Những người tự tử là những người ích kỷ

Hoài Đan| 03/11/2014 07:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là nhận định của chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa khi nói về những trường hợp tự tử liên tiếp trong những ngày gần đây mà báo chí đã đưa tin.

Những người tự tử là những người ích kỷ

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa

Ông Hòa cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một người tìm đến cái chết để kết liễu đời mình. Có người do làm ăn thua lỗ, có người do mâu thuẫn gia đình…Nhưng, vì lý do gì đi chăng nữa thì những người tự tử là những người ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho bản thân mình mà không hề nghĩ cho người ở lại.

Họ nghĩ và tìm đến cái chết để giải thoát khỏi sự bế tắc trước mắt hoặc trốn tránh trách nhiệm trước pháp luật. Điển hình như vụ tự tử làm rúng động dư luận của ông Phạm Văn Thọ, 72 tuổi, ngụ thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau xảy ra ngày 30/10/2014. Sau khi dùng búa đánh liên tiếp 3 nhát vào đầu vợ, tưởng vợ đã chết, ông Thọ uống thuốc sâu để tự tử. Rất may, hàng xóm phát hiện kịp thời, đưa vợ chồng ông Thọ đi cấp cứu nên cả hai được cứu sống.

Về trường hợp này, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa phân tích: “ Hành động dùng búa đập liên tiếp 3 nhát vào đầu vợ là một hành động vô cùng dã man và ông ấy hoàn toàn nhận thức được điều đó. Vì thế, khi tưởng vợ đã chết ông ấy tìm cách tự tử với mục đích thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật, của miệng lưỡi thế gian và hơn hết là thoát khỏi bản án lương tâm của chính mình.

Nhưng, khi ông Thọ tự tử không thành, ông ấy sẽ phải đối mặt với tất cả những gì mà trước đó ông tìm đến cái chết để trốn tránh. Đó là điều còn đau đớn hơn cả cái chết, và nó sẽ ám ảnh ông suốt những tháng ngày còn lại của cuộc đời. Ông Thọ còn có nguy cơ mắc bệnh khi đã dùng thuốc sâu với một liều lượng đủ để giết người”.

Những người tự tử là những người ích kỷ

Hiện trường vụ phụ nữ đang mang thai phi cả người lẫn xe xuống sông Cà Lồ

Không chỉ bản thân những người tự tử thành công, hoặc không thành chịu lời đàm tiếu của xã hội mà người thân của họ cũng phải gánh chịu những điều đó. Ông Hòa dẫn chứng, có trường hợp con cái của người tự tử đã phải bỏ học khi không chịu được áp lực từ dư luận xã hội về cái chết của bố, mẹ mình. Thế nên, khi đang trò chuyện ông bỗng bỏ lửng câu nói: “Người chết là hết, nhưng còn người ở lại…”.

Sáng ngày 2/11 tại thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc một thai phụ đã lao xe xuống sông tự tử. Chỉ vì mâu thuẫn chuyện gia đình, người phụ nữ này đã tìm đến rượu, bất chấp sự ngăn cản của người thân trong gia đình nhà chồng, lấy xe máy đi ra đường rồi phi cả người và xe xuống sông để tự vẫn.

Có lẽ, giờ này, gia đình họ đang phải gánh chịu nỗi đau khi mất đi một lúc hai người thân. Những gương mặt ủ rũ, phờ phạc sau một đêm mất ngủ dõi theo lực lượng chức năng ngụp lặn tìm kiếm thi thể người gieo mình xuống sông tự vẫn là những hình ảnh mà chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa nhắc đến khi nói tới cái chết của người phụ nữ này.

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa thì tự tử là một hành động tiêu cực đến cực độ. Bởi, khi gặp chuyện khó khăn hay bế tắc, thay vì tìm cách giải quyết thì người ta lại hướng đến cái chết. Vì họ nghĩ rằng, nếu không tìm đến cái chết thì họ sẽ phải chịu nỗi khổ đó suốt đời. Chính suy nghĩ đó đã mang họ đến với cái chết rất nhanh, thậm chí chỉ trong một phút yếu lòng là mọi chuyện xấu nhất đã có thể xảy ra.

Người dân sống quanh khu vực chân cầu Nước Lên (phường An Lạc, quận Bình Tân, TP. HCM) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc đến cái chết của một người đàn ông đang đi bộ trên cầu rồi bất ngờ nhảy xuống kênh tự tử vào sáng ngày 2/11. Sau khi vớt được thi thể người tự tử, cơ quan chức năng đã tiến hành thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng để người thân đến nhận thi thể về mai táng theo quy định của pháp luật.

Trong khi những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đang giành giật sự sống từ ngày, từng giờ thì đâu đó vẫn có những người muốn kết liễu cuộc đời mình chỉ vì lý do này, lý do khác. Từ thực tế đó, ông Hòa đúc kết rằng, việc giáo dục ý thức cho mọi người rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ như chúng ta muốn mà có vô vàn những khó khăn đòi hỏi chúng ta phải có nghị lực để vượt qua. Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa khẳng định đối với mỗi người thì sự sống là quan trọng nhất. Vì vậy, ông đưa ra lời khuyên, khi phát hiện trong gia đình có người có ý định tự tử thì không nên coi đó là chuyện họ chỉ dọa chơi. Việc đó báo hiệu họ sẽ tử tự bất cứ khi nào có thể. Những người thân nên gần gũi, chia sẻ và giúp đỡ họ vượt qua khó khăn để tránh hậu quả đau lòng.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người tự tử là những người ích kỷ