Đừng “tham bát bỏ mâm”

Bảo Dân| 20/04/2017 06:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Năm 2016 vừa qua có đến 600.000 người lao động xin hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Như thế nghĩa là sẽ có 600.000 con người có nguy cơ túng bấn khi về già.

Họ sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội nếu không có công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Đây là những người lao động chịu nhiều thiệt thòi trong khi vẫn có một hướng giải quyết khác mà không ai hướng dẫn cặn kẽ cho họ thực hiện.

Sở dĩ 600.000 người muốn nhận thanh toán lương hưu một lần là do thực tế đời sống người lao động trong các khu công nghiệp còn khó khăn, tiền lương thực tế thấp nên họ muốn lấy tiền BHXH một lần để trang trải cuộc sống trước mắt, chưa nghĩ sâu xa khi tuổi cao sức yếu. Nhiều người lao động ở nông thôn vào làm việc một thời gian để tích lũy lấy ít tiền lương và tiền đóng BHXH làm vốn rồi về quê làm ăn. Lại có nhiều người lo xa, nếu có rủi ro gì thì sẽ mất hết quyền lợi nên cứ muốn nhận trước một khoản tiền cho chắc ăn.

Tâm lý của người lao động là thế bởi hiểu biết có hạn, chỉ nhìn cái lợi trước mắt chứ không tính chuyện lâu dài. Đây là thực trạng đang có xu hướng phổ biến trong những người lao động ở nước ta. Vậy các cơ quan chức năng phải có biện pháp gì để hạn chế trào lưu nhận tiền một lần này?

Trước hết là phải tuyên truyền phổ biến sao cho người lao động hiểu rõ các chính sách xã hội. Vấn đề này hiện chưa được quan tâm đúng mức, thể hiện ở khâu thông tin, tuyên truyền, giải thích chính sách chưa được triển khai rộng khắp, kịp thời nên người lao động chưa hiểu cặn kẽ được ý nghĩa, mục đích của các quy định mới của Luật BHXH năm 2014, đặc biệt là quy định về giải quyết BHXH một lần.

Đừng “tham bát bỏ mâm”

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi phân tích, tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm của người lao động bằng 2,64 tháng lương, nhưng nếu hưởng một lần thì chỉ được thanh toán bằng 2 tháng lương, mất đi 0,64 tháng lương mỗi năm. Chẳng hạn, một người đóng BHXH 20 năm rồi nhận 45 triệu đồng và về hưu, kiếm việc khác làm. Nhưng nếu công việc không đạt kết quả như mong muốn thì sẽ gặp khó khăn ngay. Và từ 60 tuổi trở đi, người đó không còn đủ sức khỏe thì sẽ làm gì để được hưởng 270.000 đồng của Nhà nước trợ cấp?

Người lao động có lương hưu sẽ có thu nhập ổn định hơn, bảo đảm cuộc sống khi về già. Ngoài lương hưu hằng tháng, người lao động còn được cấp thẻ BHYT, khám chữa bệnh đã có BHYT chi trả phần lớn chi phí. Khi người lao động qua đời, được  hưởng tiền tuất, trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm người lao động từ trần. Thân nhân người lao động cũng được nhận trợ cấp tuất một lần tối thiểu bằng 3 tháng lương hưu hiện hưởng. Đối với trường hợp có thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thì tối đa được 4 định suất; trong đó con nhỏ được hưởng cho đến khi trưởng thành, cha mẹ già được hưởng cho đến khi qua đời.

Ngoài ra, cón có quy định xin bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm, người lao động sẽ không nhận BHXH một lần mà bảo lưu thời gian đóng BHXH để có cơ hội nhận lương hưu khi về già. Đó là Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 về quyền lợi của người lao động. Quy định này khuyến khích người lao động bảo lưu, tích lũy thời gian đã đóng BHXH để có thể hưởng lương hưu thay cho việc nhận BHXH một lần.

Theo chính sách BHXH, người lao động tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện sẽ được lựa chọn để nhận BHXH một lần. Nhưng vì mục tiêu an sinh xã hội, Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 được xây dựng, theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đã đóng BHXH, tích lũy thời gian đóng BHXH trong quá trình lao động để có thể hưởng lương hưu hằng tháng, nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động.

Như vậy, việc tuyên truyền, vận động cần phải triển khai thường xuyên, liên tục. Công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng nhất để thực hiện nhiệm vụ chăm lo đời sống và bảo vệ quyền lợi của người lao động cũng nên quan tâm đến quyền lợi lâu dài của họ khi đã nghỉ việc; hạn chế thấp nhất số người nhận lương hưu một lần. Nghĩa là đừng “tham bát bỏ mâm”.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng “tham bát bỏ mâm”