Tin vắn thế giới ngày 2/12: Nga cảnh báo nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân

Bạch Dương| 02/12/2022 07:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tân lãnh đạo da màu đầu tiên của đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ; Ấn Độ đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên HĐBA LHQ; Nga cảnh báo nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân; Thụy Sĩ đóng băng gần 8 tỷ USD tài sản của Nga… là tin tức thế giới đáng chú ý.

Tân lãnh đạo da màu đầu tiên của đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ

Đảng Dân chủ tại Hạ viện đã chọn ông Hakeem Jeffries là người lãnh đạo sau một cuộc bỏ phiếu tổ chức ngày 30/11. Như vậy, ông Hakeem Jeffries là người sẽ kế nhiệm bà Nancy Pelosi lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ ghi nhận chính khách người da màu dẫn đầu một đảng tại Quốc hội.

021222-hakeem-jeffries.jpg
Tân lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ-ông Hakeem Jeffries. Ảnh: Reuters

Tổng thống Joe Biden: Cuộc chiến chống lạm phát tại Mỹ đã đạt tiến bộ

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 1/12 cho biết nền kinh tế số 1 thế giới đang nhìn thấy những dấu hiệu tiến bộ trong cuộc chiến chống lạm phát. Ông Biden cho biết thêm rằng “sẽ cần thời gian để đưa lạm phát trở lại bình thường, song người Mỹ cần tin tưởng rằng kế hoạch của chúng ta đang có tác dụng".

Nhận định trên được đưa ra sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu cho thấy tiêu dùng đã tăng trong khi sức ép lạm phát giảm dần.

Ấn Độ đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên HĐBA LHQ

Ngày 1/12, Ấn Độ đã đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên HĐBA LHQ trong tháng 12/2022. Trong thời gian này, Ấn Độ sẽ tổ chức các sự kiện tiêu biểu về chống khủng bố và cải cách chủ nghĩa đa phương.

Đây là lần thứ hai Ấn Độ đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên hàng tháng của HĐBA, lần thứ nhất là vào tháng 8/2021. Ngoài ra, Ấn Độ sẽ hoàn thành nhiệm kỳ 2 năm với tư cách là thành viên không thường trực HĐBA vào ngày 31/12/2022.

HĐBA LHQ gia hạn sứ mệnh của Ủy ban 1540 về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt

HĐBA LHQ đã quyết định kéo dài thời gian hoạt động của Ủy ban 1540 về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt thêm 10 năm.

Cụ thể, 15 nước thành viên HĐBA LHQ đã nhất trí thông qua Nghị quyết 2663, gia hạn sứ mệnh của Ủy ban 1540 cho đến ngày 30/11/2032. Theo Nghị quyết 2663, Ủy ban 1540 về chống vũ khí hủy diệt hàng loạt sẽ phải đánh giá toàn diện về tình hình thực hiện Nghị quyết 1540 và báo cáo với HĐBA LHQ sau khi kết thúc mỗi đánh giá.

Thổ Nhĩ Kỳ và Israel chấm dứt giai đoạn kéo dài 4 năm hai bên hạ cấp quan hệ ngoại giao

Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Tel Aviv Sakir Ozkan Torunlar ngày 1/12 đã trình bản sao Quốc thư lên Bộ Ngoại giao Israel, chấm dứt giai đoạn kéo dài 4 năm hai bên hạ cấp quan hệ ngoại giao và triệu Đại sứ về nước.

Theo dự kiến, Bộ Ngoại giao Israel sẽ bố trí thời gian để Đại sứ Torunlar sớm trình Quốc thư lên Tổng thống Isaac Herzog để chính thức hoạt động đầy đủ tại Nhà nước Do Thái này. Đại sứ Torunlar từng đảm nhiệm cương vị Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Palestine, sau đó ông về nước nhậm chức Cố vấn Đối ngoại của Ankara.

Ấn Độ bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch G20, kêu gọi thế giới đoàn kết đối phó với các thách thức lớn

Các nước trên thế giới cần hợp tác cùng nhau để giải quyết những thách thức lớn nhất, bao gồm biến đổi khí hậu, khủng bố và các đại dịch. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 1/12 đã đưa ra lời kêu gọi trên khi Ấn Độ bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Nga cảnh báo nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân

Theo đài RT (Nga), trong cuộc họp báo ngày 1/12, khi được hỏi về những nỗ lực chung của Moskva và Washington nhằm hạn chế vũ khí hạt nhân, ông Lavrov nói rằng từ tháng 9/2021, Mỹ về cơ bản đã đóng băng các cuộc đàm phán song phương để đạt được thỏa thuận về hạn chế vũ khí tấn công chiến lược, rất lâu trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo rằng bất kỳ cuộc xung đột nào giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, ngay cả khi bắt đầu bằng vũ khí thông thường, đều có khả năng leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện. Do đó, cần phải tránh kịch bản này bằng mọi giá.

0112-lavrov.jpg
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: Sputnik

Thụy Sĩ đóng băng gần 8 tỷ USD tài sản của Nga

Thụy Sĩ ngày 1/12 thông báo đến nay đã đóng băng tài sản của Nga trị giá tổng cộng 7,5 tỷ franc Thụy Sĩ (7,9 tỷ USD) theo các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt chống Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.

Số tiền trên nhiều hơn gần 1 tỷ franc so với con số do Ban thư ký nhà nước về các vấn đề kinh tế (SECO) đưa ra hồi tháng 7.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đối mặt với nguy cơ bị luận tội

Một ủy ban điều tra độc lập tại Nam Phi mới đây công bố báo cáo cho thấy Tổng thống nước này, ông Cyril Ramaphosa, sẽ phải đối mặt với việc bị luận tội sau cáo buộc ông đã tìm cách che đậy vụ cướp số tiền 4 triệu USD tại trang trại của ông 2 năm trước nhằm tẩu thoát cùng với số của cải trên.

Trước đó, Tổng thống Ramaphosa đã phủ nhận mọi hành vi sai trái trong vụ bê bối mang tên "Farmgate", và tuyên bố rằng gần 600.000 USD tiền mặt được tìm thấy trong đệm ghế sofa tại trang trại Phala Phala của ông ở phía Đông Bắc đất nước này là tiền thu được từ bán trâu.

Quốc hội Liban vẫn chưa thể bầu được tổng thống mới

Ngày 1/12, các nghị sĩ Liban vẫn chưa thể bầu ra tổng thống mới cho nước này sau 8 lần tiến hành bỏ phiếu trong bối cảnh bế tắc chính trị ngày càng ảnh hưởng sâu sắc hơn tới nền kinh tế vốn đã nhiều khó khăn của quốc gia này.

Quốc hội Liban hiện chia thành 2 nhóm gồm nhóm các nghị sĩ ủng hộ phong trào Hezbollah và các nghị sĩ phản đối phong trào này. Cả 2 nhóm đều không có thế đa số rõ ràng để tự quyết định kết quả bỏ phiếu.

Lầu Năm Góc ký hợp đồng chế tạo hệ thống phòng không tiên tiến cho Ukraine

Lầu Năm Góc tuyên bố các hệ thống NASAMS mới chuyển cho Ukraine đạt tỷ lệ thành công 100% đánh chặn tên lửa Nga. Họ vừa ký hợp đồng với Raytheon nhằm chế tạo thêm nhiều hệ thống như vậy cho Kiev.

“Công việc chế tạo sẽ được thực hiện ở Tewksbury, Massachusetts, với ngày hoàn thành ước tính là ngày 28/11/2025”, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong một tuyên bố.

nasams.jpg
Quân đội Nauy vận hành một hệ thống NASAMS. Ảnh: Wikipedia

Tòa án Pháp cho phép Airbus nộp tiền để dàn xếp cáo buộc hối lộ

Một thẩm phán Pháp đã ra phán quyết, cho phép công ty hàng không vũ trụ châu Âu Airbus nộp 15,9 triệu euro (16,4 triệu USD) để tránh bị điều tra hối lộ đối với các giao dịch máy bay ở Libya và Kazakhstan trong giai đoạn 2006 - 2011.

Các công tố viên thuộc đơn vị tội phạm tài chính quốc gia của Pháp (PNF) - vốn đạt được thỏa thuận với Airbus đầu tháng 11 vừa qua, cho rằng mức phạt trên là "công bằng và phù hợp". Việc nộp khoản tiền trên - bằng đúng số tiền trả cho trung gian trong các giao dịch máy bay bị nghi ngờ - cho phép Airbus không bị điều tra và có thể tiếp tục đấu thầu các hợp đồng công.

Indonesia công bố kế hoạch triển khai đồng rupiah kỹ thuật số

Mới đây, Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) đã công bố kế hoạch triển khai đồng rupiah kỹ thuật số trong bối cảnh bùng nổ giao dịch kỹ thuật số tại nước này. Thống đốc BI Perry Warjiyo cho biết BI sẽ là cơ quan duy nhất phát hành hợp pháp tiền kỹ thuật số rupiah.

Châu Phi chuẩn bị tiếp nhận vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ của Hàn Quốc

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Phi ngày 1/12 cho biết lục địa này sẽ nhận được lô vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên do Hàn Quốc tài trợ.

Tuy nhiên, CDC châu Phi thông báo cho đến nay, chưa biết rõ thời gian chuyển giao số vaccine trên, bao gồm 50.000 liều sẽ được sử dụng đầu tiên cho nhân viên y tế và người dân sống ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS 1/12: 'Liều thuốc' bình đẳng

Chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12) năm nay là "Hiện thực hóa bình đẳng" (Equalize), tức là đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận với các biện pháp phòng ngừa, xét nghiệm và điều trị, cũng như chia sẻ công nghệ và sự hỗ trợ nhằm đạt mục tiêu chấm dứt "căn bệnh thế kỷ" vào năm 2030, trong bối cảnh cuộc chiến chống HIV/AIDS trên toàn cầu đối mặt nhiều thách thức.

Vanuatu lên kế hoạch di dời hàng chục ngôi làng do nước biển dâng cao

Ngày 1/12, giới chức Vanuatu cho biết quốc đảo này đang lên kế hoạch di dời hàng chục ngôi làng trong vòng 2 năm tới trước nguy cơ bị nhấn chìm do nước biển dâng cao.

Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Biến đổi khí hậu Vanuatu, Ralph Regenvanu, cho biết, Chính phủ Vanuatu xác định hàng chục ngôi làng ở khu vực có nguy cơ cao sẽ được di dời trong vòng 24 tháng tới, trong khi các khu dân cư khác cũng sẽ được lên kế hoạch di dời trong thời gian dài hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tin vắn thế giới ngày 2/12: Nga cảnh báo nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân