Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Hội đồng Bộ trưởng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng Dự thảo Điều lệ BHXH đối với lao động thuộc khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Về cơ bản, Dự thảo Điều lệ BHXH này có tham khảo và kế thừa các quy định về BHXH đối với người lao động trong khu vực nhà nước... Cụ thể, các chế độ BHXH áp dụng cho người lao động ngoài quốc doanh được quy định tại Điều lệ dự thảo gồm có 05 chế độ, bao gồm:
Ảnh minh họa
1. Chế độ ốm đau: bao gồm trợ cấp cho người lao động khi bản thân họ bị ốm đau hoặc lao động nữ có con dưới 36 tháng tuổi bị ốm, người mẹ phải nghỉ việc để chăm sóc con ốm. Mức trợ cấp ốm đau không dưới 70% tiền công cấp bậc hoặc tiền công hợp đồng. Thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau với trường hợp bản thân người lao động ốm trong 01 năm được quy định tối thiểu bằng 15 ngày/năm với người lao động có thời gian làm việc dưới 05 năm; 20 ngày với người lao động có thời gian làm việc từ 05 đến 15 năm và là 25 ngày/năm với người lao động có thời gian làm việc trên 15 năm. Thời gian nghỉ việc chăm con ốm được hưởng trợ cấp BHXH tối thiểu là 10 ngày/năm với mỗi con, chỉ áp dụng đối với con thứ nhất và con thứ hai.
2. Chế độ trợ cấp sinh đẻ: được áp dụng với lao động nữ mang thai đi khám thai, sảy thai hoặc áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Đối với lao động nữ sinh con phải có thời gian làm việc từ 02 năm trở lên mới được hưởng chế độ. Thời gian hưởng chế độ đi khám thai, sảy thai, nạo thai, đặt vòng… được tính theo quy định của Ngành Y tế. Thời gian nghỉ hưởng chế độ khi sinh con tối thiểu bằng 90 ngày và cộng thêm 15 ngày cho mỗi con trong trường hợp sinh đôi, sinh ba. Trợ cấp sinh con chỉ áp dụng với con thứ nhất, thứ hai và trường hợp sinh con thứ nhất, thứ hai mà sinh đôi, sinh ba… Mức hưởng trợ cấp thai sản bằng 100% tiền công cấp bậc hoặc tiền công hợp đồng.
3. Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, tổ chức và cá nhân sử dụng lao động có trách nhiệm tạo mọi điều kiện nhanh chóng đưa người bị nạn đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu và điều trị cho đến khi hồi phục sức khỏe. Mọi chi phí trong thời gian người lao động điều trị như tiền tàu xe đi và về, viện phí và trợ cấp BHXH bằng 100% tiền công cấp bậc hoặc tiền công hợp đồng… do Quỹ BHXH của đơn vị sử dụng lao động chi.
Sau khi điều trị phục hồi sức khỏe, trên cơ sở biên bản điều tra tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp của cấp có thẩm quyền và biên bản kết luận của Hội đồng giám định y khoa, người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp mất sức lao động một lần như sau:
+ Với tỷ lệ mất sức lao động từ 21% đến 40%, được hưởng 03 tháng tiền công nếu đã làm việc dưới 05 năm; 04 tháng tiền công nếu đã làm việc từ 05 đến 15 năm; 05 tháng nếu đã làm việc trên 15 năm.
+ Với tỷ lệ mất sức lao động từ 41% đến 60%, được hưởng 05 tháng tiền công nếu đã làm việc dưới 05 năm; 06 tháng tiền công nếu đã làm việc từ 05 đến 15 năm; 07 tháng nếu đã làm việc trên 15 năm.
+ Với tỷ lệ mất sức lao động từ 61% đến 80%, được hưởng 07 tháng tiền công nếu đã làm việc dưới 05 năm; 08 tháng tiền công nếu đã làm việc từ 05 đến 15 năm; 09 tháng nếu đã làm việc trên 15 năm.
+ Với tỷ lệ mất sức lao động từ 81% đến 100%, được hưởng 10 tháng tiền công nếu đã làm việc dưới 05 năm; 11 tháng tiền công nếu đã làm việc từ 05 đến 15 năm; 12 tháng nếu đã làm việc trên 15 năm.
Tỷ lệ mất sức lao động từ 5% đến 20% không kể thời gian làm việc nhiều hay ít, người bị TNLĐ hoặc BNN được trợ cấp MSLĐ một lần bằng 02 tháng tiền công.
Nếu bị chết vì TNLĐ hoặc BNN, thân nhân người lao động hoặc người thừa kế hợp pháp được nhận trợ cấp 01 lần bằng 15 tháng tiền công của người bị chết.
4. Chế độ bảo hiểm tuổi già (BHTG): Người lao động đủ 60 tuổi (cả nam và nữ) có từ đủ 15 năm trở lên đóng tiền vào Quỹ BHXH tuổi già được hưởng tiền BHTG cho đến khi chết. Những người có thời gian đóng tiền vào Quỹ BHTG từ 20 năm trở lên ngoài mức tiền lương hằng tháng còn được nhận một khoản tiền bảo hiểm lần đầu khi đủ 60 tuổi.
Mức tiền đóng góp vào Quỹ BHTG mức tiền hưởng hằng tháng và mức tiền hưởng lần đầu lấy gạo đảm bảo. Những người đóng phí BHTG theo mức tiền bằng 03kg gạo/tháng thì mức hưởng BHTG một lần tương ứng bằng 36kg nếu có thời gian đóng 01 năm, 72kg nếu có thời gian đóng 02 năm, 108kg nếu có thời gian đóng 03 năm… và nếu có thời gian đóng 14 năm thì mức hưởng là 1.590kg. Những người đóng phí BHTG theo mức tiền bằng 06kg gạo/tháng thì mức hưởng BHTG một lần tương ứng bằng 72kg gạo nếu có thời gian đóng 01 năm, 144kg nếu có thời gian đóng 02 năm, 216kg nếu có thời gian đóng 03 năm… và 3.180kg nếu có thời gian đóng góp 14 năm.
Người đóng phí BHTG theo mức 03kg gạo/tháng khi đủ 60 tuổi và có 15 năm đóng phí được hưởng mức lương hưu hằng tháng là 12kg gạo/tháng; 16năm: 13kg gạo/tháng; 17 năm: 16kg gạo/tháng; 18 năm: 19kg gạo/tháng; 19 năm: 23kg gạo/tháng. Có 20 năm tham gia, ngoài mức lương hưu hằng tháng bằng 26kg gạo/tháng còn được nhận tiền bảo hiểm lần đầu khi đủ 60 tuổi bằng 240kg gạo…
Người đóng phí BHTG theo mức 06kg gạo/tháng khi đủ 60 tuổi và có 15 năm đóng phí được hưởng mức lương hưu hằng tháng là 24kg gạo/tháng; 16 năm: 26kg gạo/tháng; 17 năm: 32kg gạo/tháng; 18 năm: 38kg gạo/tháng; 19 năm: 46kg gạo/tháng. Có 20 năm tham gia, ngoài mức lương hưu hằng tháng bằng 52kg gạo/tháng còn được nhận tiền bảo hiểm lần đầu khi đủ 60 tuổi bằng 480kg gạo…
Những người chưa đủ 60 tuổi nhưng vì bị mất sức lao động từ 81% trở lên không đủ khả năng đóng tiền vào Quỹ BHTG; ra nước ngoài cư trú hợp pháp hoặc bị chết thì được hoàn trả cho bản thân hoặc người thừa kế hợp pháp toàn bộ số tiền đã đóng góp cộng với phần sinh lợi. Ngoài những trường hợp trên nếu người lao động yêu cầu hoàn trả lại số tiền đã đóng góp vào Quỹ BHTG thì chỉ được thanh toán phần đã đóng góp.
5. Chế độ trợ cấp khi chết: Người lao động trong thời gian làm việc vì ốm đau, tai nạn lao động mà chết thì được hưởng chế độ mai táng phí và do Quỹ BHXH của đơn vị sử dụng lao động chi. Người đang hưởng chế độ BHTG hằng tháng bị chết thì chế độ mai táng phí do Quỹ BHTG chi.
Về tổ chức thực hiện BHXH ngoài quốc doanh: Điều lệ BHXH quy định, ở cấp tỉnh, thành phố, cơ quan này được gọi là Công ty Bảo hiểm xã hội, có nhiệm vụ tổ chức và quản lý chế độ BHTG, thuộc Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý. Công ty Bảo hiểm xã hội là một đơn vị sự nghiệp, có thu, chi, hạch toán độc lập và tự cân đối thu, chi.
Trên cơ sở Điều lệ Dự thảo này, các địa phương tiếp tục cụ thể hoá thành Điều lệ BHXH tạm thời áp dụng cho người lao động thuộc khu vực kinh tế ngoài quốc doanh trên địa bàn địa phương mình. TP.Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là hai địa phương đi đầu trong tổ chức thực hiện thí điểm BHXH ngoài quốc doanh. Tiếp theo đó là TP. Hải Phòng, tỉnh Thái Bình và tỉnh Hoàng Liên Sơn. Trong 02 năm 1990-1991, 05 địa phương tổ chức thí điểm BHXH được sự hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trực tiếp là bộ phận nghiệp vụ BHXH nằm trong Vụ Bảo trợ Xã hội.
Công tác BHXH tại từng địa phương lại chịu sự chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng và chính quyền các tỉnh, thành phố. Vì vậy, trong quá trình triển khai thí điểm BHXH ngoài quốc doanh, mỗi địa phương lại có những nội dung, hình thức, biện pháp thích hợp với tình hình thực tế của địa phương mình. Tuy kết quả ở từng địa phương có khác nhau nhưng đều là cơ sở thực tiễn để xây dựng mô hình hợp nhất BHXH trong và ngoài quốc doanh sau này.