TP. HCM: Không chăn nuôi gia súc, gia cầm trong cơ sở giáo dục

Đặng Hà| 02/12/2018 10:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sở GD-ĐT TP. HCM vừa có văn bản 4216/GDĐT-CTTT về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo nhà vệ sinh, cung cấp nước sạch và tăng cường vệ sinh môi trường trong ngành giáo dục.

Theo đó, để đảm bảo công tác an toàn thực phẩm, đảm bảo nhà vệ sinh, cung cấp nước sạch và tăng cường vệ sinh môi trường trong trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, Sở GD-ĐT đề nghị Thủ trưởng các đơn vị trường học thực hiện các nội dung sau:

Đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm: Bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp, căng tin trường học: chỉ lấy nguồn thực phẩm từ các đơn vị được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Đối với căng tin trường học: Không quảng cáo và kinh doanh nước ngọt có ga và các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe trong trường học. Không dùng vật liệu nhọn, sắc để xiên, ghim đồ ăn (ví dụ: que tre nhọn,…).

TP. HCM: Không chăn nuôi gia súc, gia cầm trong cơ sở giáo dục

Ảnh minh họa.

Việc bày bán đồ chơi cho trẻ cần đảm bảo: Đồ chơi được trang bị trong nhà trường phải đảm bảo chất lượng theo quy định tại các Điều 4, Điều 7 của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Các đồ chơi bày bán, trên sản phẩm phải có nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt các nội dung bắt buộc theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.

Đồ chơi được trang bị, sử dụng trong nhà trường phải đảm bảo an toàn khi sử dụng theo quy định tại Thông tư số 18/2009/TT-BKHCN ngày 26/6/2009 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành và thực hiện “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em”.

Đồ chơi được trang bị, sử dụng trong nhà trường phải phù hợp với thuần phong, mỹ tục và truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam; không mang tư tưởng bạo lực; phù hợp với tâm, sinh lý lứa tuổi và phát triển trí tuệ của trẻ em.

Đối với công tác đảm bảo nhà vệ sinh đạt chuẩn trong trường học: Thủ trưởng các đơn vị thực hiện rà soát thực trạng nhà vệ sinh trường học, lập phương án xây mới, sửa chữa, cải tạo nhà vệ sinh và công trình nước sạch theo các Tiêu chuẩn thiết kế (TCVN) và Quy chuẩn quốc gia (QCQG) (TCVN 3907:2011 “Trường mầm non - Yêu cầu thiết kế”: TCVN 8793:2011 “Trường tiểu học - Yêu cầu thiết kế”; TCVN 8794:2011 “Trường trung học - Yêu cầu thiết kế”; TCVN 01:2011/BYT “Nhà tiêu - Điều kiện đảm bảo hợp vệ sinh”), cho  năm học 2018 – 2019 (đính kèm hướng dẫn quy định nhà vệ sinh trong trường học).

Nhà trường tiến hành kiểm tra nhà vệ sinh, khu vệ sinh, bồn cầu, hệ thống nước xả, bồn rửa tay, vòi nước, hệ thống điện chiếu sáng trong nhà vệ sinh… nếu bị hư hỏng, xuống cấp, lên kế hoạch sửa chữa ngay trong năm học 2018 - 2019.

Chỉ đạo xây dựng và thực hiện nội quy sử dụng bảo quản nhà vệ sinh, các công trình nước sạch đúng cách nhằm bảo vệ, xây dựng môi trường trường học xanh sạch đẹp trong các cơ sở giáo dục.

Nhà vệ sinh phải được trang bị đầy đủ như: xà phòng rửa tay, giấy vệ sinh, hệ thống vòi nước rửa tay, gương soi,… Đáp ứng được nhu cầu sử dụng của học sinh: số lượng bồn cầu, bồn tiểu, bồn rửa tay,…

Thực hiện công tác khử mùi, khử khuẩn thường xuyên (trước giờ học sinh vào học, sau giờ ra chơi và cuối giờ ra về). Không để xảy ra tình trạng nhà vệ xuống cấp, ô nhiễm, bốc mùi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của học sinh.

Bảo đảm đủ số lượng, chất lượng nước uống và nước sinh hoạt cho học sinh, giáo viên trong nhà trường (theo QCVN 01:2009/BYT Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước ăn uống).

Nhà trường phải có kế hoạch kiểm tra bồn chứa nước định kì. Lập sổ theo dõi chế độ vệ sinh, súc rửa bồn chứa nước định kỳ hoặc khi bồn chứa nước không sạch.

Nhà trường phải có kết quả xét nghiệm của cơ quan chức năng. Nếu kết quả không đạt chỉ tiêu vi sinh, nhà trường phải thực hiện vệ sinh, súc rửa bồn chứa nước, lấy mẫu xét nghiệm lại chỉ tiêu vi sinh và báo cáo kết quả về Sở Giáo dục và Đào tạo và Trung tâm y tế quận – huyện.

Các trường học, cơ sở giáo dục phải có hợp đồng về việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác.

Bố trí đủ các phương tiện, dụng cụ có nắp đậy để phân loại, chứa đựng rác tạm thời trong trường; các phương tiện, dụng cụ phải thuận tiện cho việc vệ sinh và khử trùng.

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, thay đổi hành vi và kỹ năng về thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; phát động các phong trào “Xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp”, “Ngày hội vệ sinh trường học” trong các cơ sở giáo dục để giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, vệ sinh trường lớp, công trình vệ sinh.

Khu tập trung rác thải phải được bố trí cách biệt với các khu vực sinh hoạt, học tập, vui chơi, bếp ăn, căng tin và có lối ra vào riêng. Khoảng cách không dưới 25m với khu nhà chính và nằm ở cuối chiều gió.

Rác thải phải được thu gom hằng ngày và được vận chuyển tới nơi xử lý tập trung. Đối với các chất thải từ phòng y tế, hóa chất phòng thí nghiệm, khu chăn nuôi động vật thí nghiệm, khu vệ sinh phải tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý theo các quy định hiện hành. Không để rác thải, nước thải tồn đọng trong khu vực trường gây ô nhiễm môi trường.

Có thùng đựng và phân loại rác thải, có hệ thống thu gom và xử lý rác thải của phòng y tế, phòng thí nghiệm, đặc biệt là phòng thí nghiệm sinh học; khu nuôi, nhốt động vật thí nghiệm. Không thu gom lẫn rác thải, chất thải phòng y tế, trạm y tế, phòng thí nghiệm chung với hệ thống thu gom rác thải, chất thải sinh hoạt của cơ sở giáo dục.

Cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh không hút thuốc trong nhà vệ sinh và trong khuôn viên nhà trường.

Thực hiện việc quét dọn vệ sinh hằng ngày vào thời điểm trước và sau buổi học đối với các khu vực sử dụng chung như hành lang, sân trường hoặc lối đi lại trong cơ sở giáo dục.

Không chăn nuôi gia súc, gia cầm trong cơ sở giáo dục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. HCM: Không chăn nuôi gia súc, gia cầm trong cơ sở giáo dục