Thẩm tra dự án BLTTHS (sửa đổi): Không nên quy định hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung

Mai Thoa| 31/03/2015 21:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nên hay không nên quy định quyền im lặng của bị can, bị cáo? Có nên hạn chế trả hồ sơ điều tra bổ sung hay không? Quy định về người bào chữa tham gia phiên tòa...

Đó là những vấn đề được quan tâm tại phiên thẩm tra dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) (sửa đổi), do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra từ ngày 30/3-2/4.

Trả hồ sơ là cần thiết

Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) chỉ còn giữ nguyên 27 điều, trong khi bãi bỏ 19 điều, bổ sung mới 166 điều và sửa đổi 290 điều. Dự thảo quy định theo hướng: Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội; các biện pháp chống bức cung, nhục hình. Đặc biệt, dự thảo BLTTHS (sửa đổi) đã đề ra quy định theo hướng bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can để chống bức cung, nhục hình, mớm cung, bảo đảm tính minh bạch, tăng khả năng kiểm soát đối với hoạt động tố tụng hình sự.

Cho rằng BLTTHS sửa đổi lần này có nhiều nội dung chưa sát với thực tế, khó thực hiện, Phó Chánh án TAND TP. Hồ Chí Minh Huỳnh Ngọc Ánh nhận xét, BLTTHS hiện hành rất tốt, trước đây do những nhà làm luật bậc thầy của chúng ta làm, rất khoa học. Từ năm 2003 đến nay mới hơn 10 năm, chưa có thay đổi gì lớn. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật sửa đổi lần này có những nội dung mà 10-20 năm sau chúng ta vẫn chưa thể thực hiện được. Bởi vậy nên cân nhắc những gì cần sửa; bất cập thì sửa, còn những gì đang phát huy tốt thì nên giữ nguyên.

Theo ông Ánh, chỉ có một số vấn đề cần sửa đó là liên quan đến quyền con người, tổ chức Cơ quan điều tra, VKS, Tòa án hiện nay thế nào?

Ông Ánh cũng không đồng tình việc quy định Tòa án chỉ trả hồ sơ điều tra bổ sung một lần. Khi VKS chuyển hồ sơ sang Tòa, yêu cầu phải đưa ra xử trong một thời hạn ngắn, trong khi đó, hồ sơ cả trăm bút lục; hoặc hồ sơ chưa đầy đủ chứng cứ... nếu tuyên vô tội thì vi phạm tố tụng, nên phải trả hồ sơ. Ông thẳng thắn: “Đừng coi đây là khuyết điểm để kỷ luật hay coi đó là thành tích để khen thưởng. Chúng ta cứ bệnh thành tích thì rất dễ dẫn đến oan sai”.

Thẩm tra dự án BLTTHS (sửa đổi): Không nên quy định hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn phát biểu tại buổi họp

ĐB Trịnh Thị Thanh Bình, Chánh án TAND tỉnh Bến Tre cũng đồng quan điểm và cho rằng, không nên hạn chế trả hồ sơ. Vì VKS truy tố về tội gì, truy tố đến đâu thì Tòa xử đến đó. Nếu xem xét thấy truy tố thiếu hoặc không đúng tội danh thì Tòa có quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung. Điển hình có trường hợp qua nghiên cứu hồ sơ, kết quả giám định bị tổn hại tới 90% sức khỏe, nhưng khi cán bộ xuống kiểm tra đã thấy họ trèo cây thu hoạch cà phê rồi. Rõ ràng kết quả giám định như vậy thì cần phải điều tra lại vụ án, nếu hạn chế trả hồ sơ điều tra bổ sung thì án oan là điều không tránh khỏi, bà Bình nhấn mạnh.

Cần đảm bảo sự độc lập của Thẩm phán

Một điểm mới đáng chú ý khác, dự thảo quy định: Trong trường hợp bị can không có người bào chữa thì được quyền đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được số hóa, liên quan đến việc buộc tội họ sau khi kết thúc điều tra. Nhiều ý kiến đề nghị không quy định quyền này vì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp trong thực tiễn thi hành, nhất là đối với những vụ án có đông bị can, các vụ án kinh tế lớn...

Phó Chánh án Huỳnh Ngọc Ánh cho rằng, đây là vấn đề thiếu khả thi và không thể thực hiện được. Vì trong trại can phạm không thể có một tờ giấy hay cái bút nào cả. Bởi nếu có bút là có thể xảy ra tình trạng can phạm tự sát, đánh nhau. Rồi chưa kể trong trại giam thì làm gì có kệ để đựng tài liệu, hay máy photo. Ngay cả luật sư của đương sự được photo tài liệu, đến photo ở đâu cũng là vấn đề khó vì hồ sơ dày như thế, không thể mang ra ngoài được. “Chụp ảnh lại thì bị can làm gì có máy ảnh mà chụp”?, ông Ánh nói.

Còn theo quan điểm của Giám đốc Công an TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, lời khai của bị can, bị cáo chỉ là một trong những chứng cứ mà Cơ quan điều tra thu thập. Toàn bộ quá trình này được tổng hợp bằng một kết luận điều tra, tống đạt cho bị can. Vậy, quy định yêu cầu cho bị can đọc lại toàn bộ hồ sơ là không khả thi. Giả sử họ xé rách bản cung thì sao? Quá trình này nếu có gì khúc mắc thì đã có luật sư bào chữa, có sự kiểm sát của VKS rồi.

Về vấn đề bắt tạm giữ, tạm giam, nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm cần hạn chế giam giữ, không phải bất cứ tội gì cũng giam. Tuy nhiên, sửa như dự thảo Luật là không phù hợp. Như tạm giam chỉ được gia hạn hai lần, trong khi điều tra lại được gia hạn ba lần.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga lưu ý, có những vụ án thống kê thời gian tạm giam đến gần 7 năm. Vì vậy, cần xem xét thời hạn tạm giam có nhất thiết đồng nhất với thời gian điều tra, truy tố, xét xử không?

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết, căn cứ và thời hạn tạm giam cũng là vấn đề đang gặp rất nhiều vướng mắc, có những tội không nghiêm trọng nhưng vẫn bắt tạm giữ, tạm giam là không cần thiết. Song, đối với những vụ án bị can phạm tội không nghiêm trọng nhưng là người lang thang, không nơi cư trú ổn định thì bắt tạm giam để thuận tiện cho công tác điều tra là cần thiết. Đồng tình với quy định không tạm giữ, tạm giam đối với trường hợp phạm tội không nghiêm trọng nhưng vẫn phải lường hết những gì có thế xảy ra như đã nói ở trên, nếu không án sẽ lại ùn tắc ở Tòa không giải quyết được.

Liên quan đến vấn đề cấp giấy chứng nhận cho người bào chữa, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn đề nghị cụ thể hơn vì có tình trạng, nhiều luật sư nhận quá nhiều việc không tham dự phiên tòa hết được lại xin hoãn phiên tòa, ảnh hưởng đến Tòa án. Hay việc mở rộng đào tạo nhóm luật sư tham gia những vụ án chỉ định cũng cần phải tính đến, có quản được hay không? Nếu mở rộng quá, đến lúc Tòa sẽ phải chạy theo để “xin” luật sư “tạo điều kiện” có mặt tại phiên tòa để cho việc xét xử được thuận tiện.

Về nguyên tắc bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể những vấn đề liên quan, gắn liền với việc độc lập, yêu cầu cơ quan, tổ chức không can thiệp trái pháp luật vào hoạt động xét xử. Bởi trên thực tế, có những can thiệp nhưng biểu hiện thường không rõ ràng nên Thẩm phán rất khó mà độc lập được.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thẩm tra dự án BLTTHS (sửa đổi): Không nên quy định hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung