Doanh nghiệp - Doanh nhân

Từ người lính thời chiến đến doanh nhân làm kinh tế giỏi thời bình

Đan Hà - Thiên Nhã 30/04/2024 - 20:39

Với mong ước dẫn đầu ngành giày lưu hóa, Doanh nhân cựu chiến binh Trần Văn Tắc – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Giày Tuấn Việt - đã và đang tiếp tục ghi dấu thương hiệu giày Việt Nam trên khắp bản đồ thương trường quốc tế.

Dẫu là một người lính kiên trung trên chiến trường hay một doanh nhân tâm huyết cống hiến trên thương trường, lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc vẫn luôn cháy bỏng xuyên suốt trên hành trình nghị lực của ông.

Năm 18 tuổi, chàng thanh niên Trần Văn Tắc lên đường nhập ngũ và trở thành một người lính trên chiến trường B2 Tây Ninh – một chiến trường gian nan, ác liệt trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước. Hòa bình lập lại, từ một người lính trở về đời thường, đã có một khoảng thời gian ông cần mẫn trong vai trò một công chức nhà nước. Cuộc sống đẩy đưa để rồi ông trở thành một doanh nhân nổi danh trong lĩnh vực da giày. Nói đến doanh nhân Trần Văn Tắc là người ta nhắc đến Giày Tuấn Việt, công ty giầy đầu tiên của Việt Nam đưa giày xuất khẩu ra thị trường châu Âu, với đúng nghĩa của từ sản xuất và xuất khẩu chứ không phải chỉ là gia công. Và giờ đây, Giày Tuấn Việt đã được xuất khẩu qua hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.

Trước thềm kỷ niệm ngày 30/4, ngày mà trước đây 49 năm, người lính giải phóng quân Trần Văn Tắc cùng các đồng đội của mình tiến vào giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước, Doanh nhân và Công lý đã cuộc nói chuyện thân tình với cựu chiến binh, doanh nhân nổi danh trong ngành da giày.

picture1.png
Doanh nhân cựu chiến binh Trần Văn Tắc – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Giày Tuấn Việt trò chuyện với phóng viên Báo Công lý

PV: Thưa ông, vì sao trước đây ông lại chọn ngành da giày để khởi nghiệp?

Doanh nhân Trần Văn Tắc: Năm 1980, từ quân ngũ tôi chuyển ngành về công tác tại Công ty Da Sài Gòn. Đến năm 1989, tình hình kinh tế gia đình khó khăn, một mình tôi đi làm để gánh vác gia đình gồm cha già, mẹ đau yếu quanh năm, 7 anh chị em, vợ và 2 con nhỏ. Thời điểm đó, làm tại công ty nhà nước, mức lương không đủ lo cho gia đình nên tôi quyết định xin nghỉ ra ngoài kinh doanh. Từ kinh nghiệm làm việc trong những ngày làm nhà nước, tôi nghĩ rằng trong ngành da giày cũng có nhiều thứ có thể làm, thế là tôi quyết định làm đế cao su. Lúc đầu tôi thuê nhà xưởng nho nhỏ có sẵn những dàn máy cũ với số vốn ít ỏi chỉ khoảng 1 cây vàng.

PV: Thời gian mới bắt đầu công việc, ông có gặp phải khó khăn gì không?

Doanh nhân Trần Văn Tắc: Khi bắt đầu sản xuất, sản phẩm của tôi không thể cạnh tranh được trên thị trường. Nguyên nhân là vì chưa có nguồn vốn vận hành, thứ hai là vì mới làm nên giá thành vẫn còn cao. Đến khi tôi thử nghiệm sản xuất được loại mút xốp dùng để làm miếng đế lót giày với đặc điểm êm hơn và giá cả thấp hơn những mẫu lót giày chai cứng thường dùng, tôi đã nhận được hợp đồng cung cấp miếng lót giày cho Công ty Giày Hiệp Hưng, một công ty giày lớn của Sài Gòn lúc bấy giờ. Từng bước, từng bước một, đến năm 1990, tôi đã sản xuất và xuất khẩu hơn 10 ngàn đôi giày đi châu Âu. Đó là lô hàng giày xuất khẩu đi châu Âu đầu tiên của nước ta.

PV: Cơ duyên nào khiến ông chọn sản xuất và phát triển dòng giày lưu hóa?

Doanh nhân Trần Văn Tắc: Khoảng năm 1990, ông Nguyễn Cao Tường, Tổng Giám đốc Công ty Giày Hiệp Hưng tìm gặp tôi nhờ tôi nghiên cứu loại đế giày cao su trong suốt

Doanh nhân Trần Văn Tắc

mà bộ phận kỹ thuật đã nghiên cứu cả tháng vẫn chưa tìm ra cách làm. Sau khi nghiên cứu, thử nghiệm thêm các phụ gia hóa chất, thay đổi tỉ lệ pha chế, thử nghiệm ở nhiệt độ khác nhau,… và cải tiến các thiết bị sản xuất vốn cũ kỹ của mình, tôi đã thành công trong việc tìm ra công thức và phương pháp sản xuất đế giày cao su trong. Đó là những bước đầu tiên trên hành trình phát triển dòng giày lưu hóa. Và từ đó, sản phẩm giầy lưu hóa của chúng tôi đã vươn ra thị trường hơn 50 vùng lãnh thổ, khẳng định tên tuổi Giày Tuấn Việt trên thị trường giày thế giới.

Công việc sản xuất kinh doanh thuận lợi, nên ngay cả thời kỳ dịch bệnh bùng phát, đơn hàng của chúng tôi vẫn không ngừng tăng. Đến năm 2023, tình hình tiêu thụ hàng bắt đầu đi xuống, số lượng đơn hàng giảm mạnh. Có hai nguyên nhân chính, là do các nước sau dịch nhập hàng quá nhiều để bù lại sự thiếu hụt lớn trong dịch Covid-19, vì thế lượng hàng tồn vẫn còn dẫn đến nhu cầu nhập hàng mới giảm. Thứ nữa là do tình hình kinh tế suy thoái và các cuộc chiến tranh trên thế giới cũng ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ hàng hóa của người tiêu dùng.

PV: Sắp tới ông có những dự định gì cho sự phát triển của thương hiệu Giày Tuấn Việt?

Doanh nhân Trần Văn Tắc: Những năm vừa qua, những khi ngành giày gặp khó khăn, bạn bè nhiều lần rủ tôi chuyển hướng kinh doanh nhưng tôi đều từ chối vì chỉ muốn tập trung vào sản xuất và nghiên cứu phát triển giày. Tôi yêu và gắn bó với nghề này nên không thể phân tâm cho các lĩnh vực khác. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, nghề giày đã chọn tôi và tôi sẽ mãi chung thuỷ gắn bó với nó.

Tôi đang nghiên cứu và phát triển lót giày từ vỏ trấu, vừa tận dụng phụ phẩm nông nghiệp vừa tạo độ cứng, xốp cho lót giày. Dùng vải vụn làm chi tiết trang trí để tiết kiệm vật liệu, giá thành và giảm rác thải cũng là một phương án đang được phát triển. Đồng thời, giày thể thao cũng là một hướng mà chúng tôi đang hướng tới. Ngoài việc phát triển sản phẩm xuất khẩu như truyền thống, sắp tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh phát triển sản phẩm ở thị trường trong nước thông qua các nhà bán lẻ, trung tâm thương mại, trường học với tiêu chí: Chất lượng tốt, giá hợp lý và an toàn với người dùng.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ người lính thời chiến đến doanh nhân làm kinh tế giỏi thời bình