Việc thương lái Trung Quốc ồ ạt mua lợn với giá cao khiến nhiều người chăn nuôi vui mừng, tuy nhiên thị trường lợn "tiểu ngạch" này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro không thể lường trước.
Trung Quốc thu mua lợn ồ ạt với giá cao
Thời gian trở lại đây các thương lái cho hay phía Trung Quốc đang đặt hàng thu mua lợn với số lượng rất lớn bất kể lợn xấu lợn tốt, có bao nhiêu họ mua hết bấy nhiêu. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ngành chăn nuôi lợn đang phát triển tốt với giá bán lợn hơi ở mức cao nhất kể từ đầu năm.
Cụ thể, theo số liệu từ Bộ NN&PTNT cho thấy, từ cuối tháng 3/2016, giá lợn hơi tại các tỉnh phía Nam tăng mạnh do nhu cầu nhập khẩu lợn hơi từ Trung Quốc tăng. Lợn hơi tại thị trường Trung Quốc hiện có giá 57.000 - 60.000 đồng/kg, còn giá thịt lợn hơi của Việt Nam chuyển qua biên giới phía Bắc vẫn thấp hơn nên các thương lái Trung Quốc đang tích cực thu mua với khối lượng lớn.
Giá thu mua lợn hơi tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ và đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện lần lượt là 51.000 đồng/kg và 50.000 đồng/kg, tăng 8.000 đồng/kg và 7.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng 3/2016. Trung bình hiện nay, người chăn nuôi đang có mức lợi nhuận cao hơn trước đây từ 1-1,5 triệu đồng/con lợn (trung bình 100 kg/con).
Người chăn nuôi vui mừng khi Trung Quốc thu mua lợn với giá cao
Theo chia sẻ từ các lái xe cho biết, số lợn trên được các đầu nậu thu gom từ phía Nam, nhiều nhất là Đồng Nai và Bến Tre... Trên cả chuyến hành trình, nhiều người khác nhau sẽ gọi điện chỉ đạo điểm đến, người chở thuê chỉ việc đưa xe đến lấy hàng rồi đưa đến điểm tập kết để xuất sang Trung Quốc.
Không chỉ riêng các tỉnh miền Đông Nam Bộ và ĐBSCL mà dọc các tỉnh từ miền Trung đổ ra miền Bắc, khoảng 1 tháng trở lại đây, giá lợn cũng đã tăng mạnh do thương lái thu gom. Các tỉnh như Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Nam... giá lợn hơi đã tăng từ 10.000-20.000 đồng/kg.
Cục Chăn nuôi cho biết, 4 tháng đầu năm 2016, lượng lợn giống vào chuồng đã tăng 25-30% so với cùng kỳ 2015 và tổng đàn lợn hiện tại của Việt Nam đã lên tới 28 triệu con. Chính mức lợi nhuận hấp dẫn này đã khiến hàng loạt hộ gia đình cấp tập mở rộng chuồng trại. Giá lợn giống vì thế cũng tăng vọt.
Chính vì có nhiều đơn “đặt hàng” từ Trung Quốc cho nên mấy ngày nay tại các cửa khẩu ở Quảng Ninh, Lạng Sơn.. việc xuất khẩu lợn diễn ra rất sôi động, trung bình mỗi ngày có hàng chục xe chở lợn tập kết về đây để xuất sang Trung Quốc. Cao điểm có ngày 30 – 40 xe đăng ký thông quan.
Nỗi lo “lợn quay đầu”, dân thua lỗ
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hoạt động xuất khẩu lợn sang Trung Quốc thời gian qua khá sôi động, mỗi ngày có ít nhất 500 tấn lợn hơi được thương lái đưa qua cửa khẩu. Nếu cứ đà này thì người chăn nuôi bán được lợn giá cao. Tuy nhiên, nếu thương lái phía Trung Quốc không mua nữa, lợn chở đến biên giới mà không bán được dễ xảy ra tình trạng lợn chết, phải tiêu hủy hoặc "lợn quay đầu" trở lại địa phương.
Lý giải về nguyên nhân thị trường này mang nhiều rủi ro, các chuyên gia cho biết bởi hiện tại các thương lái Trung Quốc mua lợn từ VN vẫn chủ yếu theo hình thức mua bán tiểu ngạch, nên khi nào cơ quan chức năng Trung Quốc cấm biên là giao dịch bị ngưng trệ.
Chưa kể lâu lâu các thương lái Trung Quốc cũng chủ động ngưng mua một vài ngày để ép giá người bán từ VN, và khi thương lái ngừng thu mua, giá lợn hơi giảm đột ngột, người chăn nuôi sẽ thua lỗ.
Thương lái Trung Quốc thu mua lợn với giá cao, nhiều hộ, trang trại chăn nuôi lợn tăng đàn ồ ạt
Theo tìm hiểu, lợn xuất sang thị trường Trung Quốc chủ yếu là lợn có nhiều mỡ, trọng lượng trên 120 kg, là loại nuôi bình thường, không phải lợn siêu nạc được ưa chuộng ở Việt Nam. Do đó nếu việc bán sang thị trường Trung Quốc gặp trục trặc thì lợn mỡ sẽ rất khó tiêu thụ.
Thêm vào đó việc người chăn nuôi ở một số khu vực đang mở rộng chuồng trại để nuôi lợn bán sang Trung Quốc cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Bởi khi Trung Quốc đẩy mạnh thu mua kiểu thời vụ mà mở rộng chăn nuôi đến lúc họ ngừng thu mua, lập tức lợn sẽ bị ùn ứ. Tình trạng này đã xảy ra rất nhiều và với nhiều loại nông sản của Việt Nam, không riêng lợn mỡ.
Theo thông tin từ Hải quan Lạng Sơn, trước đó vào cuối tháng 4/2016 trên địa bàn lác đác có 3-4 xe chở lợn hơi xuất khẩu qua các lối mở nhưng phía Trung Quốc không nhận, khiến cho các doanh nghiệp, lái xe phải cho lợn “quay đầu” về nội địa chờ thời gian xuất thích hợp.
Một số nguyên nhân khiến lợn “quay đầu” có thể do thể chất của lợn xuất khẩu không đạt chuẩn, do quá trình vận chuyển từ miền Nam ra cửa khẩu lợn không khỏe, không được tắm rửa sạch sẽ. Đồng thời phía Trung Quốc chỉ nhận hàng từ 22 giờ đêm đến 3 giờ sáng nên khi lái xe đưa hàng khu vực đã hết thời gian thông quan sẽ bị ùn ứ lại.
Việc lợn bệnh, lợn chết, lợn “quay đầu” khi không xuất khẩu được sang Trung Quốc gây nên nhiều hệ luỵ đáng lo ngại. Mới đây ngày 9/4, tại địa bàn tỉnh Cao Bằng đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp xuất khẩu lợn đã lợi dụng đêm tối đổ trộm lợn chết ra đường.
Điều đáng nói, sau khi số lượng gần 50 con lợn chết bị đổ ra thì phần lớn những xác lợn này, người dân địa phương lại chia nhau để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, trong đó cả việc bán ra thị trường và để ăn.
Thiết nghĩ, thị trường thịt lợn Trung Quốc là thị trường tiềm năng nhưng cũng nhiều rủi ro. Người chăn nuôi cần chủ động chăn nuôi theo kế hoạch, tránh tình trạng chăn nuôi ồ ạt dẫn đến thua lỗ khi Trung Quốc ngừng thu mua. Các cơ quan chức năng cũng cần nhanh chóng có những phương hướng, tác động việc thúc đẩy xuất khẩu lợn thịt sang Trung Quốc theo đường chính ngạch để hạn chế rủi ro cho nông dân.