Minh bạch quỹ dân đóng góp

Bảo Dân| 11/12/2018 07:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong phiên họp đầu tiên về việc giám sát các quỹ tài chính ngoài ngân sách của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cho biết hiện có 26 loại quỹ ngoài ngân sách do Trung ương quản lý.

Ngoài 26 loại quỹ này, các bộ ngành cũng đang thu trên 20 loại quỹ còn địa phương cũng thu ít nhất 8 loại quỹ.

Đa phần các quỹ này đều mang tính “tự nguyện”, “không bắt buộc” nhưng theo phản ánh của công dân khi tiếp xúc với đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội thì việc nộp tiền vào các quỹ địa phương cho thấy không “tự nguyện” không xong.      

Không tự nguyện sẽ bị gây khó khăn trong chứng thực hồ sơ lý lịch, ảnh hưởng đến việc ma chay, cưới hỏi, đi làm đi học. Điều đáng quan ngại nhất ở địa phương là việc tùy tiện đặt ra các loại quỹ. Thông tin trên báo chí cho thấy tỉnh Quảng Ninh có tới 21 quỹ, An Giang 20 quỹ, Điện Biên 9 quỹ, Ninh Bình 8 quỹ…

Được biết, theo Nghị định 94/2014 của Chính phủ, ngoài quỹ Phòng, chống thiên tai là loại quỹ bắt buộc, các loại quỹ khác kể cả quỹ quốc phòng – an ninh cũng là quỹ tự nguyện đóng góp. Thế nhưng, hiện nay người dân phải đóng rất nhiều loại quỹ “tự nguyện” đến nỗi không đếm xuể như: quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ bảo trợ trẻ em, quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ từ thiện, quỹ khuyến học, quỹ chăm sóc người cao tuổi, quỹ vì người nghèo, quỹ phòng, chống ma túy

Ngoài quỹ còn có vô số khoản “quy thóc” đóng cho các thiết chế văn hóa, hạ tầng dân cư. Ở các xã xây dựng nông thôn mới, người dân còn phải nộp tiền và quỹ làm đường giao thông nông thôn với mức thu rất cao. Phản cảm đến mức người nghèo cũng bị yêu cầu đóng góp quỹ vì người nghèo. Và điều bất cập nhất đang xảy ra là đa số người dân dù góp đầy đủ các loại quỹ nhưng khó để biết tường tận các loại quỹ này sử dụng ra sao, có thất thoát vì bị biển thủ hay không.

Và “vấn đề” chính là ở chỗ dù là đóng góp tự nguyện, chỉ mang tính vận động không bắt buộc nhưng hầu như người nào, nhà nào cũng phải đóng. Bởi vậy, việc quản lý sử dụng quỹ ngoài ngân sách là một trong các nội dung giám sát của Quốc hội, được coi là một quyết định sáng suốt, được cử tri hoan nghênh.

Tìm hiểu danh mục khoản thu ở một tổ dân phố ở TP HCM cho thấy ngoài quỹ phòng, chống thiên tai, còn có nhiều loại quỹ khác bao gồm: Quỹ chăm lo Tết cho dân nghèo; quỹ giảm hộ nghèo tăng hộ khá; quỹ bảo trợ trẻ em; quỹ đền ơn đáp nghĩa; quỹ vì người nghèo; quỹ nghĩa vụ quân sự; quỹ ủng hộ các tỉnh bị thiên tai lũ lụt; quỹ người cao tuổi... Các khoản đóng góp nêu trên dù đều có ý nghĩa nhân văn, tuy nhiên, có nhiều loại quỹ trùng lắp, như đã thu quỹ giảm nghèo tăng hộ khá, lại còn thêm quỹ xóa đói, giảm nghèo. Bà con cho rằng, TP HCM đã hoàn thành chương trình xóa đói, giảm nghèo từ lâu, nay lại có chương trình Giảm hộ nghèo tăng hộ khá mà vẫn thu quỹ xóa đói, giảm nghèo. Ngoài ra khi dân không phải đóng quỹ an ninh quốc phòng nhưng sao lại thu quỹ nghĩa vụ quân sự?

 Các chuyên gia cho rằng trong việc thu các khoản đóng góp tự nguyện của người dân, cần phải thực hiện dân chủ rộng rãi, tạo cho người dân thấy rằng sự đóng góp là cần thiết cho chính bản thân mình, gia đình mình. Cần công khai, minh bạch từ khâu quyết định chủ trương cho đến quá trình triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện cần thu đúng, thu đủ, đảm bảo công bằng, sử dụng tiền đóng góp đúng mục đích, thanh quyết toán công khai rõ ràng và nên có quy định chung, tránh đặt ra quá nhiều quỹ. Đừng để việc thu các loại quỹ thành gánh nặng đối với người dân, nhất là người nghèo!

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch quỹ dân đóng góp