Món ăn "chỉ có ở Việt Nam" khiến 9 người nhập viện sau Tết

Thảo Nguyên| 06/03/2018 10:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vì ăn tiết canh - món ăn chỉ có ở Việt Nam, nhiều người đã bị nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ, với chi phí điều trị tốn hàng trăm triệu đồng.

Ngày 6/3, ThS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, từ ngày 15/1 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 9 người vào viện vì liên cầu lợn, trong đó có 5 ca nhiễm trùng máu, 4 ca viêm màng não mủ.

Rất may không có trường hợp nào tử vong, nhưng thời gian điều trị kéo dài và chi phí điều trị mỗi ca bệnh rất tốn kém.

Điều trị tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã được 4 ngày, bệnh nhân Vũ Văn B. (60 tuổi, ở Nghĩa Hưng, Nam Định) vẫn chưa hết đau đớn. Rải rác toàn thân bệnh nhân B. nổi ban tím, đỏ, tập trung nhiều ở vùng chân, bàn tay, mặt. Thậm chí, có chỗ còn nổi phồng, nứt nẻ. Các đầu ngón tay, chân có hoại tử, gáy cứng.

Món ăn

Bệnh nhân Vũ Văn B. đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Theo các bác sĩ tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhân B. được chuyển từ Bệnh viện Bạch Mai, nhập viện trưa ngày 2/3 với chẩn đoán nhiễm trùng máu, suy thận do nhiễm liên cầu lợn. Người nhà bệnh nhân cho biết, trước đó 10 ngày, ông B. giúp mổ lợn cho nhà hàng xóm có đám cưới , 6 ngày sau bệnh nhân bị sốt cao 39-40oC, da nổi ban hoại tử, không đại tiện, tiểu tiện được. Hiện, bệnh nhân bị hoại tử trên da, suy thận, phải điều trị kháng sinh đặc hiệu và lọc máu hỗ trợ.

Còn những bệnh nhân còn lại, qua khai thác tiền sử thì quá 50% có ăn tiết canh, hoặc lợn ốm và phần lớn là uống rượu nhiều năm nay.

“Bệnh nhân uống rượu nhiều, lâu năm sức đề kháng đã yếu, phủ tạng cũng đã suy nay thêm tác nhân liên cầu lợn thì tình trạng suy đa phủ tạng càng nặng nề hơn”, bác sĩ Cấp nói.

Bác sĩ Cấp cũng cho biết thêm, thời điểm người dân bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn nhiều nhất thường là vào dịp tết, lễ hội, khi mà mọi người tổ chức mổ lợn ăn uống, nhậu nhẹt nhiều.

Có một tỷ lệ khá cao bệnh nhân bị nhiễm liên cầu lợn có liên quan đến việc ăn tiết canh và đây cũng là một đặc trưng khá đặc biệt của nước ta vì hầu như trên thế giới chỉ ở nước ta mới có món ăn đặc biệt này.

Bác sĩ Cấp cho rằng, cảnh báo tiết canh nguy hiểm là không thừa, bởi ngoài nguy cơ nhiễm liên cầu lợn, tiết canh còn tiềm ẩn một loạt nguy cơ khác. Người mắc liên cầu lợn ban đầu không có dấu hiệu điển hình ngoài việc sốt cao, đau đầu, ớn lạnh, vì thế dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác khiến nhiều người chủ quan và nhập viện khi đã nặng. Không chỉ vậy, người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn dù đã được điều trị khỏi vẫn có thể bị tái nhiễm.

Trong khi đó, với những người bị nhiễm trùng huyết do nhiễm vi khuẩn này, việc điều trị thường kéo dài nhiều tháng với chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng.

Theo Bộ Y tế, trong năm 2017, cả nước ghi nhận 171 ca mắc bệnh liên cầu lợn, trong đó có 14 người tử vong. Bệnh có diễn biến cực kỳ nhanh chóng, gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa phủ tạng. Vi khuẩn này gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai.

Các chuyên gia cảnh báo một quan niệm của người dân cho rằng lợn do gia đình nuôi, lợn “cắp nách”, thả rông là lợn “sạch”, do đó có thể ăn tiết canh, đây là quan điểm sai lầm. Bởi bất kể giống lợn nào, được chăn nuôi trong điều kiện nào thì vẫn có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn. “Tỷ lệ mang S.suis không triệu chứng trong một đàn lợn khoảng 60-100%. Những người bị suy giảm miễn dịch và lợn bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh cao”, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Món ăn "chỉ có ở Việt Nam" khiến 9 người nhập viện sau Tết