Bên cạnh các định hướng và quy định mới của Hiến pháp về địa vị pháp lý của TANDTC thì cơ cấu tổ chức của TANDTC hiện nay đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập...
Các đơn vị của TANDTC hiện nay chủ yếu được tổ chức, cơ cấu thành các đơn vị tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo TANDTC trong việc điều hành các hoạt động của Tòa án mà chưa được tổ chức theo hướng thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Tòa án được Quốc hội giao.
Định hướng quan trọng
Theo Nghị quyết số 49-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị, cần xây dựng tổ chức bộ máy của TANDTC theo hướng tinh gọn với số lượng Thẩm phán từ 13 - 17 người, là những chuyên gia đầu ngành về pháp luật, có kinh nghiệm xét xử và có uy tín cao trong xã hội. Theo quy định của Hiến pháp mới thì TAND được giao thực hiện quyền tư pháp; TANDTC là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; các Thẩm phán TANDTC do Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm. Bộ máy giúp việc cho Chánh án TANDTC và Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần được tổ chức hợp lý để thực hiện có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm địa vị pháp lý của TANDTC là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp cao nhất của quốc gia và để phù hợp với quy định của Hiến pháp về việc Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC.
Trong dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), cơ cấu tổ chức của TANDTC không tổ chức các Tòa chuyên trách như hiện nay. Chức năng xét xử của TANDTC do Hội đồng Thẩm phán TANDTC đảm nhiệm và được tổ chức thực hiện theo quy định tại Điều 15 của dự thảo Luật, cụ thể: Các Hội đồng chuyên trách gồm 3 hoặc 5 Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ việc theo sự phân công của Chánh án TANDTC; Hội đồng toàn thể Thẩm phán TANDTC thực hiện giám đốc thẩm, tái thẩm đối với những vụ án đặc biệt quan trọng liên quan đến quyền con người, lợi ích quốc gia và hàm chứa những mối quan hệ phức tạp trong vụ án. Các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC trong những trường hợp này sẽ trở thành chuẩn mực pháp lý, có giá trị hướng dẫn chung đối với Tòa án các cấp theo nguyên tắc “các vụ án tương tự phải được xét xử và phán quyết như nhau”. Bên cạnh đó, để bảo đảm thực hiện được vai trò là cơ quan cao nhất trong hệ thống Tòa án với các chức năng, nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện quyền tư pháp, thì bộ máy giúp việc về chuyên môn, nghiệp vụ, hành chính tư pháp, quản lý và xây dựng ngành (bao gồm quản lý cán bộ, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ...) của TANDTC được thiết kế theo hướng có địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức hợp lý, khoa học để giúp TANDTC thực hiện tốt công tác xét xử, tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật và chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành nhanh gọn, thông suốt, có hiệu lực và hiệu quả cao các mặt công tác khác của hệ thống Tòa án.
Việc cơ cấu lại tổ chức của TANDTC hiện nay đang được Ban soạn thảo tiếp thu theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Luật Tổ chức Tòa án sửa đổi khi được Quốc hội thông qua phù hợp với Hiến pháp và các quan điểm, định hướng đã được xác định trong các văn kiện của Đảng về chức năng, nhiệm vụ của TANDTC; bảo đảm các điều kiện cần thiết để TANDTC có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị với những chức năng cụ thể hết sức quan trọng như giám đốc thẩm, tái thẩm, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tư pháp, quản lý các Tòa án về tổ chức.... Việc đổi mới tổ chức và hoạt động của TANDTC là điều kiện cần thiết để bảo đảm phục vụ kịp thời sự chỉ đạo nhanh nhạy và thông suốt của Chánh án TANDTC đối với công tác Tòa án, phù hợp với địa vị pháp lý của TANDTC đã được ghi nhận trong Hiến pháp là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Phát triển án lệ là nhiệm vụ cần thiết
Bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Hiến pháp giao cho TANDTC thực hiện. Thực tế hiện nay, nhiệm vụ tham mưu, giúp việc trong công tác xây dựng pháp luật và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật chủ yếu được giao cho Viện khoa học xét xử. Đơn vị này đã được giao thực hiện một nhiệm vụ quan trọng khác là nghiên cứu khoa học xét xử, trong khi các vấn đề cần hướng dẫn để áp dụng thống nhất trong công tác xét xử là rất lớn do những bất cập từ các quy định của pháp luật và những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn xét xử. Bên cạnh đó, nhiệm vụ hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật của TANDTC chủ yếu được thực hiện bằng việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (nghị quyết Hội đồng Thẩm phán, thông tư liên tịch ...). Việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của TANDTC thường gắn với công tác tổng kết kinh nghiệm xét xử, tổng kết các vấn đề vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn hoạt động xét xử của các Tòa án, đồng thời phải tuân thủ theo quy trình luật định. Do đó, tiến độ xây dựng, ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn, còn nhiều quy định của pháp luật cần có văn bản hướng dẫn thi hành và áp dụng thống nhất, nhưng đến nay TANDTC vẫn chưa ban hành được. Do đó, xây dựng và phát triển án lệ để áp dụng trong xét xử là vấn đề cần nghiên cứu và quy định trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).
Vì thế, tại điểm c, khoản 2, Điều 12 của dự thảo Luật đã quy định bổ sung nhiệm vụ của TANDTC là phát triển án lệ, trong đó, án lệ được xác định là các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC có nội dung, lập luận để giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra các quy tắc hoặc quy phạm pháp luật cần áp dụng trong vụ việc đó. Hội đồng Thẩm phán TANDTC sẽ lựa chọn những quyết định giám đốc thẩm chuẩn mực nhất ban hành làm án lệ để các Tòa án áp dụng, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. TANDTC có thể linh hoạt thay đổi án lệ khi có những thay đổi, phát triển của xã hội và pháp luật.
Việc quy định nhiệm vụ phát triển án lệ của TANDTC như trên, là sự cụ thể hóa nhiệm vụ “bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật” của TANDTC quy định tại Điều 104 của Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu phải kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm yêu cầu áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, khắc phục tình trạng quá tải và chậm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật của TANDTC hiện nay. Hơn nữa, việc công bố án lệ sẽ giúp người dân nắm rõ đường lối xét xử, dự báo được kết quả những vụ việc có liên quan đến quyền và lợi ích của họ.
Về phía Tòa án, tham khảo án lệ, phân tích thiếu sót trong những vụ án xét xử trước đó cũng sẽ giúp Thẩm phán rút kinh nghiệm, hạn chế việc kết án oan sai. Với việc phát triển án lệ và ràng buộc trách nhiệm của Thẩm phán và Hội đồng xét xử phải áp dụng án lệ khi xét xử, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án, chắc chắn sẽ hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc xét xử oan, sai, hạn chế việc “lách luật” do tiêu cực của những người tiến hành tố tụng, luật sư và những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó, về mặt xã hội, việc phát triển án lệ là một trong những phương thức hữu hiệu để bảo đảm công lý, góp phần duy trì, ổn định trật tự pháp luật trong đời sống xã hội.