Trong mấy năm gần đây, TAND huyện Ngọc Hiển đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa theo hướng dân chủ, công khai, đúng quy định pháp luật.
Đặc biệt, đơn vị luôn chú trọng đến công tác hòa giải trong việc giải quyết các vụ án tranh chấp dân sự.
Ngọc Hiển là huyện nằm ở cực Nam của Tổ quốc, có địa hình sông ngòi chằng chịt, điều kiện đi lại khó khăn, chủ yếu là đi bằng đường thủy nội địa. Mấy năm gần đây, kinh tế - xã hội của huyện có những bước phát triển vượt bậc, đời sống nhân dân được nâng lên. Bên cạnh sự phát triển đó thì tình hình vi phạm pháp luật, an ninh trật tự và tranh chấp dân sự trên địa bàn ngày càng có chiều hướng gia tăng. Số vụ việc hàng năm mà TAND huyện Ngọc Hiển phải thụ lý, giải quyết luôn năm sau cao hơn năm trước.
Trước tình hình đó, cấp ủy, lãnh đạo TAND huyện Ngọc Hiển đã quan tâm đến công tác kiện toàn tổ chức cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ công chức. Đồng thời, lãnh đạo đơn vị cũng thường xuyên tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức các Nghị quyết của Đảng các cấp, Chỉ thị của Ban cán sự Đảng, Chánh án TANDTC. Đơn vị đã tập trung nỗ lực giải quyết tốt các loại án phát sinh trên địa bàn, góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ tình hình trật tự trị an, đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác giải quyết dứt điểm các loại án gắn liền với nâng cao chất lượng xét xử.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Tòa án huyện cũng cho triển khai áp dụng nhiều sáng kiến, giải pháp xây dựng, phát huy tinh thần sáng tạo của cán bộ công chức. Đơn vị cũng đã cho triển khai áp dụng công nghệ thông tin vào công việc, từ việc thụ lý, báo gọi triệu tập phiên tòa, thống kê báo cáo, nghiên cứu văn bản nghiệp vụ đều được lập bảng biểu theo dõi khoa học, kịp thời, chính xác nên tiến độ giải quyết án tăng lên rõ rệt, hạn chế nhiều được án quá luật định.
Thẩm phán Thái Quốc Việt, Chánh án TAND huyện Ngọc Hiển
“Ngoài việc sinh hoạt định kỳ hàng tháng, Toà án còn tổ chức giao ban hàng tuần với các Thẩm phán để nắm bắt được tiến độ giải quyết án của từng người, có vướng mắc gì về nghiệp vụ thì cùng tranh luận và tìm cách giải quyết. Trước khi xét xử mỗi vụ án, lãnh đạo đơn vị cũng yêu cầu các Thẩm phán soạn đề cương và kiểm tra kỹ đề cương nội dung thẩm vấn. Khi phiên toà diễn ra, anh em cũng thường xuyên ngồi theo dõi để nắm bắt cách thẩm vấn cũng như cách điều khiển phiên toà, sau đó có thể họp để rút kinh nghiệm, chỉ ra những thiếu sót nếu có để khắc phục kịp thời”, Thẩm phán Thái Quốc Việt, Chánh án TAND huyện Ngọc Hiển chia sẻ.
Cũng theo Thẩm phán Việt, nhằm đáp ứng các yêu cầu về cải cách tư pháp, trong mấy năm gần đây, TAND huyện Ngọc Hiển đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác hòa giải trong quá trình thụ lý và giải quyết các vụ án dân sự. “Trong số các vụ án tranh chấp dân sự thì các vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản, vay tài sản, quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản... chiếm tỷ lệ cao. Các loại án này, quan hệ dân sự diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định xã hội, đặc biệt là quan hệ về đất đai, nếu không được giải quyết kịp thời, thỏa đáng thì có thể dẫn đến khiếu kiện đông người, vượt cấp; hoặc quan hệ vay nợ nếu bản án không được thi hành có hiệu quả thì có thể dẫn đến hiện tượng thuê đòi nợ, gây mất trật tự an ninh địa bàn. Vì vậy, công tác hòa giải, giải thích pháp luật cần phải được chú trọng, góp phần cùng với lực lượng chức năng giữ gìn an ninh trật tự của địa phương”, Thẩm phán Việt phân tích.
Cũng chính vì xác định được vai trò quan trọng của công tác hòa giải nên lãnh đạo Tòa án huyện Ngọc Hiển cũng thường xuyên nhắc nhở cán bộ cần hết sức kiên trì, mềm dẻo trong công tác hòa giải. Trong quá trình hòa giải, cán bộ Tòa án nhất định phải phân tích cho các bên đương sự hiểu những quy định của pháp luật, đồng thời nhấn mạnh về mặt đạo đức xã hội; tôn trọng, bảo đảm các ý kiến thể hiện sự tự nguyện của các đương sự, không áp đặt quan điểm, phản bác ý kiến tự nguyện thỏa thuận của các đương sự mà chỉ đề xuất gợi mở hướng giải quyết tối ưu cho các đương sự để họ thực hiện nguyên tắc tự quyết định. Nhờ triển khai thực hiện và làm tốt các khâu đó nên trong mấy năm gần đây, tỷ lệ hòa giải thành của TAND huyện Ngọc Hiển luôn đạt từ 40% trở lên.
Phát huy những thành quả đã đạt được và hoàn thành tốt nhiệm vụ những năm công tác tiếp theo, lãnh đạo TAND huyện Ngọc Hiển cũng đã quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị tiếp tục cố gắng đẩy nhanh tiến độ cũng như nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án, phấn đấu không để xảy ra xét xử oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm, không để việc giải quyết, xét xử các loại án kéo dài gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Tiếp tục đổi mới và phát huy hiệu quả tranh tụng tại phiên toà, chú trọng đề cao công tác hoà giải trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, phấn đấu giải quyết các loại án đạt và vượt chỉ tiêu quy định, 100% các bản án hình sự sau khi có hiệu lực đều được đưa ra thi hành kịp thời, đúng quy định của pháp luật.