Để các cấp Tòa án thực hiện đúng quy định của BLTTDS, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành nhiều Nghị quyết hướng dẫn thực hiện trong đó có Nghị quyết số 05/2012/HĐTP ngày 3-12-2012 (sau đây viết tắt là NQ số 05/2012).
Tại Điều 22 của NQ số 05/2012 đã hướng dẫn thực hiện Điều 189 BLTTDS. Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động tố tụng dân sự vẫn có ý kiến khác nhau mà chưa có lời kết.
Những căn cứ để Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự được quy định tại Điều 189 BLTTDS. Cụ thể là:
Quy định tại khoản 1 về trường hợp đương sự là cá nhân chết, cơ quan, tổ chức đã sáp nhập, chia tách, giải thể mà chưa có cá nhân, cơ quan, tổ chức kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đó.
Quy định tại khoản 2 về trường hợp: đương sự là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật.
Quy định tại khoản 3 về trường hợp: chấm dứt đại diện hợp pháp của đương sự mà chưa có người thay thế.
Quy định tại khoản 4 về trường hợp: Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án.
Quy định tại khoản 5 về trường hợp: Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án mà thời hạn giải quyết đã hết.
Một phiên tòa dân sự
Quy định tại khoản 6 về trường hợp: Các trường hợp khác theo quyết định của pháp luật.
Để các cấp Tòa án thực hiện đúng quy định của BLTTDS, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành nhiều Nghị quyết hướng dẫn thực hiện trong đó có Nghị quyết hướng dẫn thực hiện, trong đó có Nghị quyết số 05/2012/HĐTP ngày 3-12-2012 (sau đây viết tắt là NQ số 05/2012). Tại Điều 22 của NQ số 05/2012 đã hướng dẫn thực hiện Điều 189 BLTTDS. Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động tố tụng dân sự vẫn có ý kiến khác nhau mà chưa có lời kết. Ví dụ: Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý vụ án, trong thời hạn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 179 BLTTDS (bốn tháng) nguyên đơn có đơn đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết án. Lý do là nguyên đơn đi chữa bệnh tại bệnh viện mà không thẻ ủy quyền cho người khác được. Thời hạn tạm đình chỉ cho đến khi nguyên đơn có đơn yêu cầu Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án. Về trường hợp này đang có ý kiến khác nhau. Cụ thể là: có ý kiến cho rằng Tòa án không chấp nhận đề nghị của nguyên đơn, vì Điều 189 BLTTDS không quy định về trường hợp nguyên đơn đề nghị tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Ý kiến khác lại cho rằng: Tòa án căn cứ khoản 6 Điều 189 và căn cứ điểm X khoản 2 Điều 58 BLTTDS để ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Vì đây là trường hợp khác theo quy định của pháp luật được quy định tại khoản 6 Điều 189 BLTTDS.
Về trường hợp này, chúng tôi thấy rằng: đây là vấn đề nhận thức pháp luật. Nghiên cứu nội dung Điều 189 BLTTDS, chúng ta dễ dàng nhận thấy là: Điều 189 BLTTDS có hai quy định căn bản. Cụ thể như sau:
Một là: quy định cụ thể từng trường hợp để Tòa án được ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Quy định cụ thể này là các trường hợp trong các khoản 1, 2,3,4 và khoản 5 Điều 189 BLTTDS.
Hai là: quy định khái quát (còn gọi là quy định chung). Quy định này không nêu cụ thể từng trường hợp. Đó là quy định tại khoản 6 Điều 189 BLTTDS. Nội dung quy định như sau: “Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”. “Các trường hợp khác” quy định tại khoản 6 Điều 189 BLTTDS được hiểu là các trường hợp không quy định tại các khoản 1, 2,3,4 và khoản 5 Điều 189 BLTTDS, nhưng lại có quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc có quy định tại các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Điều 59 BLTTDS quy định quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn. Tại khoản 1 điều này có quy định là: “Các quyền, nghĩa vụ của đương sự quy định tại Điều 58 của Bộ luật này”, mà tại điểm X khoản 2 Điều 58 BLTTDS có quy định là: “Đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định của Bộ luật này”. Theo chúng tôi, quyền đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án là quyền do pháp luật tố tụng dân sự quy định, nếu đề nghị đó là hợp pháp và có căn cứ thì Tòa án chấp nhận. Còn trường hợp đề nghị không có căn cứ thì Tòa án không chấp nhận. Đó là trường hợp nguyên đơn đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do nguyên đơn vào bệnh viện chữa bệnh mà nguyên đơn không thể ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng được thì đề nghị này là hợp pháp ở chỗ: có quy định tại điểm X khoản 2 Điều 58 và phù hợp với nguyên tắc cơ bản quy định tại Điều 58 BLTTDS, đó là nguyên tắc: “Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự”. Yêu cầu chữa bệnh của nguyên đơn là yêu cầu chính đáng được quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Từ thực tế này chúng ta thấy quyền của nguyên đơn, quyền của bị đơn dân sự về “đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án” theo quy định của BLTTDS được chấp nhận trong các trường hợp: đi công tác xa, có thời gian thu thập thêm chứng cứ, ốm đau, sinh đẻ… mà họ không thể ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng được, kèm theo đơn đề nghị là giấy tờ để chứng minh cho việc đề nghị là có căn cứ như giấy xác nhận của bệnh viện, của cơ quan, tổ chức cử đi công tác… Suy rộng ra đối với người ốm đau, sinh đẻ mà đã có quyết định thi hành án phạt tù còn được Tòa án quyết định hoãn thi hành án phạt tù theo quy định tại Điều 61 BLHS và tại Điều 261 BLTTHS.
Do đó, trường hợp bạn đọc cho biết nguyên đơn có đơn đề nghị tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự với lý do ốm đau đi bệnh viện chữa bệnh mà đề nghị đó là có căn cứ, thì người có thẩm quyền trong trường hợp tố tụng dân sự căn cứ vào Điều 59 (hoặc 60), điểm X khoản 2 Điều 58 và khoản 6 Điều 189 BLTTDS ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.