Tin vắn thế giới ngày 7/12: WB cảnh báo làn sóng nợ công mới

Bạch Dương| 07/12/2022 08:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

EU xem xét đề xuất mới nhất về mức giá trần khí đốt; Nga sẵn sàng cơ chế ứng phó với giá trần dầu mỏ; WB cảnh báo làn sóng nợ công mới; Xin cấp phép thuốc Leclaza làm liệu pháp đầu tiên điều trị ung thư phổi… là tin tức thế giới đáng chú ý.

EU xem xét đề xuất mới nhất về mức giá trần khí đốt

Ngày 6/12, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã xem xét đề xuất mới nhất về mức giá trần khí đốt thấp hơn, ở mức 220 euro (231 USD), trong bối cảnh một tuần nữa là đến cuộc họp của các Bộ trưởng năng lượng được kỳ vọng giải quyết được vấn đề mức giá trần giá khí đốt gây chia rẽ sâu sắc giữa 27 nước thành viên.

Theo đề xuất được CH Czech, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU đưa ra vào tối 5/12, mức giá trần sẽ được áp dụng nếu giá khí đốt vượt quá 220 euro mỗi megawatt giờ (MWh) trong 5 ngày đối với giá khí đốt hợp đồng tương lai tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan.

muc-gia-tran-khi-dot.jpg
Trạm nén khí Bulgartransgaz ở Ihtiman, Bulgaria. Ảnh: AFP

Nga sẵn sàng cơ chế ứng phó với giá trần dầu mỏ

RIA dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 6/12 cho biết trong tháng 12 này Nga sẽ thực hiện cơ chế ứng phó với việc phương Tây áp mức giá trần đối với dầu mỏ của nước này. Theo đó, Nga sẽ cấm xuất khẩu dầu mỏ trong diện bị áp giá trần.

Khi được hỏi liệu cơ chế trên sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay hay không, ông Novak khẳng định chắc chắn Nga sẽ thực hiện việc này. Ông Novak cũng cho biết trong bối cảnh tình hình bất ổn như hiện nay, Nga có thể giảm sản lượng dầu nhưng không giảm mạnh.

Nga không nhận thấy triển vọng đàm phán hòa bình về vấn đề Ukraine

Ngày 6/12, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov cho biết Nga nhất trí với tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rằng cuộc xung đột ở Ukraine cần phải chấm dứt bằng hòa bình lâu dài.

Trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 5/12, Ngoại trưởng Mỹ cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine sẽ kết thúc "gần như chắc chắn bằng biện pháp ngoại giao và đàm phán" và "hòa bình lâu dài và chính đáng" là rất cần thiết.

Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Caricom - Cuba

Người đứng đầu chính phủ và phái đoàn của 14 nước thành viên Cộng đồng các quốc gia Caribê (Caricom) đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ VIII của khối và Cuba, khai mạc ngày 6/12 tại thủ đô Bridgetown của Barbados nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ song phương.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel nhấn mạnh Hội nghị thượng đỉnh Caricom-Cuba là cuộc hội ngộ giữa những người anh em trong khu vực nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, không gian này sẽ củng cố sự ủng hộ lẫn nhau, tình đoàn kết và quan hệ hợp tác vì sự thịnh vượng của các dân tộc trong Cộng đồng Caribê.

Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đề cập khả năng tại nhiệm thêm 2 năm

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 6/12 đã đề cập đến khả năng ông sẽ tiếp tục giữ cương vị hiện tại thêm 2 năm nữa sau cuộc tổng tuyển cử vào năm tới, và sau đó sẽ tìm người thay thế phù hợp khi nhiệm kỳ 8 năm của ông tới hạn vào năm 2025.

Đây là lần đầu tiên trong vài tháng trở lại đây, Thủ tướng Prayut đề cập đến tương lai chính trị của ông, trong bối cảnh nhiệm kỳ của chính phủ hiện tại do ông đứng đầu sẽ hết hạn vào tháng 3/2023.

Ủy ban thường vụ Quốc hội Triều Tiên họp phiên toàn thể

Truyền thông Triều Tiên ngày 7/12 đưa tin Ủy ban thường vụ Hội đồng Nhân dân Tối cao, tức Quốc hội Triều Tiên, khóa 14 đã tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ 23 trong ngày 6/12 tại Đại lễ đường Mansudae.

Nội dung nghị sự tại phiên họp là công bố thời điểm triệu tập kỳ họp mới của SPA, thông qua một đạo luật cũng như bầu các thẩm phán và giám sát viên nhân dân cho Tòa án Trung ương Triều Tiên. Thông báo cho biết quyết định của Ủy ban thường vụ SPA về việc triệu tập Kỳ họp thứ 8 SPA khóa 14 đã được thông qua với sự nhất trí tuyệt đối tại phiên họp. Cụ thể, kỳ họp thứ 8 SPA khóa 14 sẽ được triệu tập tại Bình Nhưỡng vào ngày 17/1/2023.

WB cảnh báo làn sóng nợ công mới

Nợ nước ngoài của các nền kinh tế đang phát triển đã tăng hơn gấp đôi so với một thập kỷ trước, lên 9.000 tỷ USD vào năm 2021. Trước thực tế này, Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 6/12 cảnh báo cuộc khủng hoảng nợ mà các quốc gia này phải đối mặt ngày càng gia tăng với lạm phát toàn cầu gia tăng và lãi suất cũng tăng.

00debt-superjumbo.jpg
Ảnh minh họa

WTO cảnh báo về xu hướng hạn chế thương mại giữa các nước

Trong báo cáo công bố ngày 6/12, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết các quốc gia đang đưa ra các biện pháp hạn chế thương mại với nhịp độ ngày càng nhanh, đặc biệt là đối với thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và phân bón.

Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala nhấn mạnh rằng trong số 78 biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và phân bón được đưa ra kể từ cuối tháng 2 năm nay, 57 biện pháp vẫn còn hiệu lực, tác động đến khoảng 56,6 tỷ USD thương mại và những con số này đã tăng lên kể từ giữa tháng 10.

Hungary kiên quyết chặn gói viện trợ 18 tỷ euro của EU cho Ukraine

Theo Sputnik, tại cuộc họp của các bộ trưởng tài chính EU ngày 6/12, Bộ trưởng Tài chính Hungary Mihaly Varga đã chặn gói vay ưu đãi trị giá 18 tỷ euro của khối dành cho Ukraine.

Hungary đã duy trì lập trường cứng rắn đối với Ukraine trong suốt cuộc khủng hoảng hiện nay do mối quan hệ khó khăn với Kiev. Hai bên đã rơi vào tranh cãi kéo dài kể từ cuộc đảo chính ở Ukraine năm 2014, đưa một chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc lên nắm quyền, bị Budapest cáo buộc là phân biệt đối xử với người dân tộc Hungary thiểu số.

Triều Tiên tiếp tục bắn đạn pháo ra vùng biển phía Đông

Hãng tin Yonhap dẫn thông báo của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết Triều Tiên đã bắn khoảng 90 quả đạn pháo từ 10h sáng đến chiều 6/12 (theo giờ địa phương) và điểm bắn được xác định từ huyện Kosong, tỉnh Kangwon hướng về vùng biển phía Đông. Sau 18h, có thêm khoảng 10 đợt bắn từ huyện Kumgang cùng tỉnh này.

Triều Tiên cũng xác nhận vụ bắn vào cuối ngày, đồng thời cho biết nước này đã bắn 82 quả đạn pháo từ nhiều bệ phóng trong 8 giờ rưỡi để phản đối cuộc tập trận quân sự giữa Hàn Quốc và Mỹ gần biên giới.

Xin cấp phép thuốc Leclaza làm liệu pháp đầu tiên điều trị ung thư phổi

Ngày 6/12, công ty dược phẩm Hàn Quốc Yuhan cho biết vào năm tới, công ty sẽ đề nghị Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ cấp phép cho thuốc Leclaza do công ty này bào chế là liệu pháp điều trị đầu tiên cho bệnh nhân ung thư phổi.

Thuốc Leclaza (lazertinib) là một loại thuốc điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) thế hệ thứ 3. Công ty Yuhan nêu rõ trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại nhiều quốc gia, thuốc Leclaza ghi nhận thời gian sống thêm không tiến triển (PFS) là 20,6 tháng, tức là bệnh nhân không có triệu chứng bệnh trầm trọng hơn trong giai đoạn này. Thời gian trên lâu hơn so với PFS 9,7 tháng khi dùng thuốc điều trị NSCLC Iressa (gefitinib) do hãng AstraZeneca bào chế. Năm 2015, thuốc Iressa đã được FDA cấp phép là liệu pháp điều trị đầu tiên cho bệnh nhân NSCLC.

thuoc-061222-a.jpg
Thuốc Leclaza (lazertinib) là một loại thuốc điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) thế hệ thứ 3. Ảnh: Yuhan

ILO hướng tới sự phục hồi lấy con người làm trung tâm sau dịch COVID-19

Ngày 6/12, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã tổ chức Hội nghị khu vực châu Á và Thái Bình Dương (APRM) tại Singapore để thảo luận về tuyển dụng và việc làm tương lai.

ILO cho biết sự kiện này diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với việc làm toàn thế giới khi lĩnh vực này đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm tác động kéo dài của đại dịch COVID-19 cộng với các cuộc khủng hoảng lương thực, năng lượng và tài chính toàn cầu.

Biểu tình bạo lực nổ ra tại Hy Lạp

Các cuộc đụng độ bạo lực giữa những thành viên của cộng đồng Roma và cảnh sát chống bạo động đã nổ ra tại Thessaloniki, thành phố lớn thứ hai của Hy Lạp tối 5/12, sau khi một thiếu niên 16 tuổi bị bắn trong cuộc rượt đuổi của cảnh sát.

Khoảng 1.500 người biểu tình đã đi dọc các con phố của Thessaloniki, đập vỡ cửa sổ các cửa hàng và ném đồ vật vào cảnh sát, buộc họ phải sử dụng hơi cay và lựu đạn gây choáng để đáp trả.

Nguy cơ nhiệt độ Trái Đất vượt giới hạn tăng 1,5 độ C

Theo đánh giá mới của Paris Equity Check công bố ngày 6/12, các chính sách về khí hậu của hầu hết các quốc gia giàu có và nhiều nền kinh tế mới nổi có phát thải cao có thể khiến nhiệt độ toàn cầu vượt quá mức tăng 1,5 độ C - mức giới hạn an toàn đã được tái khẳng định tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại thành phố Sharm El-Sheikh (Ai Cập) vào tháng trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 7/12: WB cảnh báo làn sóng nợ công mới