Kinh tế

Những giải pháp trong thực thi quy định mới của EU về chống phá rừng

Minh Lý 04/11/2023 - 22:10

Ngày 4/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Kế hoạch hành động thích ứng với Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EU). Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị.

Đối mặt với thách thức trong thực hiện quy định mới của EU

Quy định mới của EU về chống phá rừng bắt buộc các doanh nghiệp xuất khẩu phải đảm bảo các sản phẩm được bán ở thị trường EU không dẫn đến nạn phá rừng và làm suy thoái rừng. Các sản phẩm chịu sự điều chỉnh của quy định mới gồm: cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cao su kể từ sau ngày 31/12/2020 từ các quốc gia vào EU. Các sản phẩm thuộc nhóm hàng hóa vừa nêu nếu liên quan tới hành động phá rừng đều sẽ bị cấm nhập khẩu vào thị trường này.

Khó khăn lớn nhất mà các chuỗi cung ứng nông sản tại Việt Nam đang gặp phải trong thực hiện quy định mới của EU là việc cơ sở dữ liệu định vị diện tích rừng; truy xuất nguồn gốc; triển khai hệ thống giám sát chống phá rừng.

Đại diện các hiệp hội và địa phương đều cho rằng, để thích ứng với Quy định chống phá rừng của EU cần giải quyết vấn đề truy xuất nguồn gốc.

Tại hội nghị, Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam Đỗ Hoàng An cho biết, Việt Nam có tổng diện tích cà phê trên 700.000ha, trong đó, 32.000ha tập trung thuộc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước quản lý; 668.000ha còn lại phân tán nhỏ lẻ, không tập trung.

Theo ông An, phần diện tích tập trung sẽ tiến hành truy xuất nguồn gốc dễ dàng, tuy nhiên, khó khăn nhất lúc này là phần diện tích không tập trung, dẫn đến truy xuất sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi Quy định EUDR chính thức có hiệu lực.

Đối với cây ca cao, diện tích trên 5.000ha, sản lượng khoảng 5.000 tấn/năm, chủ yếu trồng xen dừa, cây ăn quả. Theo ông An, tình trạng phá rừng để trồng ca cao chiếm tỷ lệ khá ít hoặc không có.

Để thích ứng với quy định EUDR, ông An cho rằng, phải xác định từ thời điểm 3/12/2020 đến nay có diện tích phá rừng để trồng cà phê hay không? nếu có thì phải xử lý triệt để vấn đề này.

toan-canh-hoi-nghi..png
Toàn cảnh Hội nghị.

Thứ hai, để truy xuất nguồn gốc tại vườn phải áp dụng phương pháp đầu tư công - tư, bởi việc truy nguồn gốc chiếm chi phí rất cao.

Tiếp nữa, Bộ NN&PTNT và Bộ TN-MT cần ban hành cơ sở dữ liệu vườn trồng đạt tiêu chuẩn và được EU công nhận, từ đó có cơ sở để triển khai trong thời gian tới.

Dẫn chứng những thách thức đối với ngành hàng cà phê trong thực hiện quy định mới của EU về chống phá rừng, bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Chương trình Cảnh quan Bền vững cho rằng: "Cần tăng cường giám sát bảo vệ rừng theo vùng rủi ro thấp, rủi ro trung bình và rủi ro cao, qua đó xây dựng cơ chế phản hồi thông tin, tăng cường năng lực cho đội ngũ bảo vệ rừng, tái sinh rừng, kết hợp giải pháp hỗ trợ mô hình sinh kế trong nông hộ, đặc biệt là hỗ trợ mô hình nông dân đã gây mất rừng và các hộ nông dân ở các vùng nguy cơ cao về mất rừng".

Trong bối cảnh chỉ còn chưa tới 18 tháng trước khi quy định mới của EU được thực hiện, bởi sau ngày 31/12/2024 nông sản chỉ được nhập vào EU nếu toàn bộ quy trình không diễn ra trên diện tích rừng bị chặt phá kể từ sau ngày 31/12/2020, một số đại biểu cho rằng, việc rà soát các vùng rủi ro trong chuỗi cung ứng nông sản liên quan tới nông hộ là rất cần thiết. Theo đó, cần có chiến lược, kế hoạch chi tiết và cụ thể trong thu thập và xử lý thông tin của hàng triệu nông hộ theo quy định mới về chống phá rừng.

Giải pháp thích ứng với Quy định chống phá rừng của EU

Chia sẻ về giải pháp của ngành trồng trọt trong việc đáp ứng và giảm thiểu rủi ro khi thực hiện EUDR, bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc Vùng Cảnh quan châu Á, Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) cho rằng, để hỗ trợ nông nghiệp Việt Nam không gây mất rừng, minh bạch và bền vững, thích ứng với yêu cầu của EUDR cần gói giải pháp đáp ứng với EUDR và gói giải pháp giảm thiểu rủi ro.

Với giải pháp đáp ứng với EUDR, bà Trần Quỳnh Chi cho rằng, cần có hệ thống thông tin rừng, hệ thống thông tin vùng sản xuất, vấn đề pháp lý trong sử dụng đất và áp dụng truy xuất nguồn gốc.

Theo bà Trần Quỳnh Chi, giảm thiểu rủi ro mất rừng là giải pháp quan trọng. Theo đó sẽ chứng minh sản phẩm cà phê, cao su Việt Nam 100% đáp ứng yêu cầu không gây mất rừng, suy thoái rừng. Như vậy, Việt Nam cần đối thoại với EU để chuyển Việt Nam sang mức rủi ro thấp, từ đó giảm mức độ yêu cầu; giảm mức độ yêu cầu về truy xuất nguồn gốc; đạt được tác động bảo vệ và tái sinh rừng, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quan hệ và Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), cần đẩy mạnh truyền thông để các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân hiểu rõ quy định mới về chống phá rừng, suy thoái rừng khi sản xuất, kinh doanh xuất khẩu nông sản, đồng thời phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương và người dân trong phối hợp thực hiện.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thích ứng với Quy định EUDR, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN&PTNT đã có nhiều cuộc trao đổi chuyên sâu với các đơn vị kĩ thuật và cơ quan lãnh đạo của Ủy ban châu Âu, đồng thời tham vấn với các đơn vị, tổ chức quốc tế và các cơ quan chuyên môn để xây dựng Khung kế hoạch hành động thích ứng với EUDR.

Ngày 29/6/2023, Bộ NN&PTNT đã ký kết Bản ghi nhớ với Sở NN&PTNT của 5 tỉnh Tây Nguyên, Hiệp hội ngành hàng, tổ chức IDH và công ty JDE Peets để hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất không gây phá rừng, suy thoái rừng; sản xuất bền vững kết hợp với các mục tiêu bảo tồn tài nguyên và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Tiếp đó, Bộ NN&PTNT đã có Văn bản số 4572 ngày 13/7/2023 gửi các đơn vị trực thuộc, và Văn bản số 5179 ngày 1/8/2023 về việc triển khai Khung kế hoạch hành động thích ứng với Quy định không gây mất rừng EU.

thach-thuc-trong-trien-khai-he-thong-giam-sat-chong-pha-rung.-anh-minh-hoa-.png
Thách thức trong triển khai hệ thống giám sát chống phá rừng. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp chủ động thích ứng với sự thay đổi trong đó có quy định mới của EU về chống phá rừng và suy thoái rừng. Đây là cơ hội để cấu trúc lại ngành hàng liên quan tới rừng, tới lâm nghiệp như: cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ. Chống phá rừng và suy thoái rừng không chỉ là quy định của EU mà đây là xu thế của thế giới trong tăng trưởng Xanh, hướng tới nền kinh tế nói chung, nông nghiệp nói riêng minh bạch, trách nhiệm và phát triển bền vững.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Mỗi sự thay đổi đều có những khó khăn, nhưng nếu không thay đổi thì còn khó khăn hơn nữa, các hiệp hội ngành hàng đều hiểu được điều đó. Thành công hay không là nhờ vào việc chúng ta có tư duy và hành động hệ thống, hệ thống càng rộng theo chiều ngang, càng dài theo chiều dọc cần phải có tư duy gắn kết giữa Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành; giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế; giữa trung ương với các địa phương, giữa hai tác nhân rất lớn là doanh nghiệp và cộng đồng người dân sản xuất những mặt hàng liên quan đến quy định này".

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của EU trong thời gian qua, đã góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi ngành nông nghiệp Việt Nam theo hướng phát triển "minh bạch, có trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những giải pháp trong thực thi quy định mới của EU về chống phá rừng