiện, không bị nói lắp. Hình ảnh người công an nhân dân hồi bấy giờ luôn được hình dung cùng với sự nghiêm trang, là khuôn phép về ứng xử, ăn nói, đi đứng, hành xử…khiến kẻ xấu thì sợ hãi còn người yếu thế thì có thể dựa vào khi gặp nguy hiểm trên đường. Giờ đây không chỉ Nga hay Mỹ, mà hầu như các họ vẫn làm chuyện này rất kỹ. Cứ nhìn qua Thái Lan cũng đủ thấy.

Còn ở ta thì sao? Tôi không hiểu do thiếu người, do lực lượng này cần phải tăng gấp bội khiến không thể “khó tính” trong tuyển lựa, hay vì lý do nào khác mà ngày nay những tiêu chí rất quan trọng kia lại bị bỏ qua. Cứ ra đường là có thể thấy việc tuyển chọn đầu vào làm nghề công an qua loa, thiếu chuẩn mực như thế nào. Người thì cao vổng lên, bệ vệ còn hơn cả Võ Tòng, người thì vừa thấp vừa gầy, trói gà không chặt; có người mà nếu bỏ bộ cảnh sát ra thì có thể thủ vai bất cứ kẻ bặm trợn nào khiến dân thường chết khiếp, trong khi đó không ít cảnh sát ngay cả giữ được nét mặt nghiêm trang, thể hiện uy quyền của luật pháp cũng khó vì họ sinh ra để làm việc khác. (xin đừng nhầm lẫn giữa sự kỳ thị xã hội-là thứ đáng bị lên án dù dưới bất cứ hình thức nào, với các tiêu chuẩn hình thức có tính đặc thù của nghề nghiệp công). Đấy mới là vẻ bên ngoài, dù rất quan trọng nhưng chưa phải là quan trọng nhất. Vì thiếu lựa chọn, đào tạo quá dễ dãi mà nhiều cảnh sát giao thông của chúng ta ứng xử rất kém, trước hết kém ở thái độ, cách giao tiếp với người dân, sau đó là ở hành vi thể hiện quyền lực. Người dân không thấy sự sừng sững, uy nghi, bất khả đùa cợt của pháp luật đâu, mà chỉ thấy chùm lên họ cái bóng của người có công cụ pháp luật trong tay, với một bộ dạng khệnh khạng, thể hiện mình có quyền vô biên, không ai làm gì được. Vì thế mới sinh ra một thực tế nguy hiểm là công dân của chúng ta chỉ sợ khi đối mặt với công an, như một đối tượng đầy quyền lực cụ thể, chứ không phải là như đại diện của quyền lực với nhiệm vụ duy trì sự hiện hữu thường xuyên của luật pháp. Nếu cứ để tình trạng này kéo dài thì dù cho có bao nhiêu cảnh sát đi nữa, cũng không thể khiến luật pháp được tôn trọng trên thực tế.

Nhưng đó là công việc to lớn không của riêng ngành công an. Chúng tôi chỉ muốn tiện thể nêu ra trước khi vào vấn đề nhỏ nhặt hơn là tư cách, phẩm cách của một cảnh sát, nhất là cảnh sát giao thông, là lực lượng va chạm thường xuyên với các thành phần xã hội và tác động rõ ràng nhất đến hình ảnh của Nhà nước. Tôi không hề thích thú khi kể tội người khác, vì nếu thiếu tỉnh táo sẽ thành kẻ không công bằng. Bởi vì mọi nghề nghiệp trong xã hội đều đang gặp vấn nạn tiêu cực, chứ chả riêng ngành nghề nào.

Nhưng vì đang bàn đến lực lượng công an, nên phải có những ví dụ về họ. Bằng vào những gì báo chí nêu lên trong thời gian qua, có thể kết luận ngay là lực lượng cảnh sát giao thông Việt Nam đang rất có vấn đề. Một ông công an tên là Luyến nào đó mỗi khi đi đánh chén, toàn thích những món cao lương mỹ vị nhưng gọi doanh nghiệp đến “nhờ” thanh toán, đã thế lại bắt ép lái xe mua xăng ở những cây xăng mà mình có quyền lợi, thử hỏi còn gì là thể diện và làm sao luật không bị coi nhờn? Những cảnh sát ở đồn Suối Tre, Long Khánh, Đồng Nai đi hát karaoke, nốc bia rồi chửi bới nhau trước bàn dân thiên hạ, sau đó xả súng bắn hạ nhau như trong phim hành động khiến dư luận kinh hoàng hỏi còn lại gì cái hình ảnh uy nghi vốn phải có? Hay như chuyện nhóm cảnh sát bỏ mặc nạn nhân bị tai nạn không đưa đi cấp cứu mới đây ở Thăng Bình, Quảng Nam, thử hỏi họ đang làm gì dưới bộ cảnh phục? Mà đấy mới chỉ là vài vụ việc trên bề mặt của cái tảng băng vấn đề thất thoát đạo đức, nhân cách, văn hoá ứng xử, danh dự của người công an.

Phần lớn còn chìm sâu dưới lớp bóng tối đầy ẩn khuất. Một người bình thường, không cần phải học hành gì thì cũng biết rằng mạng con người là quý nhất. Cứu người là việc đáng làm nhất, còn hơn cả cứu hoả kia mà. Vậy không lý gì mà một công an (ở đây những ba người) lại không biết làm như vậy và không biết rằng, một người nào đó chỉ được coi là chết khi có kết luận như vậy của bác sỹ ? Không phải vô cớ mà ở nước ngoài ngay cả trong trường hợp nạn nhân bị cắt đôi người, bị giập nát toàn thân, họ vẫn phải được đưa vào bệnh viện. Bị cắt đôi người hay giập nát toàn thân vẫn có thể sống sót chỉ là một chuyện, vấn đề ở chỗ nếu không làm thế là phạm luật, thậm chí phạm tội ác và đáng sợ hơn, bị coi là thất đức, cả cộng đồng sẽ lên án, trách móc, nguyền rủa, sống không yên suốt quãng đời còn lại.

Cảnh sát thì trước hết cũng là con người. Hãy đòi hỏi nghiêm khắc những phẩm chất con người ở họ trước khi yêu cầu thêm những phẩm chất của người thi hành công vụ đặc biệt. Không có cái trước thì đừng hy vọng vào cái sau. Vậy mà hiện tại cả hai đều không được đòi hỏi đúng mức cần thiết. Nói gọn lại là lực lượng cảnh sát giao thông của chúng ta đang rất có vấn đề. Rõ nhất, cũng thuộc diện nguy hiểm nhất, là vấn đề tụt dốc về đạo đức, văn hoá. Không thể dùng mỹ từ để nói khác được.

Cho dù còn nhiều chuyện khuất tất, phải khẳng định chúng ta đã đi những bước lớn trong việc minh bạch hoá thông tin. Khi vấn đề cảnh sát giao thông ăn hối lộ, một kiểu mãi lộ hợp pháp, thậm chí là thành phần ăn hối lộ nhiều nhất trong số các thành phần công quyền, được bung ra cho toàn dân biết, thì nó không chỉ phản ánh sự tiến bộ của báo chí, của luật pháp, mà còn cho thấy lãnh đạo ngành công an đã bản lĩnh, cầu thị lên rất nhiều. Chúng ta phải ghi nhận điều quan trọng này. Họ chấp nhận đối mặt với thực tế đen tối đó, ở một bộ phận cần rất nhiều, thậm chí là nhiều nhất những phẩm chất trong sáng.

Họ chấp nhận đặt công việc của họ trước sự phán xét mạnh mẽ của dư luận. Theo tôi đó là dấu hiệu có thể dẫn tới hy vọng. Và tôi nghĩ, đâý cũng  là phương thuốc khả dĩ nhất hiện nay để ngành công an loại bỏ dần những tiêu cực. Vấn đề là có thể duy trì nguyên tắc minh bạch hoá đó đến đâu, đến cấp nào, đến tận đối tượng nào. Nếu vẫn còn những vùng cấm, những cái tên mà nếu nhắc đến giống như phạm vào sự huý kị, những vụ việc bị quy là nhạy cảm cần phải khoanh lại và nếu vẫn đề cao cách thức bảo vệ nội bộ như một công cụ không của riêng ngành công an, thì mọi công lao của ai đó, bộ phận nào đó chỉ là làm cái việc dã tràng xe (se) cát mà thôi.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đang rất có vấn đề