Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm vụ phá rừng ở Pù Luông

Thanh Phương| 16/06/2016 12:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 16/6, ông Lê Quốc Việt, Phó Chi cục Kiểm Lâm Thanh Hóa cho biết, sau khi có thông tin phản ánh và tiến hành kiểm tra tại thực địa, việc phá rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông là có thật.

Theo đó, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra tại lô b, d, e, i, h, s; sinh khoảnh 1,2; tiểu khu 250 Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, thuộc địa bàn quản lý của thôn Kịt (xã Lũng Cao, huyện Bá Thước) cách trung tâm xã 26 km. Tại thời điểm kiểm tra có 11 cây gỗ từ N2 đến N7 bị gãy đổ và khai thác trái phép, tổng khối lượng thiệt hại 17,928 m3 gỗ tròn.

Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm vụ phá rừng ở Pù Luông

Gỗ bị đốn hạ nhưng kiểm lâm không hay biết, khi cơ quan báo chí phản ánh mới kiểm tra

Quan sát hiện trường thực địa về kích thước, mạch cưa, chiều dài lóng gỗ cho thấy, sản phẩm chủ yếu được đưa về tỉnh Hòa Bình để làm nhà; 4 cây bị khai thác trái phép đã được lực lượng kiểm lâm kiểm tra, phát hiện, đánh dấu sơn, lập hồ sơ và đang tiến hành phối hợp với chính quyền địa phương xử lý theo quy định của pháp luật.

Kết quả kiểm tra thực địa cho thấy, thông tin phản ánh khai thác gỗ trái phép tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông là có thật, tuy nhiên mức độ nhỏ lẻ.

Khu vực khai thác gỗ trái phép nằm giáp ranh với bản Nà Lụt, xã Pù Bin, huyện Mai Châu, Hòa Bình, nơi đây nhu cầu gỗ làm nhà của người dân là rất lớn. Do nằm cách xa trung tâm xã Lũng Cao, địa hình đi lại khó khăn nên lực lượng kiểm lâm có nhiều cố găng nhưng vẫn chưa kiểm soát và ngăn chặn triệt để tình trạng người dân vào rừng khai thác gỗ.

Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm vụ phá rừng ở Pù Luông

Một trong 4 cây gỗ lớn mới bị đốn hạ

Hiện Chi cục Kiểm lâm đã làm việc trực tiếp và chỉ đạo Hạt kiểm lâm Bá Thước, Kiểm lâm Pù Luông khẩn trương tổ chức truy tìm đối tượng khai thác gỗ trái phép để xử lý theo quy định của pháp luật. Kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông được thành lập năm 1999, với diện tích 17.662ha, gồm 13.320 ha phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, 4.343 ha phân khu phục hồi tái sinh và được đánh giá là khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị về khoa học, kinh tế xã hội và du lịch sinh thái cũng như có vai trò quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn sông Mã với hệ sinh thái, thảm động thực vật phong phú.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm vụ phá rừng ở Pù Luông