Bé gái 8 tháng tuổi bị chó ngao Tây Tạng nhà nuôi cắn tử vong

Thảo Nguyên| 20/07/2018 06:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thông tin từ Bệnh viện Việt Đức cho biết, vừa tiếp nhận trường hợp một bé gái 8 tháng tuổi bị chó ngao Tây Tạng nhà nuôi cắn bị thương ở vùng đầu và thái dương. Không may cháu bé đã không qua khỏi vì mất quá nhiều máu.

Theo TS Lê Việt Khánh - Phó trưởng khoa Cấp cứu Tiêu hoá, Bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân là bé gái 8 tháng tuổi (ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) được gia đình chuyển vào cấp cứu  trong tình trạng sốc mất máu hết sức nghiêm trọng, không đo được mạch và huyết áp, da nhợt. 

Gia đình cháu cho biết, cháu bé đang chơi ở nhà thì bị con chó ngao Tây Tạng được gia đình nuôi đã nhiều năm, nặng khoảng 40kg cắn. Mẹ cháu lao vào cứu bé, nhưng chị cũng bị chó cắn nhiều nhát vào tay. Ngay lập tức, bé được mẹ đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức.

Bé gái 8 tháng tuổi bị chó ngao Tây Tạng nhà nuôi cắn tử vong

TS Lê Việt Khánh -  Phó khoa Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: H.Quyên

Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành cầm máu, truyền dịch, ép tim, dùng thuốc chống tim. Tuy nhiên, trong quá trình cấp cứu, bé đã ngừng tim. Sau 2 tiếng cấp cứu không có hiệu quả, bé đã tử vong. Gia đình đưa thi thể bé về nhà mai táng.

TS Khánh cho biết, chó ngao Tây Tạng là chó cảnh, trọng lượng lớn được nhiều gia đình ở Việt Nam chọn nuôi. Tuy là chó nuôi nhưng bản tính hung hãn của chó vẫn còn. Vì vậy, khi nuôi gia đình phải tiêm phòng. Nếu cho chó ra ngoài đường, cần phải rọ mõm để tránh nguy hiểm cho người đi đường. Trường hợp nhà có trẻ nhỏ, cần hạn chế để trẻ tiếp xúc với chó. Nếu bé chơi với chó, phải có người lớn bên cạnh và rọ mõm chó để đảm bảo an toàn cho  bé.

Những năm qua, Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận nhiều trường hợp chó, gấu cắn gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Do đó, TS Khánh lưu ý mọi người rằng, khi bị chó mèo cắn chảy máu cần sơ cứu ban đầu bằng cách sát trùng, rửa sạch vết thương, cầm máu nếu vết thương chảy máu rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí.

Để chủ động phòng chống bệnh dại do chó mèo cắn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. 

2. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

3. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

4. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:

5. Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch -đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

6. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.

7. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

8. Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

9. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bé gái 8 tháng tuổi bị chó ngao Tây Tạng nhà nuôi cắn tử vong