Tọa đàm về kỹ năng viết bản án dân sự

Quốc Huy| 15/04/2021 17:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong khuôn khổ thực hiện Dự án “Tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng xét xử tại Tòa án Việt Nam”, ngày 15/4, TANDTC, TATC Hàn Quốc và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phối hợp tổ chức tọa đàm về kỹ năng viết bản án dân sự.

toa-dam.jpg
Ông Kim Tae Joon, Thẩm phán, Giám đốc Dự án phát biểu tại buổi tọa đàm

Tới dự có ông Lê Văn Minh, Thẩm phán TANDTC chủ trì tọa đàm; Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký đến từ các đơn vị chuyên trách của TANDTC; Tòa chuyên trách của TAND TP Hà Nội; TANDCC tại Hà Nội; TAND TP Hồ Chí Minh; TANDCC tại Đà Nẵng; Tòa án một số tỉnh như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình.

Về phía Hàn Quốc, có ông Kim Tae Joon, Thẩm phán, Giám đốc Dự án; ông Park Hyun Soo, Thẩm phán chủ tọa, Tòa án tỉnh Cheong Ju (Giám đốc tiền nhiệm Dự án).

Phát biểu khai mạc, Thẩm phán Lê Văn Minh đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả của Tòa án tối cao Hàn Quốc và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) trong Dự án “Tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng xét xử tại Tòa án Việt Nam”. Trong đó kỹ năng viết bản án dân sự là một nội dung rất thiết thực, bổ ích nhằm nâng cao chất lượng xét xử các vụ án dân sự nói chung và kỹ năng viết bản án nói riêng.

le-van-minh.jpg
Thẩm phán Lê Văn Minh phát biểu tại buổi Tọa đàm

Theo Thẩm phán Lê Văn Minh, việc soạn thảo bản án là công việc thường xuyên của Thẩm phán. Bản án là sản phẩm thể hiện kết quả của toàn bộ hoạt động tố tụng của Tòa án kể từ khi thụ lý vụ án cho đến khi tuyên án. Bản án dân sự là văn bản tố tụng thể hiện thái độ của nhà nước trong việc bảo vệ công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân. Bản án dân sự có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng, bởi nó trực tiếp tác động đến niềm tin của nhân dân đối với chế độ; thông qua bản án, các đương sự hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình phải thực hiện.

Mặt khác, bản án còn là cơ sở để Tòa án cấp trên xem xét theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm, đồng thời là cơ sở để TANDTC lựa chọn và ban hành án lệ nhằm góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật, quy tắc xã hội. Chính vì vậy, các thông tin thể hiện trong bản án phải đảm bảo tính chính xác; các lập luận, kết luận và các quyết định của Tòa án về các vấn đề cần giải quyết trong vụ án phải cụ thể, chặt chẽ, lô-gic, có đầy đủ cơ sở thực tiễn và pháp luật.

Để bảo đảm chất lượng của bản án, trên cơ sở các quy định của pháp luật tố tụng yêu cầu đối với bản án là đảm bảo về mặt hình thức, bố cục, nội dung và văn phong - mỗi bản án có đặc thù riêng do phụ thuộc vào tính chất, đặc điểm của từng loại vụ việc.

Việc soạn thảo bản án, quyết định Tòa án đúng quy chuẩn là yêu cầu thiết thực, đòi hỏi Thẩm phán phải nắm vững những kỹ năng, yêu cầu cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn xảy ra tình trạng bản án viết ẩu, không thống nhất theo mẫu hướng dẫn, không phản ánh hết các hoạt động tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án cũng như kết quả tranh tụng. Một số bản án còn sai sót về văn phong, chính tả, nhận định không sâu sắc, lập luận thiếu chặt chẽ, thậm chí có bản án giữa phần nhận định và phần quyết định còn mâu thuẫn với nhau.

toa-dam(1).jpg

Thẩm phán Lê Văn Minh nhấn mạnh: Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã giao cho Tòa án nhân dân có trách nhiệm “… thực hiện việc công khai các bản án…”. Xác định việc công khai các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án là phương thức để tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Tòa án; nâng cao chất lượng bản án, quyết định; tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác Tòa án; tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tiếp cận, nghiên cứu, đề xuất án lệ, ngày 16/3/2017, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án. Theo đó, từ ngày 01/7/2017, các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân các cấp sẽ được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân.

Bên cạnh đó để triển khai thi hành các đạo luật như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự…, trong thời gian qua, Tòa án nhân dân tối cao đã thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án. Đó là việc xây dựng Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự; Công văn số 155/TANDTC-PC về việc áp dụng thống nhất về thể thức và kỹ thuật trình bày các văn bản tố tụng. Năm 2017, Tòa án nhân dân tối cao cũng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về kỹ năng viết bản án cho Thẩm phán, cán bộ Tòa án trong phạm vi cả nước.

Với mong muốn các bản án, quyết định của Tòa án ngày một nâng cao chất lượng, TANDTC đã phối hợp cùng TATC Hàn Quốc, Văn phòng KOICA tổ chức tọa đàm về kỹ năng viết bản án. Buổi Tọa đàm này là cơ hội các đại biểu sẽ cùng nhau chia sẻ những thông tin, tham khảo kinh nghiệm của các chuyên gia Hàn Quốc trong việc soạn thảo bản án dân sự của Tòa án Hàn Quốc. Từ đó, các Thẩm phán có thể rút ra những kinh nghiệm quý báu giúp trau dồi kỹ năng viết bản án dân sự.

Thay mặt cho lãnh đạo TANDTC, Thẩm phán Lê Văn Minh cảm ơn KOICA đã đồng hành với chúng tôi trong suốt thời gian qua, nỗ lực cùng xây dựng một đội ngũ cán bộ, Thẩm phán Tòa án có năng lực để phát triển hệ thống Tòa án ngày một vững mạnh hơn. Cảm ơn các chuyên gia Hàn Quốc đã thu xếp thời gian để cùng với chúng tôi tổ chức tọa đàm này.

Ông Kim Tae Joon, Giám đốc Dự án phát biểu bày tỏ sự đồng tình với phát biểu của đại diện TANDTC và mong Tọa đàm thành công, mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác xét xử.

hq.jpg
Ông Kim Tae Joon, Giám đốc Dự án 

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu cũng đã nghe bài thuyết trình của ông Park Hyun Soo, Thẩm phán chủ tọa, Tòa án tỉnh Cheong Ju có bài thuyết trình thông qua hình thức trực tuyến… Và thảo luận sôi nổi về những vấn đề lý luận và thực tiễn còn có cách hiểu khác nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tọa đàm về kỹ năng viết bản án dân sự