Tâm điểm dư luận

Thay đổi tư duy về bảo hiểm xã hội

Trung Nguyễn 08/11/2023 - 13:01

Tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có nhiều điểm đáng chú ý, trong đó có quy định giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Trình bày Tờ trình về dự án Luật BHXH (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, về vấn đề giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu.

Bộ trưởng cho biết, quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu là phải đủ 20 năm như hiện hành đã gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số đối tượng do không đóng BHXH đủ 20 năm.

Do vậy, Điều 64 của dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hằng tháng.

Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia BHXH (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế.

Quy định này góp phần giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu. Người lao động có thời gian đóng BHXH dài hơn vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành.

Trước đó, tại Phiên họp thứ 7 “Góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)” của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc quy định giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu là hoàn toàn phù hợp và cần thiết.

PGS.TS. Trần Thị Thúy Lâm - Trưởng Bộ môn Lao động và an sinh xã hội - Đại học Luật Hà Nội cho rằng, so sánh với pháp luật của một số nước, mức thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng bảo hiểm hưu trí của Việt Nam cũng được xem khá là dài. Bởi vậy, việc sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí là cần thiết.

Nêu quan điểm về nội dung này, TS. Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, việc giảm điều kiện số năm tham gia đóng BHXH được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm theo Nghị quyết Trung ương là phù hợp với thực tế khi thị trường lao động của nước ta còn ở giai đoạn đầu phát triển nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia BHXH muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng ngắn được hưởng lương hưu thay vì rút BHXH một lần.

Tuy nhiên, do thời gian tham gia ngắn nên lương hưu của các đối tượng này chắc chắn sẽ thấp. Do đó, TS. Phạm Minh Huân lưu ý, cần nghiên cứu có khoản trợ cấp hỗ trợ thêm từ quỹ BHXH hay nhà nước để các đối tượng này đảm bảo cuộc sống.

Cùng quan điểm, PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ, chuyên gia pháp luật nhận định, việc giảm điều kiện thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm là một trong những giá trị lớn nhất về an sinh xã hội mà việc sửa đổi Luật lần này mang lại. Điều này cũng chính là để thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Theo PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ, thậm chí có thể nghiên cứu giảm xuống còn 10 năm ở ngay lần sửa đổi này. Nếu giảm như vậy, có thể tư duy xây dựng chính sách về BHXH cần phải thay đổi. Tức là phải đổi mới, chuyển tư duy từ lâu nay rằng “lương hưu phải bảo đảm mức sống tối thiểu” của người nghỉ hưu sang tư duy “đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít” và “tham gia BHXH không bao giờ là muộn”.

PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ đề xuất có thể nghiên cứu, quy định theo hướng: Luật có thể quy định những người tham gia BHXH từ trước ngày Luật sửa đổi này có hiệu lực thì điều kiện hưởng lương hưu là 15 năm đóng BHXH theo nguyên tắc thông lệ từ trước tới nay là lương hưu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động; đối với những người tham gia BHXH sau ngày Luật này có hiệu lực thì điều kiện hưởng là 10 năm đóng BHXH và mức trả bảo hiểm sẽ theo nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi tư duy về bảo hiểm xã hội