Chiếc áo dài trong công cuộc cách tân từng "than" rằng: “Thời trang, ôi, thời trang đã khiến tôi có lúc “cổ cao phủ kín”, có lúc lại “cổ ngắn lửng lờ”. Sao mà tội nghiệp cho thân tôi đến thế!”...
Hẳn nhiều thế hệ không quên hai câu thơ nổi tiếng trong bài thơ “Áo lụa Hà Đông” của Nguyên Sa mà sau này được phổ nhạc, và trở thành tên của bộ phim điện ảnh ăn khách cùng tên do nữ diễn viên Trương Ngọc Ánh thủ vai chính: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát / Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”.
Một hình ảnh đẹp về phụ nữ Sài thành xưa trong tà áo dài. Ảnh: Internet
Áo dài là của... riêng em
Nếu xường xám của Trung Quốc được coi là sexy, thì áo dài Việt Nam lại được mô tả như một cô gái e ấp, sexy trong kín đáo. Chiếc áo “hai phần gió, một phần mây” với phần trên ôm sát thân nhưng hai vạt buông thật mềm mại trên đôi ống quần rộng. Hai tà xẻ chít trên vòng eo giúp người mặc cảm thấy thoải mái khi cử động, đồng thời tạo dáng thướt tha, tôn vẻ nữ tính.
Không ngoa khi nói chiếc áo dài là chiếc áo “biến hình”, hay có “phép màu” để tôn nên vẻ đẹp riêng của mọi thân hình và “nữ tính hóa” bất kỳ cô gái nào. Chẳng thế mà dù mập hay ốm, dù cô gái bình thường bị coi là “ngổ ngáo”, chỉ cần khoác lên mình tà áo dài là có thể khiến trái tim của đấng mày râu rung rinh.
Áo dài có tính “cá nhân hóa” rất cao. Để may áo dài, người đi may phải được lấy số đo thật kỹ. Người thợ cũng phải tỉ mỉ từng chi tiết do đường nét và kiểu dáng rất riêng của nó. Và khi may xong, chiếc áo cần được mặc ướm lên người rồi sau đó được chỉnh sửa một lần nữa mới hoàn thiện.
Mỗi chiếc chỉ may riêng cho một người, dành cho riêng người đó; không thể có một công nghệ "sản xuất đại trà" cho chiếc áo dài. Theo những thợ may áo dài, phần khó nhất khi cắt may áo dài là lên “4 canh tà” (4 đinh áo) ở gần mông” vì áo dài phải mặc úp tà, hai tà trước sau phải đứng thẳng với nhau. Và để may được một chiếc áo dài đẹp đòi hỏi các khâu phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn với nhau.
Hoa hậu Đặng Thu Thảo đài các trong áo dài xưa. Ảnh: Internet
Áo dài trên đấu trường sắc đẹp
Khác với trang phục truyền thống của một số nước châu Á như hanbok của Hàn Quốc hay kimono của Nhật bản, chiếc áo dài Việt Nam có tính ứng dụng cao trong đời sống hàng ngày. Thiết kế đơn giản, trang nhã, nhưng vô cùng sang trọng, lịch sự, áo dài ngày nay không chỉ bị giới hạn trong các dịp lễ quan trọng mà trở thành đồng phục cho nữ sinh đi học, trang phục công sở, hay thậm chí cả trang phục dạo phố cho mỗi chị em.
Áo dài còn theo chân các mỹ nhân Việt đến các đấu trường sắc đẹp quốc tế. Trong các phần thi trang phục dân tộc, áo dài là lựa chọn số 1 của các người đẹp. Để truyền tải thông điệp về văn hóa, lịch sử, vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế, những bộ trang phục này thường được đầu tư kỳ công cả về công sức và tiền bạc.
HH Mai Phương Thúy trong trang phục áo dài đen đuôi công kết cườm và kim sa của NTK Việt Hùng tại cuộc thi Hoa hậu Thế gới 2006
Trong cuộc thi Hoa hậu Thế gới 2006, trong trang phục áo dài đen đuôi công kết cườm và kim sa của NTK Việt Hùng, HH Mai Phương Thúy đã lọt Top 20 thí sinh mặc trang phục dân tộc đẹp nhất của cuộc thi. Năm 2012, tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2012, bộ áo dài lấy cảm hứng từ rồng phương Đông với các họa tiết thổ cẩm đặc trưng của dân tộc miền núi phía Bắc được NTK Thuận Việt thiết kế cho Diễm Hương đã vinh dự lọt vào Top 10 Trang phục dân tộc đẹp nhất...
Nhà báo Dương Xuân Nam - nguyên Tổng biên tập Báo Tiền phong, người được mệnh danh là “Cha đẻ Hoa hậu Việt Nam”, hay “ông trùm Hoa hậu” - kể lại: “Năm 1988, trong cuộc thi Hoa hậu đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất do báo Tiền Phong tổ chức, chúng tôi đã tham khảo và áp dụng các tiêu chí, các phần thi của cuộc thi Hoa hậu Thế giới năm đó. Riêng phần thi Trang phục, chúng tôi đã quyết định thêm phần thi áo dài dân tộc Việt Nam vào, coi như phần thi bắt buộc. Đây cũng là một sáng kiến của chúng tôi, và các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam về sau đều có phần thi Trang phục Áo dài. Có thể nói, từ đó chiếc áo dài bắt đầu được chú ý hơn, và dần dần thực sự “lên ngôi”. Gần như các cuộc thi sắc đẹp ở Việt Nam đều có phần thi áo dài”.
Áo dài cách tân: Nên, nhưng...
Nhiều công trình nghiên cứu cho rằng, Chúa Nguyễn Phúc Khoát chính là người có công sáng chế chiếc áo dài và định hình chiếc áo dài Việt Nam, và kiểu sơ khai nhất của chiếc áo dài là chiếc áo giao lãnh... Trải qua một quá trình phát triển, thay hình đổi dạng để thích nghi với trào lưu và sự trường tồn của dân tộc, chiếc áo dài ngày càng trở nên xinh đẹp và có tính ứng dụng cao trong đời sống.
Trong thời kỳ toàn cầu hóa, việc cách tân chiếc áo dài trở thành vấn đề quan tâm của nhiều nhà thiết kế. Tuy nhiên, cho đến nay, điều này vẫn vấp phải nhiều sự chỉ trích của công chúng.
Nghệ sĩ Kim Tiến, trong vai trò “người mẫu” tham gia trình diễn tại Trong Lễ hội Áo dài diễn ra ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (từ 1/3-4/3), đã đánh giá cao ở tính ứng dụng, gần gũi với cuộc sống của chiếc áo dài. Tuy nhiên, bà cho rằng một số thiết kế áo sát nách “hơi đi quá xa” so với trang phục truyền thống.
Còn chị Lan Anh, một nhà thiết kế tay ngang, thích trang phục tối giản và thanh lịch nhận xét: “Việc cách tân áo dài cho phù hợp với cuộc sống, sinh hoạt và cả thẩm mỹ của các bạn nữ thời nay là một điều rất hợp lý và nên làm. Tuy nhiên, vì áo dài là một trang phục mang nét văn hóa dân tộc rất cao, nên để thay đổi được nó mà vẫn giữ được nét đẹp và nét thanh lịch trang nhã truyền thông vốn có thì cần có sự nghiên cứu, điều tra, cộng thêm cả phông văn hóa và thẩm mỹ thực sự tinh tế”.
Áo dài duyên dáng bên cây lộc vừng đang mùa thay lá. Ảnh: Tô Minh Pha
Xu hướng áo dài cách tân đang làm mưa làm gió hiện nay
Nguyễn Ngọc Sơn (Sơn Paris) - được bình chọn một trong 10 tác giả có sức ảnh hưởng nhất trong làng sách Việt Nam năm 2015 chia sẻ: “Không chỉ với bản thân Sơn mà chắc chắn bất cứ người đàn ông nào cũng thích ngắm nhìn những người phụ nữ Việt trong tà áo dài. Sự dịu dacàng, tinh khôi và quốc hồn quốc túy hiện lên chân phương trong trang phục ấy. Ngày nay, áo dài được cách tân với những chất liệu, hoa văn mới, mặc dù sang trọng, thời thượng và kiêu sa hơn nhưng vẫn không mang tải được nét đằm thắm, ngọt ngào của người phụ nữ bằng áo dài truyền thống”.
Nói về công cuộc “cách tân” chiếc áo dài, xin được trích một đoạn trong bài viết của nhà văn Lương Trọng Minh (viết năm 1993): “Theo thời trang, hình thù tôi cũng thay đổi nhiều. Lúc đầu thì tôi thùng thình thụng thịnh, lần lần “thắt đáy lưng ong”. Rồi tôi bị thu ngắn chiều dài, đến nỗi có bạn gọi tôi là “chiếc áo dài ngắn” hay áo “híppi choai choai”. Tôi buồn khi thấy mình mất đi vẻ thướt tha. Tai hại nhất là lúc tôi bị khoét cổ. Thời trang, ôi, thời trang đã khiến tôi có lúc “cổ cao phủ kín”, có lúc lại “cổ ngắn lửng lờ”. Sao mà tội nghiệp cho thân tôi đến thế!”...
Cuối cùng, xin nhắc lại, trong từ điển Oxford, từ “Áo dài” được giữ nguyên gốc, như một sự ghi nhận tính “độc nhất” của chiếc áo dài Việt Nam truyền thống. Bởi vậy, trong công cuộc toàn cầu hóa, dù cách tân đến đâu xin cũng giữ được hồn cốt của chiếc áo dài truyền thống - bản sắc văn hóa của người Việt Nam.