WHO: 26 triệu người ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cần được hỗ trợ nhân đạo

Nhật Minh| 15/02/2023 08:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Giám đốc khu vực châu Âu của WHO nhấn mạnh nhu cầu hỗ trợ nhân đạo ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là rất lớn khi khoảng 26 triệu người ở cả hai nước này cần được hỗ trợ nhân đạo. “Nhu cầu rất lớn, tăng lên từng giờ", ông Kluge nhấn mạnh.

Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 14/2 đã đưa ra đánh giá về trận động đất kinh hoàng xảy ra tuần trước với tâm chấn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ông, đây là "thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất" trong 100 năm qua tại châu Âu.

Đại diện của WHO tại châu Âu phụ trách 53 quốc gia, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Syria nằm trong phạm vi theo dõi của Văn phòng WHO tại vùng Đông Địa Trung Hải.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, ông Hans Henri P. Kluge nêu rõ: "Chúng ta đang chứng kiến thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong một thế kỷ ở khu vực châu Âu mà văn phòng WHO phụ trách. Chúng tôi vẫn đang đánh giá mức độ nghiêm trọng của trận động đất".

Ông Kluge cho biết WHO đã "triển khai các đội y tế khẩn cấp quy mô lớn nhất" trong lịch sử 75 năm qua của Văn phòng châu Âu của WHO. Cho đến nay, 20 đội y tế của WHO đã đến Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ phối hợp với các nỗ lực ứng phó y tế mà Thổ Nhĩ Kỳ đang triển khai.

WHO: 26 triệu người ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cần được hỗ trợ nhân đạo

Nhu cầu hỗ trợ nhân đạo ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là rất lớn khi khoảng 26 triệu người ở cả hai nước này cần được hỗ trợ nhân đạo

Giám đốc khu vực châu Âu của WHO nhấn mạnh nhu cầu hỗ trợ nhân đạo ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là rất lớn khi khoảng 26 triệu người ở cả hai nước này cần được hỗ trợ nhân đạo. “Nhu cầu rất lớn, tăng lên từng giờ", ông Kluge nhấn mạnh.

"Có những lo ngại ngày càng tăng về các vấn đề sức khỏe mới nổi liên quan đến thời tiết lạnh, an toàn vệ sinh, và sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm với những người dễ bị tổn thương", ông Hans Henri P. Kluge cho hay.

Ông cũng cho biết giai đoạn giải cứu sắp kết thúc, trọng tâm tới đây sẽ là tìm nơi trú ẩn, cung cấp thực phẩm và dựng các trường học.

Mới đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thừa nhận đã có những vấn đề trong phản ứng ban đầu của chính phủ đối với trận động đất mạnh 7,8 độ xảy ra vào sáng 6/2 nhưng cho biết tình hình đã được kiểm soát.

"Chúng ta đang đối mặt với một trong những thảm họa thiên nhiên lớn nhất không chỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ mà còn trong lịch sử nhân loại", ông Erdogan phát biểu trên truyền hình ở Ankara.

Theo báo cáo công bố cuối tuần của Hiệp hội Kinh doanh và Doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, trận động đất mạnh nhất trong gần một thế kỷ khiến nước này có thể thiệt hại tới 84,1 tỷ; trong khi một quan chức Chỉnh phủ đưa ra con số là hơn 50 tỷ USD.

Cụ thể, con số về mức độ thiệt hại do động đất mà Hiệp hội Kinh doanh và Doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm 70,8 tỷ USD cho việc xây dựng lại hàng nghìn ngôi nhà, 10,4 tỷ USD là thiệt hại đối với nguồn thu quốc gia và 2,9 tỷ USD do ảnh hưởng đến ngày làm việc. Thiệt hại chủ yếu là do việc xây dựng lại nhà cửa, hệ thống truyền tải và cơ cở hạ tầng và việc đáp ứng nhu cầu nhà ở trong ngắn, rung và dài hạn của hàng trăm nghìn người bị mất nhà cửa.

Tổng thống Tayyip Erdogan đã nói Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hoàn tất việc xây dựng lại nhà cửa trong vòng một năm và sẽ soạn thảo chương trình hồi sinh đất nước.

Khoảng 13,4 triệu người sinh sống tại 10 tỉnh bị ảnh hưởng của động đất, chiếm 15% dân số Thổ Nhĩ Kỳ và đóng góp gần 10% GDP.

Theo Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Mahmoud Mohieldin, sau những tác động ban đầu trong vài tháng tới, đầu tư từ lĩnh vực công và tư trong việc tái thiết đất nước có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế và các quan chức ước tính trận động đất có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay tới 2 điểm phần trăm.

Trước trận động đất, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ước tính tăng trưởng đạt mức 5% trong năm 2022 và 5,5% trong năm 2023.

Israel nối lại các chuyến bay thẳng đến Thổ Nhĩ Kỳ

Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 14/2, Ngoại trưởng Israel Eli Cohen thông báo: Từ ngày 16/2, ba trong số các hãng hàng không chính của Israel sẽ nối lại các chuyến bay tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Cohen cho biết hai bên đã thảo luận về các bước để đưa quan hệ song phương sang giai đoạn tiếp theo, hướng tới khôi phục quan hệ về mức cũ.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Israel cho biết thêm ngay ngày đầu tiên xảy ra trận động đất tàn khốc ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần trước, nước này đã cử một đội cứu hộ gồm 450 thành viên, sau đó là cử thêm các đội cứu hộ khác và thành lập một bệnh viện dã chiến ở khu vực bị động đất tàn phá. Israel cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho Thổ Nhĩ Kỳ và gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới các nạn nhân.

Về phần mình, Ngoại trưởng Cavusoglu cho biết Israel là một trong những quốc gia đầu tiên gửi hỗ trợ tới Thổ Nhĩ Kỳ, và cảm ơn Israel vì sự hỗ trợ này.

Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đóng băng quan hệ kể từ năm 2011 khi Ankara trục xuất Đại sứ Israel sau vụ va chạm giữa các lực lượng Israel và một đội tàu nhỏ do Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu, bị cho là vi phạm lệnh phong tỏa dải Gaza, khiến 10 người thiệt mạng. Quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã được nối lại vào năm 2016 với việc mỗi bên đều cử đại sứ tới nước còn lại. Tuy nhiên, hai năm sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại triệu hồi các nhà ngoại giao của mình và trục xuất các đại diện ngoại giao của Israel nhằm phản đối việc một số người Palestine tại dải Gaza thiệt mạng do lực lượng an ninh Israel.

Quan hệ giữa hai nước đã có nhiều dấu hiệu cải thiện ổn định trong năm 2022, với việc Tổng thống Israel Isaac Herzog trong tháng 3 đã thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Ankara và có các cuộc hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo Israel tới Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2008. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
WHO: 26 triệu người ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cần được hỗ trợ nhân đạo