Tư vấn pháp luật

Bốn trường hợp người lao động được rút bảo hiểm xã hội một lần

Bùi Anh 16/07/2023 - 08:37

Theo quy định, có 4 trường hợp người lao động được rút bảo hiểm xã hội một lần.

bhxh-mot-lan.jpg
Ảnh minh họa.

Bạn đọc Trần Mạnh Hùng hỏi: Tôi năm nay 56 tuổi, đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) được 22 năm 1 tháng. Vậy, tôi nghỉ việc thì có được rút BHXH một lần không? Điều kiện, thủ tục để rút BHXH một lần như thế nào?

Điều kiện hưởng BHXH một lần

Giải đáp về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú thọ cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ: “Người lao động quy định tại khoản 2 Điều 2 của Nghị định này mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật BHXH mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện;

b) Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục đóng BHXH;

c) Ra nước ngoài để định cư;

d) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế”.

Tại khoản 1 Điều 1 Thông tư số 18/2022/TT-BYT ngày 31/12/2022 của Bộ Y tế quy định: “Ngoài trường hợp đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS quy định tại điểm c khoản 1 Điều 60 Luật BHXH, người mắc các bệnh, tật có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát, hoặc không tự thực hiện được các hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày, mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn được hưởng BHXH một lần”.

Như vậy, nếu người dân thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì đủ điều kiện giải quyết BHXH một lần.

Thủ tục giải quyết hưởng BHXH một lần

Căn cứ Điều 109 Luật BHXH và điểm 9 Mục III Phần B thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 222/QĐ-BHXH ngày 25/2/2020 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, thành phần hồ sơ bao gồm:

- Bản chính sổ BHXH;

- Bản chính Đơn đề nghị (Mẫu số 14-HSB);

- Đối với người ra nước ngoài để định cư phải nộp thêm bản sao Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng một trong các giấy tờ sau: Hộ chiếu do nước ngoài cấp; Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài; Giấy tờ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài; giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 5 năm trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp;

- Trường hợp bị mắc những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS: Trích sao/tóm tắt hồ sơ bệnh án. Nếu bị mắc các bệnh khác thì thay bằng Biên bản giám định mức suy giảm từ 81% khả năng lao động trở lên của Hội đồng Giám định y khoa thể hiện tình trạng không tự phục vụ được;

- Trường hợp thanh toán phí giám định y khoa thì có thêm hóa đơn, chứng từ thu tiền phí, lệ phí giám định;

- Bản chính Bản khai cá nhân về thời gian, địa bàn phục vụ trong Quân đội có hưởng phụ cấp khu vực (Mẫu số 04B-HBQP ban hành kèm theo Thông tư số 136/2020/TT-BQP ngày 29/10/2020) đối với người có thời gian phục vụ trong Quân đội trước ngày 1/1/2007 tại địa bàn có hưởng phụ cấp khu vực mà sổ BHXH không thể hiện đầy đủ thông tin làm căn cứ tính phụ cấp khu vực.

Số lượng hồ sơ: 01 bộ

Cách thức thực hiện: Có thể nộp hồ sơ bằng một trong các hình thức qua giao dịch điện tử; qua dịch vụ bưu chính công ích; trực tiếp tại cơ quan BHXH.

Thời hạn giải quyết: Tối đa 5 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Có nên rút BHXH một lần:

Theo các chuyên gia về an sinh xã hội, khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu.

Thứ nhất, người lao động không còn trong hệ thống BHXH được Nhà nước bảo hộ, mất cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng – nguồn thu nhập ổn định, hữu ích khi về già.

Thứ hai, người lao động mất đi cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già, độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe nhất của mỗi người.

Thứ ba, thân nhân của người lao động không được hưởng chế độ tử tuất khi không may người lao động qua đời.

Thứ tư, số tiền người lao động nhận BHXH một lần thiệt hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH. Theo quy định hiện hành, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của người lao động.

Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu người lao động hưởng BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Như vậy, nếu lĩnh BHXH một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.

Thứ năm, khi không rút BHXH một lần, khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là “của để dành” quý giá của người lao động, nó không mất đi mà ngược lại vẫn được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng.

Do đó, người lao động nên cân nhắc kỹ trước khi rút BHXH một lần. Trong thực tế, nhiều người lao động khi đã nhận BHXH một lần muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia BHXH cho đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng pháp luật về BHXH chưa quy định về trường hợp này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bốn trường hợp người lao động được rút bảo hiểm xã hội một lần