Sử dụng chất cấm là "giết chết" ngành chăn nuôi

Đắc Chuyên| 21/11/2015 07:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang là vấn đề nóng, việc làm này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, lòng tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với sự sống còn của ngành chăn nuôi Việt Nam.

Chất tạo nạc, chất tạo màu…là những chất cấm liên tục được các cơ quan chức năng phát hiện trong các mẫu thịt được bày bán tại thị trường cũng như ở những cơ sở chăn nuôi có quy mô nhỏ lẻ đến trang trại. Tình trạng này, không chỉ xảy ra ở một vài tỉnh có truyền thống và lợi thế về chăn nuôi mà xảy ra ở 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Nói thế để thấy rằng, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã trở nên tràn lan, báo động và cực kỳ nguy hiểm nếu không sớm ngăn chặn và có các biện pháp đẩy lùi.

Sử dụng chất cấm là

Sử dụng chất cấm là giết hại ngành chăn nuôi: Hình minh họa

Trước thực trạng trên, Bộ NN&PTNT đã tức tốc triển khai nhiều đợt thanh tra đột xuất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ở các địa phương trong cả nước. Kết quả cho thấy, nhiều cơ sở chăn nuôi sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn, sản xuất thuốc thú y không có trong danh mục.

Kết quả này nhanh chóng được công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng, gây sốc, hoang mang cho người tiêu dùng, và một lần nữa khẳng định, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang là vấn đề nhức nhối nhất hiện nay về VSATTP. VSATTP nói chung và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nói riêng khiến người tiêu dùng khổ sở, các cơ quan chức năng đau đầu.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế về ngộ độc thực phẩm, trong 9 tháng đầu năm 2015, có 90 vụ với 2.555 người mắc. Như vậy, bình quân mỗi tháng có gần 300 người bị ngộ độc thực phẩm. Rõ ràng, đây là một con số không hề nhỏ, gây thiệt hại lớn về sức khỏe, tài chính cho người tiêu dùng.

Hãy thử hình dung, nếu tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn vẫn diễn ra, lâu dần người tiêu dùng sẽ mất lòng tin, và việc họ quay lưng, tẩy chay các sản phẩm chăn nuôi trong nước là điều dễ hiểu. Ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ đi về đâu khi đánh mất thị trường trường trong nước, đó là chưa nói đến cơ hội vươn ra thị trường quốc tế càng mờ mịt khi phải đối mặt với hàng loạt các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ cũng như các quy định ngặt nghèo khác.

Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập TPP, các sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi ngoại ồ ạt vào thị trường trong nước, nguy cơ ngành chăn nuôi Việt Nam thất thế, thậm chí “chết” trên sân nhà vì những sản phẩm kém chất lượng là điều có thể nhìn thấy trước.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) khẳng định, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là vô trách nhiệm, vô lương tâm, việc này không chỉ hại người tiêu dùng mà còn hại chết cả ngành chăn nuôi. Ông Nguyễn Xuân Dương tỏ ra vô cùng lo ngại trước việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở Việt Nam hiện nay.

Vậy làm thế nào để hạn chế, ngăn chặn tiến tới chấm dứt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang là bài toán khó đặt ra với các cơ quan chức năng. Theo ông Dương muốn chấm dứt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cần sự vào cuộc của toàn xã hội.

Ông Dương đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các tổ chức, đoàn thể, cá nhân trong việc tố giác những cơ sở sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Với việc Bộ NN&PTNT lập ra đường dây nóng, ông Dương kỳ vọng sẽ sớm mang lại kết quả tích cực. Về phía các cơ quan chức năng cần đồng loạt kiểm tra các chất cấm trong chăn nuôi ở tất cả các khâu, từ khâu sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, trang trại chăn nuôi đến cơ sở giết mổ và cả cơ sở buôn bán thực phẩm, lấy mẫu kiểm tra để phát hiện kịp thời.

Còn người tiêu dùng thì ngay lập tức tẩy chay những sản phẩm nghi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, phải lựa chọn cơ sở cung cấp thực phẩm tin cậy. Ông Dương khuyến cáo, khi mua thịt, người tiêu dùng nên quan tâm đến màu sắc thịt, nếu sử dụng chất cấm màu sắc của thịt tươi thẫm hơn đó chính là sự khác thường. Người tiêu dùng nên cẩn trọng với loại thịt này.

Những người chăn nuôi cần nâng cao hơn nữa ý thức sản xuất ra những sản phẩm chăn nuôi sạch để tự nâng cao, bảo vệ thương hiệu sản phẩm chăn nuôi mình làm ra, việc này đồng nghĩa với bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng người tiêu dùng, người chăn nuôi cũng như đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển bền vững của ngành chăn nuôi nước nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng chất cấm là "giết chết" ngành chăn nuôi