Bị VKSND tỉnh Ninh Bình truy tố về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng”, một số bị can nguyên là cán bộ Ngân hàng HTX Việt Nam, Chi nhánh Ninh Bình (NHHTXNB) cho rằng, hành vi của họ nằm trong các hoạt động “điều hòa vốn” để giúp các thành viên (là Quỹ tín dụng nhân dân) mở rộng tín dụng. Vì vậy, không thể áp dụng các quy định về cho vay đối với khách hàng thông thường để đánh giá có vi phạm hay không.
5 bị can bị cáo buộc vi phạm “điều kiện cấp tín dụng”
Ngày 13/3/2023, VKSND tỉnh Ninh Bình ban hành Cáo trạng số 06/CT-VKS-P1 kết luận, trong thời gian từ 16/5/2017 đến 28/1/2019, Đặng Văn Quang (SN 1964, nguyên Giám đốc NHHTXNB), Trần Xuân Thành (SN 1976); Đinh Minh Tiến (SN 1981- đều là nguyên Trưởng phòng Tín dụng thành viên NHHTXNB), Nguyễn Ngọc Việt (SN 1981, Nguyên Phó phòng Tín dụng và Chăm sóc khách hàng NHHTXNB), Nguyễn Văn Quyền (SN 1986, nguyên cán bộ Phòng Tín dụng và Chăm sóc khách hàng NHTXNB) biết rõ hồ sơ xin vay nguồn vốn mở rộng tín dụng, nguồn vốn cho vay hỗ trợ khả năng chi trả và nguồn vốn cho vay dự án quốc tế của Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Me (QTD Me) không đáp ứng được quy định của pháp luật về cho vay, nhưng vẫn cố ý thực hiện không đúng việc thẩm định hồ sơ vay, đề xuất, phê duyệt cấp tín dụng cho QTD Me vay vốn.
Sau khi giải ngân, các bị can đã không thực hiện kiểm tra, chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc việc sử dụng vốn vay của QTD Me đối với các khoản tiền đã cho vay. Điều này dẫn đến việc QTD Me có nhiều hành vi sai phạm về kế toán- tài chính, tín dụng- ngân hàng, để Nguyễn Thị Thu Hằng (Chủ tịch HĐQT QTD Me) chỉ đạo nhân viên rút tiền chiếm đoạt cá nhân và sử dụng sai mục đích, dẫn đến hậu quả Quỹ mất khả năng thanh toán cho NHHTXNB hơn 47,8 tỷ đồng.
Với quan điểm trên, VKSND tỉnh Ninh Bình đã cáo buộc các bị can có hành vi “Vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện cấp tín dụng” (điểm g, khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự).
Ngay sau khi có Cáo trạng, một số bị can đã có đơn kêu oan cho rằng mình không vi phạm về “điều kiện cấp tín dụng” theo quy định tại khoản 1, Điều 94 Luật các tổ chức tín dụng (TCTD): “TCTD phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh phương án sử dụng vốn khả thi, khả năng tài chính của mình, mục đích sử dụng vốn hợp pháp, biện pháp bảo đảm tiền vay trước khi quyết định cấp tín dụng” bởi thực chất việc cho vay trong vụ việc này là hoạt động điều hòa vốn để QTD Me mở rộng tín dụng (tức là cho các khách hàng là thành viên của Quỹ vay lại).
Chính vì vậy, việc CQĐT và VKS cho rằng NHHTXNB phải có thông tin về đối tượng vay vốn, mục đích vay, biện pháp bảo đảm, danh sách các thành viên là hộ gia đình có mức chi tiêu bình quân đầu người thấp hơn 128 USD/người/năm, có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn…trước phê duyệt cho QTD Me vay là điều không khả khi (vì lúc này chưa có danh sách cá nhân hoặc doanh nghiệp được QTD Me cho vay vốn) và không đúng với Quy chế điều hòa vốn do Ngân hàng HTX Việt Nam (NHHTXVN) ban hành, không đúng với bản chất “điều hòa vốn” cho các thành viên.
Theo Khoản 2 Điều 18 Quy chế Điều hòa vốn thì khi có nhu cầu vay vốn, QTDND chỉ gửi cho Ngân hàng hợp tác giấy tờ gồm: giấy đề nghị vay vốn (theo mẫu) và 02 bản hợp đồng tín dụng (chứ không có chứng minh phương án sử dụng vốn, khả năng tài chính, mục đích sử dụng vốn… của khách hàng như quan điểm của CQĐT và VKS).
Quỹ tín dụng Me có mất khả năng thanh toán?
Cáo trạng của VKSND tỉnh Ninh Bình còn cho rằng các bị can vi phạm khoản 3, khoản 4 Điều 94 Luật các TCTD (TCTD có quyền, nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng; TCTD có quyền yêu cầu khách hàng vay báo cáo việc sử dụng vốn vay và chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích vay vốn).
Tuy nhiên, các bị can cho rằng, trong quan hệ với NHHTX Ninh Bình thì QTD Me không phải là khách hàng, mà là thành viên được “điều hòa vốn”. Hơn nữa, việc “kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay” là hoạt động sau khi đã duyệt vay và giải ngân, không thuộc giai đoạn “cấp tín dụng” nên không thể nói đây là vi phạm về “điều kiện cấp tín dụng”.
Ngoài ra, Kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Ninh Bình đã nêu rõ, căn cứ các quy định của pháp luật, NHHTXVN đã xây dựng Quy chế điều hòa vốn. Quy chế điều hòa vốn được phổ biến và áp dụng đối với tất cả các Quỹ TDND và là quy định nội bộ của NHHTXVN; phạm vi điều chỉnh của Quy chế là quy định việc nhận tiền gửi và cho vay bằng đồng Việt Nam của NHHTXVN với QTDND thành viên.
Do đó, 32 hợp đồng tín dụng mà NHHTXNB cho QTD Me vay vốn được thực hiện theo trình tự, thủ tục tại các quy định nội bộ của NHHTXVN”.
Đối chiếu với Kết luận giám định trên, các bị can cho rằng, cơ quan tố tụng cần đối chiếu với Điều 10 (Điều kiện vay vốn) tại Quy chế điều hòa vốn số 177/QC-HĐQT và số 717/2016/QC-NHHT của NHHTX Việt Nam để xác định họ có vi phạm khi xét duyệt điều kiện cấp tín dụng cho QTD Me hay không, chứ không thể dựa vào quy định tại Điều 94 Luật các TCTD được.
Cũng theo Quy chế điều hòa vốn của NHHTXVN, QTD Me có nghĩa vụ sử dụng vốn vay từ Ngân hàng HTXNB đúng mục đích và chịu trách nhiệm trước pháp luật khi không thực hiện đúng những thỏa thuận về trả nợ vay và các nội dung đã cam kết trong hợp đồng tín dụng.
Như vậy, việc bị án Nguyễn Thị Thu Hằng (nguyên Chủ tịch HĐQT QTD Me) và một số cán bộ dưới quyền thực hiện các hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về kế toán” gây thiệt hại cho QTD Me thì những người này phải chịu trách nhiệm hình sự, dân sự về vi phạm của mình.
Bản thân các bị can trong vụ án này đã bị Hằng và một số đối tượng “qua mặt” bằng cách sử dụng hai hệ thống sổ sách kế toán, lập “Sổ nhật ký quỹ”, “báo cáo kế toán” với số liệu giả mạo, lập hồ sơ tín dụng “khống”…để đối phó với cơ quan quản lý cấp trên, với các đoàn thanh tra, kiểm tra.
Các bị can cũng cho rằng, việc cáo buộc họ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại của NHHTXNB hơn 47 tỷ đồng nằm trong tổng số hơn 146 tỷ đồng mà Hằng và một số nhân viên của QTD Me gây thiệt hại là vô lý và thiếu cơ sở.
Hiện vẫn chưa có chứng cứ nào khẳng định QTD Me đã thật sự mất khả năng thanh toán hơn 47 tỷ đồng cho NHHTXNB (dù đã được trưng cầu giám định nhưng các cơ quan giám định đều không đưa ra được thiệt hại từ 32 Hợp đồng tín dụng được nêu trong vụ án).
Vì vậy, đây cũng là một nội dung cần làm rõ trong phiên tòa sơ thẩm sắp tới.