Đời sống

Buôn bán thực phẩm nhiễm bệnh, không chỉ sai, mà là tội

Bảo Bảo 14/07/2025 - 14:43

Những ngày gần đây, dư luận cả nước không khỏi bàng hoàng trước thông tin liên tiếp về các vụ việc tiêu thụ lợn chết, lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi bị đưa ra thị trường tiêu thụ như thịt sạch.

Đáng lo ngại hơn, đây không còn là những vụ việc đơn lẻ, mà là dấu hiệu cho thấy sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận người chăn nuôi và thương lái, những người lẽ ra phải là mắt xích đầu tiên trong việc gìn giữ sức khỏe cộng đồng.

Người chăn nuôi, hơn ai hết, hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh trên vật nuôi. Nhưng thay vì hành xử có trách nhiệm, họ chọn cách lặng lẽ đẩy cái chết ra thị trường, mặc kệ ai là người ăn phải, mặc kệ hậu quả. Khi đạo đức nghề nghiệp bị che mờ bởi lòng tham, thì những quyết định sai lệch ấy không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đặt hàng triệu người vào vòng nguy hiểm.

Tại Hà Nội, ngày 30/6, lực lượng chức năng đã phát hiện cơ sở giết mổ của Lê Văn Tươi mỗi ngày mổ từ 40 đến 50 con lợn chết, phần lớn nghi nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Những con lợn không còn sự sống, bốc mùi, đáng lý phải được tiêu hủy theo quy định, lại được tuồn ra thị trường, ngang nhiên hiện diện trên mâm cơm của người dân dưới danh nghĩa “thịt tươi sống”.

Chỉ vài ngày sau, ngày 11/7 tại Phú Thọ, một xe tải chở 192 con lợn thương phẩm nặng hơn 17 tấn, đang trên đường vận chuyển về Hà Nội, bị lực lượng chức năng chặn lại. Người điều khiển phương tiện không xuất trình được giấy kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Kết quả xét nghiệm nhanh cho thấy 4 trong 5 mẫu lợn dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi. May mắn thay, toàn bộ số lợn đã được tiêu hủy ngay trong đêm, ngăn chặn kịp thời nguy cơ trở thành thực phẩm độc hại trên thị trường.

ddfd.png
Lực lượng chức năng giám sát quá trình tự tiêu hủy số lợn dương tính với Dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Chi cục QLTT tỉnh Phú Thọ.

Hai vụ việc cùng bản chất vi phạm chỉ trong một thời gian ngắn đã cho thấy thực trạng đáng báo động vì lợi nhuận, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận người chăn nuôi và kinh doanh thực phẩm đã bị vùi lấp. Họ không còn thấy ranh giới giữa thiệt hại kinh tế và trách nhiệm cộng đồng, giữa “mất của” và “đầu độc người khác”.

Thực tế cho thấy, không khó để lý giải vì sao những con lợn chết lại có “đường sống” trên thị trường. Đó là khi người chăn nuôi, vì sợ thiệt hại mà không báo cáo cơ quan chức năng để tiêu hủy lợn bệnh theo quy định. Đó là khi thương lái lợi dụng sự lỏng lẻo trong kiểm soát để mua rẻ, bán đắt. Và đó là khi người tiêu dùng, vốn chỉ biết chọn thịt bằng mắt thường, không đủ công cụ hay kiến thức để phân biệt thịt sạch với thịt nhiễm bệnh tại các khu chợ truyền thống.

Trước thực trạng này, điều tiên quyết là cần giáo dục lại đạo đức nghề nghiệp và ý thức cộng đồng cho người chăn nuôi và thương lái. Đừng để một vài đồng lợi nhuận ngắn hạn đánh đổi bằng sức khỏe, bằng niềm tin của xã hội và sự an toàn của hàng triệu người dân. Đồng thời, ở các chợ truyền thống, nơi phần lớn người dân vẫn quen mua thực phẩm cần có cơ chế kiểm tra, kiểm soát chất lượng thịt chặt chẽ hơn, tránh để người dân mua thực phẩm bằng niềm tin và bằng mắt thường.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra đột xuất tại các điểm giết mổ, các tuyến vận chuyển và đầu mối chợ dân sinh. Việc xử lý phải nghiêm minh và mang tính răn đe. Những hành vi đưa lợn bệnh ra thị trường không thể chỉ dừng ở xử phạt hành chính mà cần truy cứu trách nhiệm hình sự theo đúng tội danh “vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”, như vụ việc tại Hà Nội đã được khởi tố.

Về phía người tiêu dùng, cũng cần dần thay đổi thói quen lựa chọn thực phẩm. Việc mua thịt ở những nơi có uy tín, có truy xuất nguồn gốc, sẽ không chỉ là lựa chọn khôn ngoan cho bản thân, mà còn là hành động góp phần đẩy lùi thực phẩm bẩn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Buôn bán thực phẩm nhiễm bệnh, không chỉ sai, mà là tội