Sáng 21/5, tại khu du lịch sinh thái thác Ma Hao, bản Năng Cát, xã Trí Nang, UBND huyện Lang Chánh đã long trọng tổ chức Lễ hội Chí Linh Sơn năm 2023, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham gia.
Dự buổi lễ, về phía Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Chu Phạm Ngọc Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa; Phạm Văn Thuỷ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch).
Về phía tỉnh Thanh Hóa có đồng chí: Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành và đông đảo nhân dân và du khách thập phương về dự.
Lễ hội Chí Linh Sơn nhằm chào mừng Kỷ niệm 605 năm cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Kỷ niệm 590 năm ngày mất của Anh Hùng dân tộc Lê Lợi.
Cách đây 605 năm, mùa Xuân năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược tại núi rừng Lam Sơn. Trên hành trình đánh đuổi giặc Minh, nghĩa quân đã gặp muôn vàn khó khăn. Đặc biệt trong giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa, do lực lượng chênh lệch nên nghĩa quân thường phải gánh chịu các trận càn quét của giặc Minh, bị tiêu hao rất lớn về lực lượng. Trước sự vây ráp và lùng sục ráo riết của quân Minh, Lê Lợi quyết định rút toàn bộ lực lượng nghĩa quân từ vùng đất Lam Sơn tiến sâu hơn nữa vào vùng núi Chí Linh.
Bị quân giặc bao vây ráo riết hòng bắt chủ tướng Lê Lợi, Lê Lai đã đổi áo liều mình cứu chúa, cải trang thành “Chúa Lam Sơn” lĩnh 500 quân và hai chiến voi xông ra tập kích quân Minh. Giặc Minh bắt được Lê Lai tưởng là Lê Lợi bèn rút quân về, sau đó xử Lê Lai bằng những hình phạt cực kỳ tàn ác, Lê Lai hy sinh. Chính nhờ sự hy sinh anh dũng đó, Lê Lợi và nghĩa quân được giải vây và tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trường kỳ chiến đấu chống quân Minh.
Rừng núi Chí Linh với địa thế hiểm trở đã được Lê Lợi và nghĩa quân 3 lần rút quân lên nương náu vào các năm 1418, 1419, 1422. Đây cũng là thời gian nghĩa quân Lam Sơn khốn khó trăm bề, quân số càng ngày ít đi, lại thiếu thốn lương thực, là giai đoạn “nếm mật nằm gai” để bảo toàn và khôi phục lực lượng. Trong thời gian này, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn cùng với rừng núi Chí Linh và đồng bào dân tộc ở địa bàn Lang Chánh đùm bọc lẫn nhau, đồng cam cộng khổ chiến đấu chống quân thù.
Chí Linh – Lang Chánh trở thành hình tượng cao đẹp của tinh thần chịu đựng hy sinh gian khổ, ý chí quyết tâm giải phóng dân tộc. Năm 1428, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã giành thắng lợi, chấm dứt ách đô hộ của giặc Minh, đất nước được giải phóng, dân tộc được độc lập. Trong khí thế oai hùng của ngày chiến thắng, Lê Lợi đã đọc “Bình Ngô đại cáo” tổng kết cuộc chiến tranh, khẳng định chủ quyền dân tộc của một quốc gia đã có hàng nghìn năm lịch sử. Trong cuộc chiến tranh ấy, rừng núi, sông suối và con người Lang Chánh đóng góp một phần cực kỳ quan trọng để làm nên chiến thắng vĩ đại. Nhân dân ở đây vẫn còn lưu truyền nhiều sự tích, nhiều câu chuyện lịch sử liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Lễ hội được tổ chức với chuỗi các hoạt động, “Hành trình theo dấu chân Nghĩa quân Lam Sơn”; “Cuộc thi Người đẹp Châu Lang”; “Trưng bày các gian hàng và giới thiệu sản phẩm truyền thống”; “Tổ chức Cắm trại bên Thác Ma Hao”; Chương trình Nghệ thuật “Linh Sơn thiên cổ lưu danh”… Các hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, đồng thời giới thiệu, quảng bá những nét đẹp về truyền thống quê hương, giới thiệu về thiên nhiên, bản sắc văn hoá, vẻ đẹp của đất và người Lang Chánh.