Cả nước hiện có khoảng 400.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp; đóng góp 40% GDP và tạo việc làm cho 52% người lao động.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện còn gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh như tín dụng, thị trường, mặt bằng sản xuất kinh doanh, thông tin.
Khu vực kinh tế tư nhân không chỉ là động lực quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn là chủ thể của các phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự hòa nhập của nền kinh tế tham gia sâu và rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy vậy, nếu so sánh với doanh nghiệp lớn hay các doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện còn gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh như tín dụng, thị trường,...
Cả nước hiện có khoảng 400.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp. Ảnh minh họa
Tại hội thảo “Chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa - tầm nhìn và hành động” diễn ra mới đây, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp nhận định, còn tồn tại thực trạng bất bình đẳng về điều kiện kinh doanh đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngay trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Dẫn chứng về một số văn bản đang gây khó cho doanh nghiệp, ông Sơn ví dụ: Thông tư số 13/2011/TT-BNN&PTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải “sản xuất tại quốc gia đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận đáp ứng các yêu cầu an toàn thực phẩm”, nhưng trong Luật An toàn thực phẩm không có quy định điều kiện này.
Trong một ví dụ khác, ông Sơn dẫn chứng Thông tư 23/2015/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng chỉ được sử dụng cho chính dự án đã được đăng ký, không được chuyển nhượng cho dự án hay doanh nghiệp khác, trừ trường hợp phá sản, giải thể hoặc chấm dứt hoạt động. Như vậy, Thông tư này vi phạm quyền sở hữu quyền tự do kinh doanh tạo ra lãnh phí, bất bình đẳng.
Theo ông Sơn, tình trạng “trên thảm đỏ” dưới “trải đinh” tại một số địa phương vẫn còn. Ví dụ như cuối năm 2015, Quảng Ninh ban hành 02 Quyết định (4088/2015/QĐ-UBND và 3625/QĐ-UBND) đặt ra một loạt các điều kiện, tiêu chí đối với các tàu thuyền kinh doanh du lịch trên Vịnh Hạ Long – Bái Tử Long như rút ngắn thời hạn (niên hạn) sử dụng các phương tiện thủy 05 năm - 10 năm. Quy định về điều kiện phòng cháy, chữa cháy đối với tàu lưu trú; phải có thiệt bị tự động báo cháy ở tất cả các buồng của tàu... Như vậy, phải có thêm bể chứa nước trên tàu, hệ thống dẫn nước và điều này không thể thực hiện được với các tàu đang hoạt động...Việc này vi phạm một loạt các điều khoản trong Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật du lịch..., làm “bức tử” nhiều doanh nghiệp nhưng lại tạo “sân chơi” cho các doanh nghiệp lớn.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới đánh giá về môi trường kinh doanh và chi phí tuân thủ thuế với doanh nghiệp Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 90/189 quốc gia, tăng 3 bậc so với năm 2015. Trong đó, chỉ số khởi sự kinh doanh tăng 6 bậc từ vị trí 125 lên 119; tiếp cận điện năng tăng 22 bậc từ vị trí 130 lên 108; tiếp cận tín dụng tăng 8 bậc từ vị trí 36 lên 28 và chỉ số nộp thuế tăng 4 bậc từ vị trí 172 lên mức 168. Tuy nhiên, chỉ số thương mại qua biên giới hay bảo vệ nhà đầu tư lại bị tụt bậc so với xếp hạng được công bố năm 2015. Điều này một phần nào phản ánh việc nhà đầu tư chưa đánh giá cao về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, cũng như những nỗ lực cải cách và đổi mới chính sách của các cấp, ngành trong việc tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp.
Trong Hội nghị Doanh nghiệp Việt Nam 2016, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã đề nghị Chính phủ có chương trình ưu đãi doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi sản xuất; tạo cơ chế phát triển kênh phân phối; tạo cơ chế khuyến khích phát triển các khu cụm công nghiệp đủ cơ sở hạ tầng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công…
Hồi đầu tháng 5 vừa qua, trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh Đảng, Nhà nước, Chính phủ coi doanh nghiệp tư nhân là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp Việt Nam cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu là đến năm 2020, cả nước có khoảng 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế. Khu vực tư nhân trong nước đóng góp khoảng 48-49% GDP; đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Rõ ràng để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ về chính sách từ phía các cơ quan chức năng. Trong bản dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (lần 4 ngày 30/5/2016) cũng đã dự thảo khá rõ ràng nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó bao gồm: Hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính; Hỗ trợ tiếp cận tín dụng tại các ngân hàng thương mại, quỹ và định chế tài chính khác; Thuế thu nhập doanh nghiệp; Nâng cao năng lực công nghệ; Đào tạo tư vấn thông tin; Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường...
Theo ông Lê Văn Khương –Trưởng phòng Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Cục phát triển doanh nghiệp- Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Nhà nước cần tạo điều kiện phát triển và môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; việc hỗ trợ cần có chọn lọc và có mục tiêu; cơ chế hỗ trợ cần công khai, minh bạch và bình đẳng để mọi doanh nghiệp nhỏ và vừa đều có cơ hội tiếp cận với nguồn lực hỗ trợ. Nhà nước dành kinh phí và huy động các nguồn lực khác để cùng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đồng quan điểm về vai trò hỗ trợ của Nhà nước, nhưng chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình lưu ý các dịch vụ/chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa là cần thiết, nhưng việc cung cấp các dịch vụ/chương trình hỗ trợ này không nên tràn lan và mang tính chất Nhà nước cho doanh nghiệp, vì dễ tiềm ẩn nguy cơ đi ngược lại với nguyên tắc thị trường và các hiệp định quốc tế như TPP, WTO…Nên chăng Nhà nước tham gia vào quá trình kiến tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các doanh nghiệp, chứ không chỉ đơn thuần là bảo hộ cho họ.