Bệnh “lạ” tiếp tục diễn biến bất thường ở vùng núi Quảng Ngăi

T. Tràng| 11/06/2014 10:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Căn bệnh lạ ở Quảng Ngãi được khống chế có thể xem là thành tựu to lớn của ngành y tế trong năm 2012. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, chứng bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân lại tái bùng phát trở lại tại địa phương và đang diễn biến phức tạp.

Diễn biến ngày càng phức tạp

Ông Lê Hàn Phong, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết, mới đây bệnh “lạ” đã bùng phát trở lại tại Quảng Ngãi, bệnh nhân đầu tiên của đợt dịch lần này là ông Phạm Văn Trói (37 tuổi, ngụ thôn Làng Rêu, xã Ba Điền), nơi tâm điểm của căn bệnh này các năm qua. Bệnh nhân Trói nhập viện trong tình trạng bị tổn thương da bàn tay, bàn chân và men gan tăng.

Sau khi hội chẩn và tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng, Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ đã đưa ra kết luận bệnh nhân Trói mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Ngay sau khi có ca bệnh mới, trung tâm y tế huyện Ba Tơ đã chuyển bệnh nhân Trói xuống trung tâm điều trị, nhưng ông Trói không chịu, buộc huyện phải chỉ đạo xã cưỡng chế bệnh nhân vào điều trị nhưng bệnh nhân Trói lại xin về nhà lấy quần áo trốn lên núi, hiện vẫn chưa tìm được.

Bệnh “lạ” tiếp tục diễn biến bất thường ở vùng núi Quảng Ngăi

Bệnh lạ tái bùng phát ở Ba Tơ, Quảng Ngãi

Cũng theo ông Phong, gia đình bệnh nhân Trói có sáu người thì bốn người mắc hội chứng viêm da, và có một trường hợp tử vong là vợ của ông Trói. Bản thân bệnh nhân Trói cũng đã được điều trị tại trung tâm Y tế huyện Ba Tơ, bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện phong và da liễu Trung ương Quy Hòa nhưng nay tái phát. Toàn huyện lo lắng, bởi căn bệnh này đã từng rúng động toàn quốc, thậm chí các chuyên gia y tế thế giới cũng phải đau đầu vì mãi vẫn chưa tìm được nguyên nhân cụ thể, ngoài việc cho rằng do bệnh nhân ăn phải gạo bị mốc.

Khi ngành y tế còn đang tìm hiểu nguyên nhân tại xã Ba Điền thì bất ngờ bệnh lạ lại bùng phát ở một nơi khác. Bệnh nhân mới được phát hiện là chị Phạm Thị Tráo (21 tuổi, xã Ba Tô, huyện Ba Tơ), tiếp đến cũng tại xã Ba Tô, bệnh nhân Phạm Thị Lết (30 tuổi) được phát hiện trên tay chân đã có dấu hiệu của bệnh lạ. Chị Lết cho biết: “Mình bị thế này hơn một tháng rồi. Mới hôm kia mình ra trạm y tế xã khám thì mới hay mình bị bệnh lạ”.

Cơn hoang mang của người dân lên đến tột độ khi thông tin em Phạm Thị Huy (14 tuổi, xã Ba Nam, huyện Ba Tơ) đột ngột qua đời mà nguyên nhân chính là căn bệnh lạ từng hoành hành trên địa bàn. Trong đám tang của cháu Huy, không có mấy người làng đến đưa tiễn, họ sợ con ma bệnh sẽ ám vào người họ. Mẹ cháu Huy sợ hãi nói: “Kiểu này phải bỏ làng mà vào rừng trốn thôi, đợi khi nào con ma đi thì về”. Tính từ khi dịch bệnh bùng phát vào năm 2011, cháu Huy là bệnh nhân thứ 25 tử vong vì căn bệnh chưa rõ nguyên nhân này.

Nhiều chuyên gia y tế vào cuộc

Ngành y tế một lần nữa lại phải đặt trọng trách truy tìm nguyên nhân, xử lý dứt điểm căn bệnh quái ác này lên hàng đầu. Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi - Nguyễn Tấn Đức - chỉ đạo cho cán bộ y tế trên địa bàn tỉnh về tận nơi, trực tiếp tìm hiểu nguyên nhân. Ông Đức chia sẻ: “Khi nghe thông tin bệnh lạ xuất hiện, tôi đã nhanh chóng gửi đơn lên Bộ Y tế, đồng thời nhờ các chuyên gia ở bệnh viện Trung ương da liễu Quy Hòa ra huyện Ba Tơ phối hợp với ngành y tế trong tỉnh cùng với chính quyền địa phương tìm hiểu vì đâu bệnh lại bùng phát, trong lúc chờ chỉ đạo của Bộ Y tế”.

Các bác sĩ đóng tại làng Riêu hơn một tuần, cũng giống như đợt bệnh bùng phát hơn một năm trước, mọi thứ được kiểm tra kỷ trở lại. Các thầy cúng trong làng thấy bóng dáng bác sĩ cũng nhanh chóng lặn mất tăm. Những chiếc áo trắng của các chuyên gia đẫm mồ hôi, họ tất bật công việc với một thái độ khẩn trương. Một bệnh viện dã chiến được thiết lập ngay tại vùng bệnh với đầy đủ trang thiết bị. Người dân trong vùng có nguy cơ mắc bệnh được xét nghiệm kỹ càng, hơn hai mươi người có những biểu hiện của bệnh đó là men gan tăng, cơ thể có nhiều vết sần.

Tiếp đó, các chuyên gia kiểm tra nguồn nước, thức ăn, tập quán sinh hoạt của người dân trong tâm dịch Ba Điền, đồng thời cho một số chuyên gia đến các xã khác cũng đang bùng phát dịch để kiểm tra. Đồng thời, Sở Y tế Quảng Ngãi cũng gửi những mẫu gạo, nước, thức ăn, của người dân vùng bệnh đến các trung tâm y tế lớn trên toàn quốc để tìm căn nguyên. Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM đã công bố kết quả kiểm nghiệm các mẫu gạo được lấy ở vùng tái phát hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tại hai xã Ba Điền và Ba Nam (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi).

Kết quả xét nghiệm phát hiện có độc tố aflatoxin trong các mẫu gạo, lúa của dân ở những nơi xuất hiện bệnh này, hàm lượng cao gấp 25 lần so với mức quy chuẩn. Đáng lo ngại là trong số 10 mẫu gạo, lúa được kiểm nghiệm đều nhiễm nấm mốc và độc tố nấm mốc aflatoxin G1, B1, G2 và B2. Độc tố aflatoxin là một trong những tác nhân nguy hiểm, nếu nhiều quá mức quy chuẩn sẽ gây tổn hại đến nội tạng và có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Ngay sau khi có kết luận của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP. HCM, ngành y tế Quảng Ngãi đã phối hợp với địa phương thu hồi lượng gạo mốc và xin hỗ trợ gạo trắng cho người dân sử dụng. Ông Lê Hàn Phong, chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết “Huyện đã trình đơn lên tỉnh đề nghị khẩn cấp hỗ trợ gạo cho người dân vùng bệnh lạ để dập dịch nếu như nguyên nhân là từ gạo mốc”.

 

Phải có phác đồ điều trị bệnh

Ông Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết: “Để giải quyết triệt để căn bệnh nguy hiểm này, bước đầu tiên phải có phác đồ điều trị cho những bệnh nhân đã mắc bệnh, tiếp đó cấp gạo trắng cho người dân, thu hồi toàn bộ số gạo mốc người dân đang dự trữ. Đồng thời chỉ đạo các trung tâm y tế xã huyện theo dõi liên tục kịp thời báo cáo nếu các vùng có xảy ra những trường hợp tương tự”.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh “lạ” tiếp tục diễn biến bất thường ở vùng núi Quảng Ngăi