Pháp luật

Vai trò của Luật sư trong tham gia xây dựng các văn bản pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người dân

PV 06/10/2023 - 07:05

Nghề Luật sư ngày càng khẳng định vị trí và vai trò của mình trong đời sống xã hội. Hoạt động nghề nghiệp của Luật sư là hoạt động góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân chủ, công bằng và văn minh.

Luật sư tham gia xây dựng các văn bản pháp luật

Việc tham gia xây dựng pháp luật là một trong những nhiệm vụ của các Liên đoàn Luật sư, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, các Luật sư là thành viên. Bên cạnh đó, tại khoản 4 Điều 39 Luật Luật sư 2006 quy định tổ chức hành nghề Luật sư có quyền: “Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Như vậy, việc tham gia xây dựng pháp luật không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền của Luật sư trong hoạt động hành nghề.

luat-su-pham-thi-bich-hao-1-212658.jpg
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo tại một chương trình tuyên truyền phố biển giáo dục pháp luật ở Hà Nội

Nhận thức được nhiệm vụ và vai trò của mình trong việc góp phần xây dựng và hoàn thiện pháp luật, Thạc sĩ, luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đã tham gia đóng góp ý kiến về các dự thảo Luật đất đai sửa đổi, Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi, Luật đấu thầu sửa đổi….

Với những ý kiến đóng góp khi tham gia góp ý kiến vào dự thảo Luật tại Mặt trận tổ quốc thành phố Hà Nội, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Hội liên hiệp phụ nữ Hà Nội,…các ý kiến đã được tổng hợp và gửi về Ban soạn thảo.

Luật sư là những người đã đủ các tiêu chuẩn được quy định trong Luật luật sư như: có bằng cử nhân luật, được đào tạo nghề luật sư và đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, thi đạt kết quả trong kỳ thi tập sự hành nghề luật sư. Trong quá trình hành nghề tư vấn pháp luật, luật sư bào chữa, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng, luật sư sẽ tích luỹ kinh nghiệm hiểu biết về các lĩnh vực như đất đai, dân sự, hình sự, thủ tục hành chính...

Chính vì vậy, khi tham gia công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật là góp phần thực hiện sứ mệnh của Luật sư trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế và đưa các ý kiến vướng mắc từ quá trình hành nghề vào việc sửa đổi hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo đã tham gia góp ý các dự thảo luật như tham gia góp ý Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) do Đoàn luật sư thành phố Hà Nội tổ chức; tham gia góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức; tham gia góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại UBMTTQ Hà Nội…

Luật sư có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu của xã hội và yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần bảo vệ công lý, quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, phát triển kinh tế, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Hoạt động ngành nghề của Luật sư được quy định tại Luật Luật sư như thực hiện tư vấn pháp luật; tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp…

Chính vì việc thực hiện các hoạt động hành nghề nên Luật sư là những người hiểu rõ, nắm bắt được các bất cập, chồng chéo của các quy định pháp luật từ đó nhận ra được sự hạn chế của pháp luật để có đề xuất đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật về cải cách tư pháp, cải cách hành chính, và hội nhập kinh tế quốc tế. Luật sư thể hiện vai trò của mình trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật tham gia ý kiến để góp ý đối với các dự thảo luật góp phần đưa tiếng nói của nhân dân về thực tiễn thực hiện pháp luật đến với Nhà Nước.

Trợ giúp pháp lý cho người dân

Không chỉ trong hoạt động xây dựng và hoàn thiện pháp luật, luật sư còn có vai trò to lớn trong trợ giúp pháp lý cho người dân. Đây cũng là một trong những nghĩa vụ của Luật sư là thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý theo Điều 21 Luật Luật sư. Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định tại quy tắc 4.2: “Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý bằng sự tận tâm, vô tư và trách nhiệm nghề nghiệp như đối với các vụ việc có nhận thù lao”.

luat-su-pham-bich-hao.jpeg
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo tuyên truyền pháp luật cho học sinh tại trường THCS Lương Yên, quận Hai Bà Trưng

Hoạt động trợ giúp pháp lý là hoạt động vì người dân, người nghèo, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền, giới Luật sư đã góp phần phát huy uy tín, truyền thống của Luật sư Việt Nam, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội. Luật sư không nhận thù lao khi trợ giúp pháp lý, hoạt động này được các Luật sư thực hiện từ cái tâm của mình.

Thạc sĩ Luật Sư Phạm Thị Bích Hảo không chỉ là Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, mà còn là Chi hội phó Chi hội Luật sư vì quyền trẻ em của Hội. Những năm qua, cùng với các đồng nghiệp, Luật sư đã tư vấn, trợ giúp pháp lý cho rất nhiều trẻ em bị hại trong các vụ án xâm hại, bạo hành.

Bên cạnh trợ giúp pháp lý cho đối tượng trẻ em, luật sư còn tham gia trợ giúp pháp lý cho phụ nữ là đối tượng yếu thế với các buổi tuyên truyền pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình, Luật hôn nhân gia đình.

Vai trò của Luật sư bên cạnh hoạt động hành nghề còn có sứ mệnh đóng góp vào xây dựng nhà nước pháp quyền, trợ giúp pháp lý cho người dân. Với mỗi đóng góp của các luật sư là một bông hoa nhỏ góp phần vào xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phát triển, vì Nhân dân.

"Luật sư Phạm Thị Hảo là một Luật nhiệt tình trong công tác xã hội nói chung và là một trong những những luật sư có những đóng góp tích cực, bỏ rất nhiều công sức nghiên cứu để phục vụ công tác xây dựng pháp luật của Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội

Trong việc trợ giúp pháp lý cũng như tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, Luật sư Hảo luôn là người có nhiều tâm huyết trong lĩnh vực này. Khi trợ giúp pháp lý cho những đối tượng có nhu cầu, thì kiến thức pháp không thôi thì chưa đủ, đòi hỏi người Luật sư phải có lòng nhiệt tình, cởi mở và gần gũi, thân thiện với người dân, có như vậy công việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật mới thu được được kết quả cao. Trong công tác hỗ trợ pháp lý cho trẻ vị thành niên, Luật sư Hảo luôn thể hiện là một người tạo được sự tin tưởng, phụ huynh và các cháu là nạn nhân luôn đặt niềm tin vào sự nhiệt tình và sự gần gũi đối với Luật sư Hảo". - Luật sư Trần Thu Thủy, Ban hòa giải Đoàn luật sư thành phố Hà Nội chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vai trò của Luật sư trong tham gia xây dựng các văn bản pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người dân