Ly sữa định mệnh của đứa cháu bất đạo

An Dương| 15/01/2016 07:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bị cáo Phan Tấn Phong (SN 1987, ngụ quận 10, TP. Hồ Chí Minh) có khuôn mặt sáng sủa, hiền lành. Thế nhưng, không ai ngờ ẩn sau bề ngoài có phần ngây thơ ấy, Phong lại là một kẻ bất hiếu, nhẫn tâm đánh thuốc mê cả ông bà...

Nhằm mục đích chiếm đoạt những món đồ cổ quý hiếm do tổ tiên để lại. Hành vi “đại nghịch bất đạo” khiến ai dự khán phiên tòa cũng đều phải lắc đầu ngán ngẩm trước sự tuột dốc đạo đức của một bộ phận lớp trẻ ham chơi, mê hưởng thụ…

Câu chuyện được Phan Tấn Phong và bị cáo Lê Thị Xuân Quý (SN 1984 tại Lâm Đồng) khai tại phiên tòa ngày 12/1/2016 về hành vi cướp tài sản có nhiều tình tiết thật đau lòng. Phong sinh ra trong một gia đình nền nếp, lớn lên trong sự thương yêu của mọi người. Ông bà ngoại Phong là Nguyễn Văn Sơn (74 tuổi) cưu mang đứa cháu từ nhỏ, đưa về sống chung với ông cùng hai người chị của ông là bà Nguyễn Thị Khương và bà Nguyễn Thị Quyên tại số một căn nhà trên đường Ngô Quyền, phường 6, quận 10, TP. Hồ Chí Minh.

Phong được ăn học như bao người bình thường khác nhưng lại không tu chí làm ăn. Vào tháng 12/2013, Phong quen biết với Lê Thị Xuân Quý, nảy sinh tình cảm rồi đưa Quý về sống chung như vợ chồng tại nhà ông ngoại.

Đầu năm 2015, Phong cần tiền tiêu xài và vốn làm ăn nhưng lại không chịu lao động chân chính. Phong nghĩ cách kiếm tiền và sực nhớ ông Sơn đang sở hữu rất nhiều đồ cổ được tổ tiên nhiều đời truyền lại. Phong liền đề nghị ông bán đồ cổ lấy tiền giúp đỡ mình, tuy nhiên, yêu cầu không phù hợp của Phong bị cả gia đình từ chối.

Ly sữa định mệnh của đứa cháu bất đạo

Phong ngoái đầu nhìn người thân khi bị giải về trại giam 

Phong không chịu “bó tay”, trái lại bị cáo phác thảo một kế hoạch táo bạo: đánh thuốc ngủ ông bà rồi kêu người chở số đồ cổ trên đem đi bán. Phong dẫn người mua đồ cổ về nhà xem và định giá nhưng lại lừa dối ông Sơn là bạn của Phong đến chơi. Ông Sơn không hề hay biết đứa cháu ngoại đã thỏa thuận và kí hợp đồng bán số đồ cổ trong nhà với giá 1 tỷ đồng cho anh Nguyễn Trường Vũ, đã nhận cọc 100 triệu đồng vào ngày 8/3/2015.

Để thực hiện kế hoạch, Phong đến tiệm thuốc trên đường Phạm Thế Hiển mua hai viên thuốc ngủ. Về nhà Phong còn cẩn thận uống thử một viên để “thí nghiệm” tác dụng của thuốc hiệu quả đến đâu. Đến ngày 10/03/2015, Phong tiếp tục nhận 200 triệu đồng và đưa người về sắp xếp đồ cổ chuẩn bị chở đi. Phong lừa dối ông bà mình là thuê người dọn dẹp lại nhà cửa cho gọn gàng.

Phong đưa cho Quý 200 triệu đồng để cất giữ, đồng thời tâm sự với Quý về kế hoạch cho ông bà uống thuốc ngủ rồi  bán đồ cổ lấy tiền hùn vốn mua xe du lịch 50 chỗ để kinh doanh kiếm tiền lo cho ông bà. Ban đầu Quý không đồng ý, nhưng Phong vẫn thuyết phục và gây áp lực đòi chia tay nên Quý gật đầu nghe theo. Phong liền mua thêm hai viên thuốc ngủ về đưa cho Quý cất giữ, chờ cơ hội ra tay.

Khoảng 19h ngày 11/3/2015, Phong chở Quý từ chỗ làm về nhà, ghé mua hai chai nước nha đam. Khi về tới nhà, Phong kêu Quý đưa hai viên thuốc ngủ rồi lấy một viên tán nhuyễn, pha vào nước nha đam mời bà Khương, bà Quyên uống “giải nhiệt”. Sau đó, Phong tiếp tục cho thuốc ngủ vào sữa và đưa cho ông Sơn uống. Để tránh sự nghi ngờ về sự “quan tâm” thái quá, Phong cũng bảo Quý uống một ít để cùng ngủ với mọi người trong nhà.

Khoảng 30 phút, sau khi biết chắc mọi người ngấm thuốc mê man, Phong liền gọi điện cho anh Vũ đem xe tải đến chở số đồ cổ đi. Đến 22 giờ 30 cùng ngày, Quý thức dậy, Phong đưa cho Quý số tiền 700 triệu đồng và kêu Quý đem gửi cho ai đó đáng tin cậy cất giữ giúp cùng số tiền 200 triệu đồng lần trước. Quý mang số tiền này đến gặp anh Hân là Giám đốc Công ty nơi Quý đang làm việc nói là được gia đình bán đất chia cho và nhờ anh Hân giữ giúp. Số tiền 100 triệu đồng nhận cọc, Phong cho bạn tên Thuận 15 triệu đồng, cho mẹ ruột mình là bà Phượng 35 triệu đồng, phần còn lại Phong trả nợ và tiêu xài.

Đến sáng 12/3/2015, ông bà Phong tỉnh dậy thấy toàn bộ lô đồ cổ gia truyền đã “không cánh mà bay” liền trình báo Công an quận 10. Qua quá trình điều tra, chân tướng của đứa cháu bất hiếu đã lộ rõ.

 Trong phần xét hỏi tại phiên tòa, Phong và Quý đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Theo kết luận định giá số tài sản mà Phong đã bán, riêng bàn, ghế, giường, tủ bằng gỗ gụ được định giá 1,57 tỷ đồng, chưa kể các đồ cổ bằng sành, sứ, đồng thau chưa được giám định.

Dù bị đứa cháu đối xử rất bất hiếu nhưng ông bà Phong vẫn thương đứa cháu “lầm được lạc lối” và có đơn bảo lãnh, xin ân giảm cho hai bị cáo. Một người thân trong gia đình Phong chia sẻ: “Những đồ vật do tổ tiên để lại rất quý giá về tinh thần, gia đình luôn gìn giữ. Phong nhiều lần ngỏ ý, thuyết phục bán nhưng những người già trong gia đình không đồng ý. Không ngờ nó lại ra tay nhẫn tâm như vậy”.

Phongthừa nhận hành vi phạm tội nhưng HĐXX xét thấy cần điều tra, làm rõ Phong có sở hữu bao nhiêu phần trong số đồ cổ tang vật bị bán. Vì vậy, Tòa quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung tình tiết này. Phong bị áp giải ra xe về trại giam nhưng cố quay lại nhìn người thân bằng ánh mắt ân hận. Khi bị cáo cảm nhận được sự vị tha, tình cảm thiêng liêng mà ông bà dành cho mình thì bị cáo đã đi quá xa, ân hận cũng đã muộn màng…

(Tên người bị hại đã được thay đổi)

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ly sữa định mệnh của đứa cháu bất đạo