Thông tư liên tịch số 10 thay thế Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013 hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.
Ngày 29/6/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC đã ban hành Thông tư liên tịch số 10/2018/ TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (Thông tư liên tịch số 10).
Thông tư sô 10 bổ sung một số chủ thể trong trách nhiệm phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 11 điều chỉnh các đối tượng là cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; cơ sở giam giữ và một số người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ; cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý; tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý; người được trợ giúp pháp lý và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Tại Điều 2 của Thông tư số 10 có sửa đổi, bổ sung một số đối tượng có trách nhiệm phối hợp như: sửa đổi, bổ sung một số cơ quan (cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra), người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; bổ sung một số cơ sở giam giữ (buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng) và một số người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ (Giám thị, Phó Giám thị, Trưởng phân trại, Phó Trưởng phân trại, Đội trưởng, Phó Đội trưởng và người làm nhiệm vụ quản giáo trong trại tạm giam; người làm nhiệm vụ quản giáo trong nhà tạm giữ; Đồn trưởng đồn biên phòng nơi có buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng, Trưởng buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng); bổ sung trại giam và người có thẩm quyền của trại giam (Trưởng phân trại, Phó Trưởng phân trại, Đội trưởng, Phó Đội trưởng trại giam).
Tư vấn pháp luật cho người dân
Đây là những chủ thể trực tiếp tiếp xúc với người được trợ giúp pháp lý, vì vậy Thông tư liên tịch số 10 đã quy định những chủ thể này trong trách nhiệm phối hợp để người được trợ giúp pháp lý được giải thích, biết và sử dụng quyền của mình. Việc bổ sung các chủ thể như vậy vừa bảo đảm phù hợp với các Bộ luật, luật về tố tụng vừa bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của các phạm nhân thuộc diện được trợ giúp pháp lý đang chấp hành án tại trại giam là người bị buộc tội, người bị hại hoặc đương sự trong vụ án khác do có hành vi phạm tội, xâm hại hoặc có liên quan đến vụ án trước khi chấp hành án.
Quy định rõ về việc giải thích, thông báo, thông tin trợ giúp pháp lý: Quy định về giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý được quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 10. So với Thông tư liên tịch số 11 thì đây là điều mới nhằm hướng dẫn Điều 71 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, khoản 6 Điều 48 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, khoản 6 Điều 38 Luật tố tụng hành chính năm 2015, điểm đ khoản 1 Điều 9 và điểm d khoản 1 Điều 13 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015. Điều này quy định trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc thực hiện, nội dung, cách thức thực hiện, mẫu hóa các nội dung giải thích; phân chia việc giải thích, thông báo, thông tin trong tố tụng hình sự với tố tụng dân sự và tố tụng hành chính (các nội dung này chưa được quy định hoặc quy định chưa cụ thể trong Thông tư liên tịch số 11). Cụ thể: Quy định rõ thời điểm, nội dung và quy trình giải thích quyền được trợ giúp pháp lý (Thông tư liên tịch số 11 không quy định rõ các vấn đề này).
Về thời điểm, tại điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch số 10 đã quy định: Tại thời điểm bắt, tạm giữ người, lấy lời khai, hỏi cung bị can, lấy lời khai của người bị hại, lấy lời khai của đương sự, đương sự nộp đơn trực tiếp tại Tòa án hoặc tại thời điểm gửi thông báo thụ lý vụ án, thông báo thụ lý đơn yêu cầu. Về nội dung, đã được cụ thể hóa tại Mẫu số 02, trong đó nêu rõ các điểm như về việc đã đọc bản thông tin về người được trợ giúp pháp lý chưa, có thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý không, có yêu cầu trợ giúp pháp lý không?
Về quy trình giải thích được quy định rõ tại khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch số 10 theo các bước như sau: Bước 1, phát Bản thông tin về người được trợ giúp pháp lý theo Mẫu số 01: Khi tiếp cận với người bị buộc tội, người bị hại, đương sự, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phát cho họ Bản thông tin về người được trợ giúp pháp lý để họ đọc hoặc thông báo cho họ biết trong trường hợp họ không tự đọc được. Bước 2: Giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý: Trường hợp họ tự nhận mình là người được trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý. Riêng trong tố tụng hình sự, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đọc, hướng dẫn cụ thể nội dung và điền thông tin vào Biên bản giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý theo Mẫu số 02.
Quy định rõ quy trình thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý: (Thông tư liên tịch số 11 chưa có quy định cụ thể về quy trình, kết quả của việc thông báo trợ giúp pháp lý và chưa quy định việc thông tin về trợ giúp pháp lý).
Trong tố tụng hình sự (quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều 7 Thông tư liên tịch số 10) được chia thành hai trường hợp như sau: Trường hợp người bị buộc tội, người bị hại, đương sự tự nhận mình là người được trợ giúp pháp lý và: Nếu có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm, Chi nhánh để cử người thực hiện trợ giúp pháp lý (đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, thông báo bằng văn bản đồng thời thông báo ngay bằng điện thoại). Nếu chưa có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông tin cho Trung tâm, Chi nhánh.
Trường hợp chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đề nghị Trung tâm, Chi nhánh cử ngay người thực hiện trợ giúp pháp lý (bằng văn bản thông báo).
(Còn nữa)