Ngày nay, việc đột quỵ dẫn tới tử vong đang ngày càng trẻ hóa. Một phần do yếu tố công việc, áp lực cuộc sống mà còn nhiều loại bệnh từ bên trong. Có người đang làm việc tại cơ quan, đột ngột cảm thấy choáng váng, chóng mặt, xây xẩm rồi bất tỉnh, sau đó được đưa vào bệnh viện cấp cứu hồi sức kịp thời và phát hiện bị rối loạn nhịp tim do hội chứng Brugada.
Hội chứng Brugada là tình trạng rối loạn nhịp tim hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm, có thể gây đột tử nếu không được xử trí kịp thời. Bệnh thường do di truyền và không có hoặc rất ít dấu hiệu báo trước mà chỉ có thể phát hiện thông qua điện tâm đồ.
Bệnh được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1992. Từ đó, các nhà khoa học đã tìm hiểu rất nhiều về tình trạng bệnh này, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề đang được nghiên cứu để tìm ra các phương pháp điều trị mới.
Hiện tại, cấy máy phá rung tự động là phương pháp tối ưu giúp người bệnh mắc hội chứng Brugada thoát khỏi nguy cơ đột tử do các rối loạn nhịp tim nguy hiểm gây ra. Kỹ thuật này lần đầu tiên được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa vào năm 2016 và đến nay đã được thực hiện thường quy.
Ca bệnh gần đây nhất được các bác sĩ khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa thực hiện kỹ thuật cấy máy phá rung tự động thành công là một trường hợp khá đặc biệt, bệnh nhân Lê Văn Thiều (28 tuổi, Thiệu Phú, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) đồng thời cũng chính là Kỹ thuật viên khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, người đã được cứu sống một cách ngoạn mục và hồi phục thần kỳ sau khi bị ngừng tim đột ngột trong lúc ngủ.
Kỹ thuật viên Thiều là một nam thanh niên có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh, anh chưa từng có các triệu chứng của bệnh lý về tim mạch. Hàng ngày anh rất chăm chỉ và bận rộn với công việc phục vụ bệnh nhân tại phòng chụp X-quang của khoa Chẩn đoán hình ảnh. Vào 04h30 phút sáng ngày 31/01/2024, anh đột ngột mất ý thức, toàn thân tím tái khi đang ngủ nên đã được người thân đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim, đồng tử 2 bên giãn tối đa, phản xạ ánh sáng yếu, tiên lượng hết sức nặng nề.
Sau gần 1 tiếng nỗ lực cấp cứu ngừng tuần hoàn của đội ngũ y bác sĩ Trung tâm Cấp cứu, anh Thiều có nhịp tim trở lại. Sau đó, anh được chuyển về khoa Hồi sức tích cực 1 – Chống độc để tiếp tục theo dõi và điều trị. Tại đây, Kỹ thuật viên Thiều tiếp tục xuất hiện thêm các lần ngừng tim, ngừng thở, hôn mê sâu, toan chuyển hoá nặng và phụ thuộc thuốc vận mạch liều cao để duy trì nhịp tim, huyết áp.
Các bác sĩ đã cùng lúc phải thực hiện nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu của chuyên ngành Hồi sức tích cực để duy trì sự sống cho anh như: Cấp cứu ngừng tuần hoàn nâng cao, đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm, đặt huyết áp động mạch xâm lấn, hạ thân nhiệt chỉ huy đưa nhiệt độ cơ thể về 33 độ C để bảo tồn các chức năng não bộ và lọc máu liên tục.
Nhờ có sự nỗ lực cấp cứu và điều trị tích cực của đội ngũ các y bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực 1 – Chống độc, sau 20 ngày chiến đấu với “tử thần”, Kỹ thuật viên Thiều đã hồi phục thần kỳ, tỉnh táo hoàn toàn mà không để lại di chứng. Qua kết quả khảo sát và làm các xét nghiệm cần thiết, anh Thiều được chẩn đoán mắc hội chứng Brugada.
Để dự phòng những cơn loạn nhịp tim nhanh thất khiến nguy cơ đột tử có thể xuất hiện trong tương lai, ngay sau khi sức khỏe ổn định, ngày 15/3 các bác sĩ Khoa Nội tim mạch đã chỉ định cấy máy phá rung tự động (ICD) cho Kỹ thuật viên Thiều.
Ca phẫu thuật được thực hiện trong vòng 1,5 giờ đồng hồ. Sau khi cấy máy phá rung tự động kết hợp với điều trị nội khoa, hiện sức khỏe của Kỹ thuật viên Thiều ổn định, không đau ngực, khó thở, huyết động ổn định và đã được xuất viện. Anh cũng đã sẵn sàng để quay trở lại với công việc hàng ngày, phục vụ bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thế Anh, Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá cho biết: Hàng năm, khoa Nội Tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá tiếp nhận cấp cứu và điều trị cho nhiều trường hợp mắc các bệnh lý liên quan đến rối loạn nhịp tim nguy hiểm. Có người đang làm việc tại cơ quan, đột ngột cảm thấy choáng váng, chóng mặt, xây xẩm rồi bất tỉnh, sau đó được đưa vào bệnh viện cấp cứu hồi sức kịp thời và phát hiện bị rối loạn nhịp tim do hội chứng Brugada.
Có những người đang ở nhà thì đột ngột bị gồng người, trợn mắt và bất tỉnh. Đa số bệnh nhân đều dưới 40 tuổi và chưa biểu hiện có bệnh tim trước đó. Để phòng ngừa cho những bệnh nhân này không bị đột tử, các bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh cần đặt máy phá rung tự động trong người. Máy này được đặt trong cơ thể bệnh nhân từ 7-10 năm
Người bệnh nào có nhiều cơn rối loạn nhịp, máy phải làm việc nhiều, tuổi thọ của pin ngắn hơn. Khi pin hết sử dụng được sẽ thay máy mới. Thời gian đầu được đặt máy, người bệnh luôn cảm thấy lo lắng nhưng dần dần sẽ thích nghi được. Trong thời gian được đặt máy, bệnh nhân có bất cứ lo lắng gì nên đến bệnh viện để được khám lại.
Để phòng bệnh tim mạch nói chung, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thế Anh cũng khuyến cáo người dân nên sống lành mạnh như có chế độ ăn ít chất béo, nhiều rau củ, ăn nhạt, bỏ thuốc lá, tránh môi trường có khói thuốc lá, hạn chế stress trong công việc. Nên tập thể dục mỗi ngày, tối thiểu 30 phút như đi bộ, chạy bộ, tập thể dục thể thao. Nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị bệnh lý tim mạch.