"Siết" hành vi "rửa tiền" nhưng cần tương thích với các luật khác

Quốc Huy| 01/11/2022 12:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 1/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

011120220806-z3845084837767_d17b46fb8b828c16191c2d013eb84863.jpg

Qua thảo luận, các đại biểu các ý kiến đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật này  để áp dụng yêu cầu hội nhập, thực hiện các Điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục những bất cập của luật hiện hành, góp phần vào công tác phòng chống tham nhũng và đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ.

Phải có sự tương thích với các luật

Phát biểu thảo luận, đại biểu Lê Xuân Thân - Khánh Hòa cho rằng, thực tế đấu tranh phòng, chống rửa tiền trong 10 năm qua cho thấy có nhiều diễn biến phức tạp, nên các quy định cần phải rõ ràng, nhất là sự tương thích với các luật khác như Bộ luật Hình sự.

Theo đại biểu, trong Bộ Luật Hình sự, khái niệm rửa tiền đã chỉ rõ khi khởi tố bị can, bị cáo và người phạm tội đã xác định và người chấp hành án. Khái niệm “đáng ngờ” trong dự thảo Luật phòng chống rửa tiền (sửa đổi) nên mở rộng ra những đối tượng trước khi có quyết định khởi tố bị can của cơ quan pháp luật để bảo đảm không để lọt tội phạm, góp phần đấu tranh phòng, chống tệ nạn rửa tiền tốt hơn.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề nghị xem xét lại khái niệm “rửa tiền” trong dự thảo Luật. Việc quy định đầy đủ, chặt chẽ, phản ánh đúng bản chất khái niệm hành vi "rửa tiền”. Tuy nhiên, nội dung này đối chiếu với quy định của Bộ luật Hình sự và khuyến nghị của FATF thì khái niệm này chưa thật sự chính xác.

011120221019-nguyen-van-hien-lam-dong.jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng.

Theo đại biểu, khái niệm “rửa tiền” trong trong dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền rộng hơn các hành vi rửa tiền được quy định tại Điều 324 Bộ luật Hình sự. Điều này dẫn đến hệ quả là các hành vi vi phạm được quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 của Điều 3 sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 324 Bộ luật Hình sự và như vậy là không phù hợp với kiến nghị số 3 của FATF.

Quy định trên sẽ dẫn đến tình trạng trong hệ thống pháp luật sẽ có hai văn bản luật bao gồm Bộ luật Hình sự và Luật Phòng, chống rửa tiền cùng xác định về hành vi rửa tiền nhưng lại không thống nhất với nhau, tạo sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị xem xét không nên quy định trực tiếp khái niệm “hành vi rửa tiền” trong luật này mà chỉ nên quy định theo hướng dẫn chiếu sang Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên theo Bộ luật Hình sự hiện nay, khái niệm này lại chưa phù hợp với khuyến nghị số 3 của FATF, do vậy đồng thời đề nghị Chính phủ cần khẩn trương rà soát và trình Quốc hội sửa đổi Điều 324 Bộ luật Hình sự để phù hợp với khuyến nghị của FATF, đại biểu đề nghị.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Bắc Giang cũng cho rằng, trong dự thảo Luật còn một số vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa để phù hợp với Luật Ban hành VBQPPL để bảo đảm thống nhất, khả thi trong hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan, như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Doanh nghiệp,…

Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật còn có khá nhiều nội dung quy định chưa rõ ràng, chưa minh bạch, còn mang nặng tính định tính. Điều này có thể sẽ dẫn đến tình trạng quy định của Luật sẽ được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, lúng túng, không thống nhất cho quá trình áp dụng.

Cụ thể, Điều 23 đến 27 dự thảo luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) có quy định về các dấu hiệu “đáng ngờ” trong các lĩnh vực cụ thể như: ngân hàng, kinh doanh, bảo hiểm nhân thọ, chứng khoán, trò chơi có thưởng, bất động sản, chuyển tiền điện tử. Đây là những lĩnh vực có khả năng cao xuất hiện các giao dịch đáng ngờ mà đối tượng phải báo cáo.

011120220938-do-thi-viet-ha-bac-giang.jpg
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH Bắc Giang.

Nhưng theo quy định tại khoản 3 Điều 4, Luật Ban hành văn QPPL về nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là phải bảo đảm tính minh bạch trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật; ngôn ngữ chính xác, phổ thông diễn đạt rõ ràng, dễ hiểu.

Trong khi khần lớn các quy định về dấu hiệu đáng ngờ trong dự thảo luật còn mang tính định tính, chưa thật sự rõ ràng, rất khó để xác định dấu hiệu đáng ngờ. Như vậy sẽ khó đáp ứng được các quy định của Luật Ban hành VBQPPL.

Quy định chặt để kiểm soát “tiền ảo”

Liên quan đến vấn đề kiểm soát tiền ảo, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy – Bình Định đề nghị bổ sung một số hình thức, đối tượng cụ thể trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển như hiện nay. Công nghệ thông tin phát triển đang tạo ra nhiều cơ hội và kênh khác nhau để tội phạm rửa tiền lợi dụng rửa tiền không hợp pháp thành tiền hợp pháp. Đặc biệt khi tiền ảo, tài sản số đã được một số quốc gia công nhận thì tại Việt Nam gần đây đã xuất hiện  hình thức mua bán Bitcoint. Vì thế, nếu không quy định cụ thể thì sẽ tạo kẽ hở cho tội phạm rửa tiền, chuyển tiền lợi dụng.

Theo đại biểu, từ 2017, Bộ Tư pháp cũng đã đề cập vấn đề tiền ảo, tài sản ảo có nguy cơ bị lạm dụng để thực hiện các hoạt động phi pháp, trong đó có rửa tiền và tài trợ khủng bố. Việt Nam cũng đã đẩy mạnh việc giám sát việc thực thi các quy định về phòng, chống tiền rửa tiền đối với khu vực tư nhân, đặc biệt là các lĩnh vực mới nổi mà tội phạm có khả năng sử dụng để thực hiện các hành vi rửa tiền. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý điều chỉnh và quản lý. Do đó, để dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền cần bổ sung quy định này.

011120221015-nguyen-thi-thu-thuy-binh-dinh.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy – Bình Định.

Bên cạnh đó, cũng cần mở rộng phạm vi, đối tượng báo cáo là tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản ảo, các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ mới và các dịch vụ chuyển tiền để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động có rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải-Thừa Thiên -Huế cho rằng, ngoài giao dịch bằng tiền mặt bằng vàng hoặc ngoại tệ thì còn có các hoạt động liên quan đến tiền ảo. Giao dịch trên nền tảng online đang rất phổ biến, chưa được kiểm soát và dự báo thời gian tới việc mở rộng hội nhập quốc tế, các giao dịch tiền ảo sẽ phát triển. Đây là điều kiện thuận tiện cho các hành vi rửa tiền mà chúng ta chưa lường hết được. Vì vậy, đề nghị quy định liên quan đến vấn đề này vào trong luật.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Siết" hành vi "rửa tiền" nhưng cần tương thích với các luật khác