Việt Nam sẽ hỗ trợ khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria mỗi nước 100.000 USD để góp phần khắc phục hậu quả của trận động đất ngày 6/2 và sẽ giao các bộ, ngành Việt Nam tiếp tục có thêm các biện pháp hỗ trợ cần thiết trong thời gian tới.
Ngày 14/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có thư thăm hỏi gửi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Trong thư, Thủ tướng thông báo Việt Nam sẽ hỗ trợ khẩn cấp mỗi nước 100.000 USD để góp phần khắc phục hậu quả của trận động đất ngày 6/2 và sẽ giao các bộ, ngành Việt Nam tiếp tục có thêm các biện pháp hỗ trợ cần thiết trong thời gian tới.
Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria đã, đang và sẽ theo dõi sát tình hình, chủ động triển khai nhiều hoạt động thiết thực như cử cán bộ trực tiếp có mặt tại thực địa, hỗ trợ sát sao các đoàn cứu hộ, cứu nạn từ trong nước, quyên góp ngày lương, cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết và tích cực hỗ trợ các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi trận động đất theo khả năng, tình hình thực tế.
Trên 32.000 người Thổ Nhĩ Kỳ đang tham gia các hoạt động cứu hộ cứu nạn trong thời tiết lạnh giá, trong khi hàng triệu người đang rất cần viện trợ. Công tác cứu nạn, cứu hộ còn có sự tham gia của khoảng 8.300 nhân viên cứu hộ quốc tế, trong đó có Việt Nam.
Trước đó, trong các ngày 9/2 và 12/2, các đoàn công tác gồm trên 100 cán bộ, chiến sĩ bộ đội và công an đã được cử sang Thổ Nhĩ Kỳ cùng với nhiều vật tư, thiết bị để tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất.
Ngày 14/2, Đoàn cứu hộ Việt Nam di chuyển sang địa điểm thứ ba
Theo PV Truyền hình Quốc phòng Việt Nam đi theo đoàn, chiều 14/2, ngay sau khi tới khu vực xã Haci Omer Alpagot, huyện Antakya, tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ, nhóm cứu hộ cứu nạn của Bộ Quốc phòng Việt Nam đã khẩn trương bắt tay vào công tác tìm kiếm và giải cứu những người bị mắc kẹt trong đống đổ nát sau động đất.
Hatay là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của trận động đất hôm 6/2 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Theo cơ quan quản lý thảm họa của Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 6.400 tòa nhà đã đổ sập do hậu quả của hai trận động đất chính và hơn 430 cơn dư chấn.
Địa bàn trên có dân số khoảng 5.200 người. Chiến thuật cứu hộ được áp dụng là các tổ sẽ tiến hành trinh sát mục tiêu. Nếu phát hiện mục tiêu cần đưa ra khỏi khu vực sập đổ, hoặc có dấu hiệu cần ứng cứu, các tổ sẽ lập tức báo cáo để chỉ huy trưởng điều động lực lượng công binh tới hiện trường, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ tiến hành công tác cứu hộ. Lực lượng quân y ở vòng ngoài sẵn sàng cấp cứu trong trường hợp cần thiết, hoặc thực hiện các biện pháp đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường, bàn giao cho giới chức sở tại.
Cũng trong ngày 14/2, Đoàn cứu hộ Việt Nam đã di chuyển tới khu vực làm nhiệm vụ mới, thuộc chung cư Cinar Sitesi, số 66 đường Kemalpasa, quận Cumhuriyet, thành phố Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ.
Một chiến sĩ tại hiện trường cho biết, khu chung cư này gồm 3 tòa nhà đã đổ sập. Quanh khu vực bị hàng trăm tấn bê tông vùi lấp. Trước mắt, đoàn sẽ phối hợp cùng với Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ.
Đáng chú ý, toà nhà này được xác định có hơn 100 nạn nhân đang nằm dưới đống đổ nát sau thảm hoạ động đất. Bước đầu trinh sát của Đoàn Việt Nam chưa phát hiện sự sống tại đây.
Do ảnh hưởng nặng nề của trận động đất gây ra, nên tại tỉnh Adiyaman, hệ thống nước sạch, nơi ăn nghỉ, sinh hoạt của đoàn công tác của Việt Nam đều bị hạn chế. Xác định được yếu tố trên, đoàn công tác đã chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng từ đồ ăn, nước uống, lều bạt cho đoàn công tác. Tuy nhiên, đoàn vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là điều kiện thời tiết, lúc này tại tỉnh Adiyaman nhiệt độ dao động từ -6 độ C cho đến 6 độ C.
Về kết quả bước đầu, Đoàn đã cứu được 1 người bị nạn còn sống và trực tiếp tìm kiếm được 6 thi thể người bị nạn; bàn giao cho các lực lượng y tế của Thổ Nhĩ Kỳ. Công tác cứu nạn, cứu hộ được đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia.