Ác mộng thực tại hay giết người trong mơ?

Theo An ninh Thế giới| 21/10/2019 13:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các thẩm phán tại thành phố West Palm Beach (Florida - Mỹ) phải đương đầu với một vụ án rất khác thường. Theo đó, kẻ sát nhân khẳng định đã thực thi hành vi tội ác trong… mơ và không hề nhớ điều gì đã xảy ra.

Nhiệm vụ khó khăn của bồi thẩm đoàn là phải làm rõ thực chất của vụ án trên, kết luận liệu có nên tin vào thủ phạm hay đây chỉ là trò lừa đảo để né tránh tội sát nhân? Trong lịch sử tội phạm trên thế giới, thật ra đã từng có không ít những vụ án được nhìn nhận là thủ phạm đã hành động trong trạng thái bị mộng du.

Sáng thứ 7, ngày 25-3-2017, tổng đài 911 tại bang Florida (Mỹ) nhận được cú điện thoại của một thanh niên với giọng đầy vẻ lo lắng trình báo về một vụ án mạng. "Làm ơn hãy gọi cho cảnh sát ngay - anh ta đề nghị với điều phối viên - Đó chính là tôi". Khi cảnh sát tới hiện trường, họ đã gặp người gọi điện là chàng thanh niên Randy Herman 24 tuổi với các dấu vết máu bê bết từ đầu tới chân. Trong nhà cảnh sát phát hiện thi thể cô gái hàng xóm của anh ta - Brook Preston 21 tuổi.

Ác mộng thực tại hay giết người trong mơ?

Randy Herman khi bị dẫn giải ra tòa.

Randy không thể giải thích vì sao anh ta lại làm nên chuyện này. Anh ta, Brook và cô chị Jordan (thời điểm đó đang vắng nhà) đã quen biết nhau từ hơn 5 năm trước khi còn sống tại Pennsylvania. Sáu tháng trước khi xảy ra thảm kịch, họ cùng dọn tới Florida và thuê một căn hộ có 3 phòng. Trước đó cả ba đều có mối quan hệ rất tốt đẹp, không thể tìm ra lý do nào cho động cơ sát nhân.

Vào ngày đó, Brook có chuyện tới New York, nên đã đánh thức Randy để tạm biệt và lấy một số đồ anh ta nhờ chuyển cho người quen. Chàng thanh niên khẳng định họ đã ôm nhau chia tay lúc cuối trước khi cô gái rời đi, còn anh ta quay lại ngủ tiếp.

Ác mộng thực tại hay giết người trong mơ?

Herman và nạn nhân Brook Preston

"Sau đó bỗng nhiên tôi thấy mình đang đứng trước thi thể đầy máu của cô ấy, trong tay lại cầm con dao" - Randy giải thích. Bản thân anh ta không hề nhớ chuyện gì đã xảy ra, nhưng cũng hiểu rằng kẻ gây ra chuyện trên chỉ là bản thân mình, do không hề có ai khác tại hiện trường. 

Thực tế không hề có động cơ của tội ác không chỉ gây bối rối cho bản thân Randy mà cả với các điều tra viên. Mẹ của anh ta nhớ lại việc từ nhỏ Randy đã mắc chứng mộng du. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, vụ sát nhân có khả năng đã được Randy thực hiện khi đang trong trạng thái… mơ ngủ.

Chuyện không hiếm trong quá khứ

Thông thường, trạng thái mộng du nảy sinh, khi con người không hoàn toàn tỉnh giấc sau giai đoạn giấc ngủ sâu. Trong trạng thái như vậy, con người có thể thực hiện nhiều hành động khác nhau, thậm chí khá phức tạp mà không hiểu họ đang làm gì. Đến khi tỉnh giấc, người mộng du sẽ không hề nhớ gì cả. 

Từ thời trung cổ, đã có rất nhiều tranh cãi về việc nên trừng phạt những tội ác thực hiện trong khi mộng du như thế nào. Chẳng hạn như một trong những đạo luật đầu tiên về người mộng du tại Tây Âu đã được thông qua vào năm 1312. Tại nhà thờ lớn ở Vienna, giáo hội từng qui định rằng, không được kêu những đứa trẻ đang mộng du phải trả lời, ngay cả khi chúng đang giết hay làm bị thương ai đó.

Còn vào thời đại ngày nay, việc trừng phạt những tội ác xảy ra khi mộng du lại phụ thuộc khá nhiều vào khả năng của các luật sư. Năm 1943, tại bang Kentucky của nước Mỹ, người ta đã xử trắng án cho cô con gái 16 tuổi Jo Ann Kiger của một chính trị gia địa phương, trước đó đã bất ngờ dùng súng bắn vào người thân của mình, khiến cho cha và cậu em trai 6 tuổi bị chết, còn bà mẹ bị thương. 

Tòa án xác định rằng, cô gái đã có những hành động trên trong cơn mộng du: cô nghĩ rằng mình đang bảo vệ gia đình trước những tên cướp đang tấn công ngôi nhà của mình. Các luật sư bào chữa của Jo Ann đã đưa ra những bằng chứng thuyết phục về việc, cô gái thường bị mộng du cũng như gặp phải nhiều cơn ác mộng. Kết quả là cô gái đã được trả tự do sau một năm điều trị bệnh tâm thần.

Ác mộng thực tại hay giết người trong mơ?

Brian Thomas và vợ

Một trường hợp tương tự tại Tây Ban Nha lại có kết cục hoàn toàn khác. Năm 2001, công dân 58 tuổi Malaga Antonio Nieto gặp cơn ác mộng bị một bầy đà điểu tấn công. Anh ta ra sức chống trả, và đến khi tỉnh dậy phát hiện mình đã giết chết vợ và mẹ vợ. Người đàn ông này phải nhận bản án 10 năm tù, đưa vào chữa trị tại bệnh viện tâm thần.

Năm 2008, công dân Anh Brian Thomas đã giết vợ mình khi ngủ qua đêm trong chiếc xe hòm lưu động mà hai vợ chồng dùng để đi du lịch. 

Thomas khẳng định điều này hoàn toàn xảy ra khi anh ta đang mơ ngủ. Người đàn ông này nghĩ rằng mình đang đánh nhau với một số kẻ lưu manh, trong khi trên thực tế đã bóp cổ vợ mình đến chết. Các bác sĩ tâm thần sau khi khám cho Thomas đã khẳng định, anh ta bị mắc chứng mộng du. Kết quả là tòa án đã phán quyết Thomas vô tội và trả tự do cho anh ta.

Vụ án kỳ lạ của Robert Ledru

Nhưng có lẽ tay thám tử Robert Ledru tại Paris mới là người từng đương đầu với một vụ án giết người trong mơ kỳ lạ nhất. Vụ án xảy ra vào năm 1867 tại thành phố Le Havre, là nơi Ledru đặt chân tới đây để nghỉ ngơi dưỡng sức sau một vụ án khó khăn, khiến ông gần như bị suy sụp hết tinh thần.

Một người đàn ông, về sau được xác định là một thương gia nhỏ tại Paris có tên Andre Monet, đã bị bắn thẳng từ hướng trực diện. 

Nạn nhân trước đó tới đây để nghỉ dưỡng, dạo chơi trên bãi biển vào ban đêm và quyết định cởi quần áo để tắm trước khi chết. Quần áo và đồ đạc cá nhân của Monet vẫn được xếp ngay ngắn trên bãi cát, ngay cạnh thi thể của ông. Hiện trường vẫn còn nhiều dấu vết để lại của một người đàn ông, nhiều khả năng chính là hung thủ.

Cảnh sát địa phương gần như đã gặp bế tắc khi điều tra, khi không thể hiểu ai có thể giết một du khách như vậy. Monet vốn không giàu, bản thân có một cuộc sống khá bình lặng, không có kẻ thù tại thành phố quê hương Paris, còn tại Le Havre lại càng không. Giả thuyết về một vụ cướp có vũ trang cũng không thỏa đáng khi mọi đồ đạc của ông ta vẫn còn nguyên. 

Những dấu vết tên tội phạm để lại cũng không giúp làm rõ được điều gì. Theo đó, thủ phạm chỉ đi một đôi tất không có giày. Hắn bắn hạ nạn nhân bằng một khẩu súng lục Parabellum, một trong những loại súng phổ biến nhất vào thời bấy giờ.

Chính vào lúc này, các nhà chức trách quyết định nhờ tới Robert Ledru, khi đó được xem là một thám tử ngôi sao tại thủ đô, người từng phá được nhiều vụ án phức tạp tương tự như vậy. Ông tới ngay hiện trường, dùng kính lúp để xem xét tỉ mỉ từng dấu vết. Nếu xét theo dấu chân để lại, thủ phạm dường như thiếu một ngón ở bàn chân bên phải.

Phát hiện này khiến cho Ledru tái mặt, ông ta bắt đầu gỡ đôi giày của mình ra. Trước con mắt ngạc nhiên của các cảnh sát viên tại Le Havre, Ledru dậm chân mình xuống cát rồi so sánh với dấu chân của thủ phạm.

Sau đó, viên thám tử yêu cầu được xem viên đạn đã bắn Monet, không nói năng gì quay trở lại khách sạn. Tại căn phòng của mình, Ledru lấy ra một khẩu súng lục cũng có nhãn hiệu Parabellum. Ông bắn một phát vào chiếc gối, tìm đầu đạn và so sánh với viên đạn tại hiện trường. Nhưng mối nghi ngại của Ledru đã được khẳng định.

Viên thám tử ngay lập tức quay trở lại Paris để báo cáo vụ việc với cấp trên. "Tôi đã tìm ra kẻ sát nhân và các bằng chứng tội ác của anh ta - Ledru tuyên bố và đặt lên bàn các đầu đạn, cùng với những tấm ảnh chụp các dấu vết tại hiện trường - Chính bản thân tôi đã giết Andre Monet". 

Tất cả mọi bằng chứng đều trùng hợp: các dấu vết bàn chân của thám tử trên cát, những rãnh xước trên cả hai đầu đạn đều chứng tỏ chúng cùng được bắn ra từ một khẩu súng của Ledru.

Vấn đề là ở chỗ Ledru không hề nhớ gì hết: cả việc đi ra ngoài bãi tắm, về Monet cũng như về vụ giết người. 

Theo Ledru, ông ta đã ngủ trên giường của mình suốt cả đêm. Nguyên nhân giải thích duy nhất cho câu chuyện này chỉ có thể là chứng mộng du - Ledru đi ra bãi tắm một cách vô thức, bắn chết thương gia xấu số, rồi quay trở lại khách sạn tiếp tục ngủ. 

Dù được tòa án phán quyết vô tội, nhưng Ledru vẫn tự coi mình là một phần tử nguy hiểm đối với xã hội, tự mình tới ẩn náu tại một trang trại hẻo lánh ở ngoại ô Paris. Suốt phần đời còn lại của mình, ông ta sống dưới sự bảo vệ và chăm sóc của một nữ y tá.

Mơ hay thật?

Các chuyên gia đã soạn thảo ra một danh sách các tiêu chí giúp xác định liệu một vụ sát nhân có phải thực hiện hoàn toàn trong lúc mơ ngủ hay chỉ là một cái cớ nghĩ ra để tránh bị trừng phạt. Trên thực tế, gần như tất cả những tội ác do mộng du đều có một vài đặc trưng chung. 

Chẳng hạn như phần lớn các thủ phạm của loại bệnh lý này đều là những người đàn ông có độ tuổi từ 27 đến 48. Họ cũng từng được người thân phát hiện có thời điểm mộng du, hay gặp những ác mộng, chứng đái dầm vào ban đêm và một số triệu chứng khác thường khác…

Tất nhiên trong những trường hợp này cũng không thể có xác suất đảm bảo 100%. Ngay các bác sĩ tâm thần hoàn toàn cũng có thể bị lừa. 

"Hoàn toàn có khả năng bản thân kẻ mộng du đã tính toán  trước về tội ác, do đó hắn biết trước cách tạo ra những chi tiết quan tâm để thuyết phục được bác sĩ, và cố tình hành động y như vậy - Chuyên gia tâm lý học Chris Idzikowski, người từng nghiên cứu vụ án giết vợ của Brian Thomas, thừa nhận - Trong trường hợp này, việc bắt quả tang được hắn ta hoàn toàn không hề đơn giản".

Quay trở lại với vụ án của Randy Herman. Liệu có thể tin việc anh ta khẳng định đã giết người hàng xóm trong mơ hay không? Hay đây chỉ là một trò nhằm lẩn tránh trách nhiệm hình sự? Đây cũng là chủ đề chính được bàn cãi tại phiên tòa xét xử vụ án trên được bắt đầu từ tháng 5-2019.

Cơ sở chính của các luật sư trong vụ án chính là những lời khai của mẹ bị cáo và chuyên gia tâm lý trong ngành tư pháp Charles Ewing. Họ cùng kể về các biểu hiện của chứng mộng du từng quan sát thấy ở Randy khi còn nhỏ. 

Chẳng hạn có lần cậu ta khi mộng du đã đạp xe tới quán bar nơi mẹ mình đang làm việc rồi quay trở về nhà mà vẫn chưa tỉnh. Sau vụ việc trên, bố mẹ hàng đêm phải chèn một chiếc ghế nặng ở cửa phòng để cậu con trai không thể ra ngoài khi mộng du.

Charles Ewing tuyên bố vụ án xảy ra tại Florida hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của một vụ sát nhân khi mộng du. Randy từng mắc chứng mộng du trong quá khứ, có quan hệ rất tốt với nạn nhân, không có động cơ của tội ác, đồng thời không nhớ gì về chuyện đã xảy ra. "Tôi không thấy bất kỳ một lý giải nào khác" - chuyên gia này kết luận.

Phía bên buộc tội lại khăng khăng rằng, chàng thanh niên trẻ này đã hành động một cách hoàn toàn có nhận thức. Giả thuyết trên cũng nhận được sự ủng hộ của người chị nạn nhân, người khẳng định trong suốt thời gian quen biết Randy chưa từng nhìn thấy anh ta là người mộng du. 

Chuyên gia tâm lý Wade Meyers, người ra tòa với tư cách nhân chứng bên công tố, đã đặt giả thuyết vụ sát nhân có lý do từ nguyên nhân quấy rối tình dục.

Kết quả là sau cuộc tranh luận căng thẳng kéo dài suốt 3 tiếng đồng hồ, bồi thẩm đoàn đã thừa nhận phạm tội sát nhân. Với phán quyết trên, bị cáo đã phải nhận mức án tù chung thân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ác mộng thực tại hay giết người trong mơ?