Phác họa “chân dung” mới về học sinh như thế nào?

Ngô Chuyên| 13/04/2017 11:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Bộ GD-ĐT quyết tâm xây dựng “chân dung” học sinh mới bằng cách đổi mới phương pháp, nội dung học tập và đổi mới cả giáo viên.

Đây được xem là mục tiêu lớn nhất của chương trình, trên cơ sở đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực.

Chia sẻ về “chân dung” người học sinh mới GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nhấn mạnh: “Phẩm chất là đức và năng lực là tài. Đức được đo bằng hành vi ứng xử. Tài được đo bằng hiệu quả hành động”.

Phác họa “chân dung” mới về học sinh như thế nào?

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông gây chú ý với quyết tâm xây dựng "chân dung" học sinh hoàn toàn mới. Ảnh Hải Nam

Bên cạnh đó, GS Thuyết cũng đưa ra những mô hình giáo dục phổ thông của các nước có nền giáo dục tiên tiến ở phương Tây và một số nước châu Á. GS. Thuyết nói: “Phần lớn tài liệu của các nước phương Tây về giáo dục phổ thông không phân biệt phẩm chất mà chỉ đề cập đến năng lực. Trong khi một số nước châu Á có nêu ra một số phẩm chất, nhưng mỗi nước cũng chỉ nhấn mạnh một vài điểm. Chúng tôi đã dựa trên rất nhiều các tài liệu, cân nhắc để phản ánh được các giá trị phổ quát của thời đại và phù hợp với hệ thống phẩm chất, năng lực nói chung trong Chương trình giáo dục phổ thông”.

GS Thuyết cũng cho biết thêm, những tài liệu chính để dựa vào là tài liệu của OECD (năm 2005), EU (năm 2006) và WEF (2015). Sau đó, hệ thống hóa nội dung các tài liệu này đồng thời chắt lọc sao cho phù hợp với điều kiện nước ta.

Theo như dự thảo đưa ra lấy ý kiến bao gồm 6 phẩm chất và 10 năng lực.

6 phẩm chất chủ yếu học sinh cần hình thành và phát triển: “Yêu đất nước; yêu con người; chăm học; chăm làm; trung thực, trách nhiệm”.    

Phác họa “chân dung” mới về học sinh như thế nào?

Chân dung học sinh mới. Ảnh NC.

Còn về chức năng có 10 năng lực cốt lõi: Năng lực tự chủ và tự học; năng lực giao tiếp và hợp tác; năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Năng lực chuyên môn được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học, hoạt động giáo dục nhất định: Năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất.

Để đạt được chân dung người học sinh mới, theo GS Thuyết các em cần tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân. Các em phải rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được để phát triển”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phác họa “chân dung” mới về học sinh như thế nào?